.

Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Phải tốt hơn chứ không được kém đi”

.

(ĐNĐT)- Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng trong  buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thành phố chiều 11-1. Theo ông, Đà Nẵng có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào ngành VHTT&DL. Vì thế, “nhất quyết phải làm tốt hơn chứ không được kém đi”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh phát biểu chỉ đạo
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh phát biểu chỉ đạo

Ngành VHTT&DL có nhiều khởi sắc

Tại buổi làm việc, Sở VHTT&DL Đà Nẵng cho biết, trong năm 2012, tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, song hoạt động của ngành có nhiều khởi sắc. Ngành đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn, tiếp tục khẳng định thương hiệu thành phố như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2012, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, Hoa khôi Thể thao, Giải vô địch bơi lặn châu Á và Vô địch trẻ châu Á, Cuộc thi dù bay quốc tế, Hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch toàn quốc”…

Đặc biệt, hai lĩnh vực thể thao và du lịch đã đạt nhiều thành tích ấn tượng. Như hoạt động thể dục thể thao thành tích cao, đội tuyển SHB Đà Nẵng đã đăng quang ngôi vô dịch V-League tại giải Vô địch Quốc gia Eximbank 2012. Tại Olympic London, nhiều đại diện Đà Nẵng đạt kết quả cao là VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn xếp thứ 4 chung cuộc với thành tích tổng cử 284kg; VĐV Nguyễn Thanh Phúc phá kỷ lục quốc gia và vượt qua thành tích của Phúc tại giải Vô địch đi bộ châu Á 2012.

Tính đến ngày 31-12-2012, đoàn thể thao Đà Nẵng đã tham gia 116 giải thi đấu, đoạt 161 HCV, 151 HCB và 221 HCĐ tại tất cả các bộ môn, trong đó có 38 lượt VĐV đạt thành tích xuất sắc tại các giải đấu quốc tế, được UBNDTP tặng bằng khen (tăng 22,6% so với năm 2011).

Đối với lĩnh vực du lịch, theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VHTT&DL, nhờ làm tốt khâu xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nên lĩnh vực du lịch trong năm qua có nhiều kết quả khả quan. Tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2011, đạt 103% kế hoạch đề ra. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 36%, đạt 119% kế hoạch…

Tuy nhiên, trong năm qua, sự nghiệp của ngành VHTT&DL Đà Nẵng vẫn tồn tại không ít khó khăn như: thiết chế văn hóa, thể thao chưa được đầu tư đúng mức; chế độ đãi ngộ văn nghệ sĩ chưa đủ để khuyến khích sáng tạo; thiếu kinh phí cho đầu tư nâng cấp hệ thống xe buýt, nhà ga, sân bay… đến các điểm du lịch; chèo kéo du khách vẫn chưa giải quyết rốt ráo…

Chưa xứng với tầm vóc đô thị loại 1

Sau khi nghe báo cáo thành tích cũng như những khó khăn, vướng mắc của ngành, đồng chí Nguyễn Bá Thanh: “Tôi chờ nghe các ý kiến hiến kế để phát triển ngành mà ít quá. Chủ yếu là xin thêm ngân sách hoạt động rồi chờ nghe chỉ đạo của cấp trên”.

Đồng chí ghi nhận: những thành quả đã đạt được của ngành VHTT&DL trong thời buổi kinh tế khó khăn thực sự là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, với tầm vóc của một đô thị loại 1 như Đà Nẵng, sự phát triển của ngành VHTT&DL như thế là chưa đủ, ngành vẫn chưa gắng hết sức, đâu đó còn biểu hiện của sự chây lì, ỉ lại. Bí thư Thành ủy dẫn ra những gợi ý, chỉ đạo cụ thể với hy vọng trong thời gian đến, để ngành hoạt động có “lửa” hơn như: có thể mạnh dạn đầu tư vài khu vui chơi giải trí, bán hàng ẩm thực, lưu niệm như khu Dana Beach của Cty Cổ phần Khuê Việt. Đối với lĩnh vực thể thao, thời gian tới, nên đầu tư cho một số môn có thế mạnh trong thể thao thành tích cao, chứ không đầu tư dàn trải nữa. Đừng chú trọng đến thành tích huy chương và không nên có tư duy thấy họ có môn này cũng phải có môn đó.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh bày tỏ sự trăn trở đặc biệt đối với ngành du lịch: “Vừa nhận nhiệm vụ mới ở Ban Nội chính Trung ương, tôi còn rất ít thời gian với Đà Nẵng. Tôi quan tâm làm việc với ngành, do trong đây có lĩnh vực định hướng phát triển thành “mũi nhọn” của thành phố là dịch vụ du lịch.” Theo đồng chí, muốn phát triển thương hiệu du lịch phải chú ý từ cái nhỏ, như du lịch biển phải làm cho tốt từ công tác cứu hộ, từ cái bãi giữ xe, khu tắm nước ngọt… tới hỗ trợ du khách. “Cứ bám miết cái danh biển đẹp “top” 5 hành tinh là không được”. Đồng chí nhắc nhở từng việc cụ thể, như công tác cứu hộ, đã phân công nhiệm vụ rồi thì phải đảm bảo ở các bãi tắm công cộng không để ai đuối nước. Phải vây phao khoanh vùng khu vực tắm cho phép, rồi thường xuyên chèo thuyền thúng đi quanh trên biển quan sát, có sự cố là ứng cứu kịp thời. “Chứ lâu lâu có một vụ đuối nước, báo chí đăng tin ầm ầm, cả nước họ đọc thấy, mất an toàn như vậy, ai dám tới đây tắm biển”.

Về những kiến nghị của ngành VHTT&DL về đầu tư một số dự án, công trình như xây dựng hệ thống nhà vệ sinh tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, di dời Trung tâm văn hóa thành phố; khu nhà ở, luyện tập của VĐV tại khu liên hợp thể thao Hòa Xuân và nhiều công trình, dự án khác, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đồng ý, nhưng những dự án lớn phải đầu tư phân kỳ chứ không thể có vốn làm một lúc.

Bài và ảnh: Thanh Tân

;
.
.
.
.
.