.

Tết bình yên

.

Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013 trôi qua với những sắc màu rực rỡ và nhiều hoạt động nhộn nhịp trên khắp các nẻo đường của thành phố Đà Nẵng. Người dân và du khách được đón một cái Tết thật vui tươi, đầm ấm và bình yên…

l Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm Đường hoa Bạch Đằng Xuân Quý Tỵ - 2013. (ảnh lớn)  l Nhiều người dân thích thú với gian hàng thư pháp ở Hội Hoa xuân.                                                                                                                      Ảnh: Thanh Tân và HOÀNG HÂN
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm Đường hoa Bạch Đằng Xuân Quý Tỵ - 2013. (ảnh lớn) Nhiều người dân thích thú với gian hàng thư pháp ở Hội Hoa xuân. Ảnh: Thanh Tân và HOÀNG HÂN

Trẩy Hội hoa Xuân.

Vẫn trong không gian đình làng với chương trình hái lộc đầu xuân, vui hội bài chòi, múa lân sư rồng, múa rối, thi đấu cờ người, trò chơi dân  gian cùng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí sôi động của Tết xưa - Tết nay, Hội hoa Xuân Quý Tỵ 2013 tiếp tục cuốn hút người Đà Nẵng và du khách thập phương đến trẩy hội.

Thống kê của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, đơn vị tổ chức cho biết, trong 8 ngày (từ ngày 8-2 đến 16-2, nhằm ngày 28 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng), Hội hoa Xuân Quý Tỵ 2013 thu hút hơn 500.000 lượt người.

Đông đảo người dân tham quan đường hoa Bạch Đằng.  Ảnh: THANH TÂN
Đông đảo người dân tham quan đường hoa Bạch Đằng. Ảnh: THANH TÂN

Theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, 500.000 lượt người là con số không nhỏ nhưng so với các năm thì có phần khiêm tốn hơn. Ông Thứ lý giải, năm nay, một phần do kinh tế khó khăn, một phần do sự phát triển của các dịch vụ giải trí tại các siêu thị như Big C, Co.opMart, LotteMart... Vì vậy, Công viên 29-3 với Hội hoa Xuân không còn là điểm vui chơi gần như duy nhất của người dân tại trung tâm thành phố trong dịp Tết. Nhiều người cho rằng, đây là thực tế tất yếu, là dấu hiệu vui vì người dân có thêm nhiều lựa chọn, có thể thong thả du xuân và không còn khổ sở với cảnh chen chúc, quá tải của Công viên 29-3 những năm trước.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lượng người đến Hội hoa Xuân kém nô nức so với những năm trước do trò chơi ở công viên không mới, khu Tết xưa - Tết nay luôn lặp lại, các chương trình văn nghệ truyền thống như hát bội, bài chòi kén người trẻ...

Trong khi đó, tại Đường hoa Bạch Đằng trong suốt 10 ngày luôn nườm nượp người dân và du khách đến tham quan thưởng lãm. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến sau 21 giờ ngày 16-2 (mồng 7 tháng Giêng), đường hoa Bạch Đằng vẫn chật kín người xem hoa, quay phim, chụp ảnh… Chị Hà Cẩm Phương (36 tuổi, người Hà Tĩnh, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Hòa Khánh) cởi mở: “Tôi vừa vào Đà Nẵng chiều mồng 6, nghe nói đường hoa lần đầu tiên tổ chức kéo dài thêm 2 ngày, liền lật đật rủ chồng con lên xem, đúng là đẹp thật!”. Đôi bạn Hạ My, Trúc Quỳnh (người Huế, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cũng chia sẻ: “Mồng 9 học, lẽ ra mồng 8 em mới vào nhưng nghe nói đường hoa Đà Nẵng kéo dài đến 22 giờ mồng 7 nên chúng em tranh thủ vào sớm một ngày, đi dạo từ chập tối đến giờ chụp được bao nhiêu hình đẹp”.

Ông Lê Tấn Trung Ba - Giám đốc dự án Công ty TNHH VietArt OOH, đơn vị tổ chức đường hoa cho biết, từ hôm khai trương (27 Tết) đến nay, đường hoa không một ngày “ngơi nghỉ”, số lượng người dân và du khách đến thưởng hoa mỗi ngày đêm ước đạt hơn 10.000 người. Theo ông Ba, đó là con số ngoài dự đoán của đơn vị tổ chức. Xuất phát từ nhu cầu của khách tham quan nên thành phố mới đồng ý cho kéo dài hoạt động đường hoa tới ngày mồng 7 thay vì mồng 5 như kế hoạch.

