(ĐNĐT)- Hiện nay, một số nhà báo do chưa nhận thức đầy đủ về chức năng nhiệm vụ của báo chí; yếu kém trong chuyên môn, khai thác và xử lý nguồn tin hoặc thậm chí vì lý do kinh tế mà chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề báo, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ báo giới.
Đây cũng là chủ đề của Hội thảo “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” do Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức vào sáng 11-1.
Chuẩn xác trong khai thác và xử lý nguồn tin
Hầu hết các tham luận trình bày tại hội thảo đều khẳng định, nhà báo cũng chính là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Từ những nhà báo mới vào nghề cho đến những cây bút đã thành danh, đều phải luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, tu dưỡng bản thân, nghiệp vụ để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất trong quá trình thu thập, khai thác và xử lý nguồn tin. Từ đó, cung cấp đến bạn đọc cái nhìn khách quan, chân thực và mang tính nhân văn về mọi khía cạnh của cuộc sống.
Theo nhà báo Nguyễn Thành (Báo Đà Nẵng), khi sự kiện diễn ra, mỗi nhà báo luôn có hướng tiếp cận khác nhau tùy vào năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sự mẫn cảm cá nhân... Đồng thời, mỗi người phải căn cứ trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và tôn chỉ, mục đích của tờ báo để khai thác và xử lý nguồn tin một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan và trung thực, thể hiện rõ phẩm chất, đạo đức của mình.
Cùng phản ánh về một vụ án mạng, nhưng mỗi nhà báo có cách khai thác và xử lý nguồn tin khác nhau để phục vụ cho tờ báo của mình; đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng bạn đọc mà mình hướng đến. Vì thế, có lúc ảnh hưởng đến khía cạnh đạo đức của người làm báo khi tiếp cận với sự việc và khai thác nguồn tin. Nhiều nhà báo, do yêu cầu của cơ quan báo, phải khai thác cặn kẽ những khía cạnh đời tư, những tình tiết liên quan đến vụ việc để thu hút bạn đọc, vô hình chung đã bước qua ranh giới về đạo đức nghề nghiệp một cách vô tình hay cố ý.
Bên cạnh đó, việc khai thác và xử lý nguồn tin như vậy sẽ trở nên thụ động, mang tính phản ánh sự việc hơn là thông qua thông tin trên tờ báo để định hướng dư luận xã hội, hướng người đọc, người nghe, người xem đến “cái thiện”… Ngược lại, nhiều tờ báo có tôn chỉ, mục đích rất rõ ràng, nhưng nhà báo do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, không tuân thủ theo đúng tôn chỉ, mục đích ấy, làm phương hại đến cơ quan báo chí mà mình phục vụ.
Một ví dụ cụ thể là mới đây, một nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam - cơ quan ngôn luận chính thống của Nhà nước đã đưa tin về vụ “cha chồng “dính” con dâu”. Do thiếu đạo đức trong hoạt động nghiệp vụ vì không kiểm chứng nguồn tin nên vi phạm nghiêm trọng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí này, làm phương hại uy tín của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Nở |
Tâm sáng, bút sắc
“Người làm báo phải tuân thủ Luật Báo chí và “luật” lương tâm - ý thức trách nhiệm với cộng đồng để phản ánh sự thật khách quan và trung thực nhất” là khẳng định của nhà báo Phan Thủy (Báo Công an thành phố Đà Nẵng). Theo chị, nghề báo và người làm báo vừa là nhân chứng vừa là thư ký của thời đại. Nếu người thư ký đó không trung thực, sự thật ấy sẽ bị bóp méo.
Từ thực tiễn đã và đang diễn ra trong đời sống báo chí hiện nay, người làm báo muốn làm tròn trọng trách của mình thì hơn ai hết, phải hiểu giá trị của thông tin mà mình đưa đến cho độc giả. Đằng sau những thông tin đó còn là lòng tự trọng với nghề. Theo đó, giữ được lòng tự trọng với nghề cũng chính là giữ cho mình sống lành mạnh, giữ phẩm chất trong sáng để không bị những cám dỗ vật chất làm mờ mắt…
Ông Mai Mộng Tưởng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo và các tham luận về đạo đức nghề báo. Ông cho rằng, so với các địa phương khác, trong thời gian qua, các báo ở Đà Nẵng đã làm tốt vai trò định hướng xã hội, ổn định tư tưởng nhân dân trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu, giúp bạn đọc tiếp cận được với thông tin chính thống, sát với đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc khẳng định, Hội thảo đã trao đổi một trong những vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất của hoạt động báo chí hiện nay là làm sao phản ánh sinh động và tôn trọng sự thật trong quá trình khai thác, xử lý nguồn tin. Nhà báo Mai Đức Lộc cho rằng, vì sự phát triển của đất nước, của thành phố, vì ổn định xã hội, mỗi nhà báo phải luôn tự giữ mình, luôn “thận trọng từng chữ, từng câu và từng cái phong bì” để tạo ra những sản phẩm báo chí phản ánh trung thực, sâu sắc mọi mặt của cuộc sống.
Mai Trang