Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng chiều 14-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: “Điều cốt yếu đã làm thì phải làm cho được, đừng nói cho hay”.
Ghi nhận những nỗ lực của Sở LĐ-TB&XH trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nhắc nhở: “Sở phải sâu sát việc quản lý, thường xuyên nhắc nhở cán bộ. Anh nào muốn làm giàu thì đi kinh doanh, còn trong lĩnh vực quản lý Nhà nước thì xin đừng”.
“Phải nói làm sao cho ông nông dân ổng nghe”
Nói về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bí thư Thành ủy rất hoan nghênh và ủng hộ điều này nhưng cho rằng: “Đừng nêu đầu đề thì hay mà làm không được. Dạy nghề cho lao động nông thôn là lĩnh vực rất khó. Phải nói làm sao cho ông nông dân ổng nghe. Một anh có lý thuyết thì nói ổng không nghe, một anh có kinh nghiệm thì lại không chịu nói… Khó là khó chỗ đó!”.
Bí thư Thành ủy cho rằng, chợ việc làm phải từ từ, đừng nôn nóng; phải tạo thói quen, nếp nghĩ vào chợ khi có nhu cầu tìm việc, tìm người làm cho dân. Trường CĐ nghề phải quy vào đầu mối quản lý, tránh tình trạng quản lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm. Đào tạo tập trung vào thế mạnh, đừng đào tạo mênh mang, tràn lan, lãng phí, tốn tiền bạc của xã hội. Theo Bí thư Thành ủy, phải làm sao để học sinh chưa ra trường mà đã có người đến đăng ký nhận vào làm việc chứ đừng để đào tạo ra rồi tìm đỏ mắt không có ai nhận.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng rất chú ý đến lĩnh vực người có công để chăm sóc các đối tượng chính sách một cách tốt nhất. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 1998 đến nay, Đà Nẵng đã bố trí hơn 600 lô đất cho đối tượng chính sách và dự định bố trí tiếp 200 lô cho các đối tượng này. Bí thư Thành ủy chỉ đạo: “Sở phải rà soát, kiểm tra lại, làm thiệt kỹ, tránh tình trạng người bức xúc thiệt về nhà ở thì không có nhà. Việc xây dựng Trung tâm Phụng dưỡng người có công phải chú ý tiến độ để các cụ vào ở khỏi lo còn chuyện nọ chuyện kia”. Người đứng đầu thành phố cũng đồng ý kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp phòng ăn tại Làng Hy Vọng cho các cụ ở tạm trong những năm chờ xây dựng.
Không thể hô hào chung chung
Trong nhiều đề xuất tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất của Sở LĐ-TB&XH, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đồng ý nâng cấp Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, bởi “người tâm thần thuộc diện đối tượng chính sách và người tâm thần, không thuộc diện này nên được ở những khu khác nhau để tiện chăm sóc. Người ta có công với đất nước được ưu đãi hơn một chút cũng là điều nên làm”.
Không đồng ý đề xuất mở thêm dịch vụ có thu tại Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy cho rằng, là đơn vị mang trọng trách chăm sóc, bảo vệ trẻ em thiệt thòi, có ý nghĩa lớn thì không nên đặt nặng vấn đề doanh thu.
Bí thư Thành ủy cũng đặc biệt dặn dò Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 về việc cai nghiện cho những người mới chớm nghiện: “Quan trọng nhất là không để thẩm lậu ma túy. Nói thiệt chứ không có đội quân bên trong tiếp ứng thì liệu họ có tuồn “hàng” vào được không? Làm chặt chẽ phải từ cán bộ chứ không thể hô hào chung chung. Nếu cần thì có thể lắp camera để phát hiện những trường hợp thẩm lậu ma túy”. Bí thư còn nói vui rằng, lâu lâu cũng nên chiếu mấy bộ phim về tác hại của ma túy để đánh vào tâm lý, thức tỉnh các học viên.
Cấm triệt để bán hàng rong Khi nghe Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Thanh Hưng đề xuất ý kiến cho xây ki-ốt dành cho người bán hàng rong, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh bày tỏ quan ngại. “Bán hàng rong là bán hàng rong, bán hàng bình thường thì có ki-ốt, có địa chỉ rõ ràng. Gom hết người bán hàng rong vào quầy thì quầy đâu cho đủ. Mà giải quyết hết số này thì số khác ùa ra, làm sao cho xuể. Vì vậy, cứ phải cấm triệt để bán hàng rong ở các tuyến phố chính, loạng quạng là phạt. Phải có chế tài mạnh. Phải dành tuyến phố đi bộ cho du khách và người dân để có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp Đà Nẵng. Vì sự phát triển, vì vẻ đẹp của thành phố, không thể hy sinh vì lợi ích một nhóm người, nên hướng cho họ (những người bán hàng rong - PV) theo các ngành nghề khác”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. |
PHƯƠNG TRÀ