Với thành công ban đầu, ông Lê Tấn Trung Ba cho biết những năm tiếp theo, đơn vị cam kết tài trợ và vận động tài trợ để duy trì thực hiện đường hoa Xuân mỗi dịp Tết đến. Ngay tháng 3 tới, đơn vị sẽ bắt tay thiết kế đường hoa Xuân 2014, sẽ tham khảo nhiều ý kiến để cho ra một sản phẩm nghệ thuật độc đáo phục vụ người dân và du khách.

Tại các quận, huyện, vùng ven, miền núi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tận cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tại chỗ của người dân trong dịp Tết. Sôi nổi nhất có thể kể đến các điểm ca nhạc với các gian hàng lô tô, trò chơi dân gian  ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Năm nay, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng đã tổ chức các đợt diễn văn nghệ, biểu diễn tuồng, chiếu phim phục vụ bà con các xã vùng ven, miền núi (Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn…) và phục vụ các em thiếu nhi ở Làng SOS…

Bên cạnh các chương trình văn nghệ quần chúng, trong những ngày Tết, tại Nhà hát Trưng Vương còn diễn ra chương trình ca múa nhạc - trích đoạn cải lương với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như danh hài Bảo Quốc, Ưng Hoàng Phúc, Quách Ngọc Ngoan, Đông Nhi...; tại Trung tâm Văn hóa thành phố đã tổ chức chương trình xiếc tổng hợp do Liên đoàn xiếc Việt Nam biểu diễn... làm phong phú thêm các món ăn tinh thần cho người Đà Nẵng trong dịp Tết.

Cũng trong chuỗi hoạt động phục vụ Tết, sau chương trình xiếc tổng hợp, từ ngày 16-2 đến hết tháng 3-2013, tại Trung tâm Văn hóa thành phố diễn ra chương trình ca múa nhạc thiếu nhi “Ấm áp mùa xuân” và chương trình múa rối nước, múa rối cạn phục vụ thanh thiếu nhi thành phố.

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, các hoạt động khác như Hội chợ Xuân Quý Tỵ 2013 - hoạt động mở đầu cho sự kiện phục vụ Tết, sau 7 ngày mở cửa thu hút hơn 200.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và vui chơi giải trí, doanh số bán hàng trực tiếp tại Hội chợ ước đạt 6 tỷ đồng; chợ Hoa Xuân Đà Nẵng doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng...

THANH TÂN

Giao thừa trong bệnh viện

“Bác sĩ, bác sĩ, cứu giùm vợ em với. Cô ấy chảy nhiều máu lắm”, “Bác sĩ làm gì đi chứ, bố tôi chết bây giờ”, “Các anh không làm nhanh, người ta chết là phải chịu trách nhiệm”… Đủ thứ giọng điệu, hối hả, thúc giục, thậm chí cả đe dọa của người nhà bệnh nhân đối với y bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong phòng trực của khoa Cấp cứu, thời gian trôi nhanh hơn với từng chiếc cáng hối hả chở người bệnh vào ra liên tục. Không ai còn tâm trí nhắc đến chữ “Tết” và thời khắc đón giao thừa. Gương mặt của bác sĩ Phan Văn Liên (33 tuổi) căng như dây đàn. Không khí trong căn phòng ngột ngạt. Sau mỗi ca bệnh, bệnh nhân chợt tỉnh, nụ cười thường trực trở lại trên môi bác sĩ Liên, hòa lẫn niềm vui của người nhà bệnh nhân.

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng luôn đông đúc trong những ngày Tết.                                                                       Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng luôn đông đúc trong những ngày Tết. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Chuyển người bệnh sang khoa khác điều trị tiếp, bác sĩ Liên và ê-kíp trực lại tiếp tục cấp cứu một bệnh nhân khác. 9 năm trong nghề thì có 6 - 7 năm bác sĩ Liên đón giao thừa ở bệnh viện. “Có nhiều lần cấp cứu cho bệnh nhân xong, quay ra hỏi một đồng nghiệp rằng giao thừa chưa nhỉ. Nhìn đồng hồ thì 1 giờ rồi, lại bắt tay vào ca bệnh kế tiếp”, bác sĩ Liên cho biết.

Có lần một thanh niên được đưa vào khoa Cấp cứu trong tình trạng tím tái cả người. Bằng kinh nghiệm, bác sĩ Liên chẩn đoán ngay anh ta hít heroin quá liều, nếu không cấp cứu kịp sẽ rất nguy hiểm. Các thao tác được thực hiện thật nhanh như: hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc đối kháng… Sau 10 phút, người bệnh tỉnh dậy, nắm tay bác sĩ cảm ơn rồi… chạy thật nhanh. “Quên viện phí là còn nhẹ. Việc người nhà nổi nóng vì lo lắng cho người thân, thậm chí dọa đánh bác sĩ là chuyện thường ở nơi đây”, một y tá cùng ca trực với bác sĩ Liên cho biết.

 “Với mình, sau mỗi ca bệnh, khi cứu được bệnh nhân hồi tỉnh thì không còn niềm vui, hạnh phúc nào bằng”, bác sĩ Liên thổ lộ. Nhiều lần anh nhận điện thoại cảm ơn vào sáng mồng 2 Tết. Đó là một người được cứu sống trong vô vàn những trường hợp khác mà anh không nhớ tên, nhớ mặt. Nhiều lúc lo cứu người, đến khi quay ra hỏi tên tuổi bệnh nhân thì người nhà không có, đành cấp cứu xong chuyển về khoa điều trị tiếp.

Với các y bác sĩ khoa Cấp cứu, không chỉ quên thời gian, họ còn quên cả cái đói. Bác sĩ Dương Ngọc Thành (27 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cho biết, nhiều lúc ca bệnh dồn dập, làm xong thì đã 22 giờ, ăn vội chiếc bánh mì nguội lót dạ rồi lại tiếp tục công việc. Công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng được hơn một năm nay, anh Thành luôn tâm niệm: “Tất cả phải vì người bệnh”. Còn nhớ Tết năm ngoái, vừa trực xong, bác sĩ Thành lại tất tả bắt xe về nhà vừa kịp đón giao thừa. Đặc thù của khoa Cấp cứu là các y bác sĩ không có ngày nghỉ phép nên anh Thành chỉ có thể tranh thủ giữa ca trực để về thăm nhà. “Mẹ mình nấu cháo gà rất ngon. Đó là món không thể thiếu đêm giao thừa. Vui với bố mẹ được một hôm, hôm sau lại lo vào ca trực. Cũng may là bố mẹ mình rất hiểu và cảm thông với công việc của mình”, anh Thành thổ lộ.

Chấn thương sọ não do TNGT tăng hơn 21%

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong dịp Tết Quý Tỵ, bình quân mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 ca, chủ yếu là tai nạn giao thông (TNGT), ngộ độc thực phẩm… Riêng số trường hợp cấp cứu TNGT do rượu, bia tăng hơn so với dịp Tết Nhâm Thìn. Ước tính từ 29 tháng Chạp đến mồng 8 tháng Giêng có khoảng hơn 1.300 ca.

Theo thống kê tại 23 bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố, trong dịp Tết Quý Tỵ có hơn 1.700 người nhập viện (tăng 21% so với Tết Nhâm Thìn) do TNGT (618 trường hợp), tai nạn do sinh hoạt (564 trường hợp), ngộ độc thức ăn (127 trường hợp), tai nạn do đánh nhau (56 trường hợp). Trong số các trường hợp cấp cứu do TNGT, có 115 trường hợp chấn thương sọ não, tăng hơn 21% so với Tết Nhâm Thìn. Gần 2.000 người bệnh nằm điều trị tại các bệnh viện trong ngày Tết đều được hỗ trợ tiền ăn theo quy định của UBND thành phố (50.000 đồng/người/ngày).

PHƯƠNG TRÀ

Tết bình yên

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết mặc dù thời gian vui Tết Quý Tỵ dài nhưng với sự nỗ lực của toàn lực lượng Công an thành phố, người dân Đà Nẵng đón cái Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm và yên bình.

Trong những ngày trước, trong và sau Tết, Công an thành phố và Công an các quận, huyện, phường, xã đã thực hiện nghiêm chỉnh các kế hoạch bảo vệ Tết.

CSGT cửa ô Hòa Phước lập biên bản xe khách vi phạm tốc độ sau Tết (ảnh chụp sáng 17-2).                               Ảnh: NGỌC PHÚ
CSGT cửa ô Hòa Phước lập biên bản xe khách vi phạm tốc độ sau Tết (ảnh chụp sáng 17-2). Ảnh: NGỌC PHÚ

Thượng tá Phạm Văn Liễu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động (PC65 Công an thành phố) cho biết, phòng đã huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ tốt đường hoa Bạch Đằng, các điểm vui chơi văn hóa, các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố. Ngoài các nhiệm vụ đột xuất, phòng còn tổ chức lực lượng chống cướp giật, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát Cơ động tuần tra, hóa trang mật phục trên các địa bàn trọng điểm để bảo vệ tài sản cho nhân dân, kịp thời ngăn chặn, bắt giữ một số đối tượng có hành vi gây án cướp giật, trộm cắp, móc túi.

Còn theo Thượng tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự, trong đêm giao thừa, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng Công an thành phố, Công an quận Hải Châu bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), trật tự đô thị, phòng chống cướp giật, trộm cắp trên các tuyến đường chính, các điểm bắn pháo hoa… Những ngày cận Tết và sau Tết, phòng bố trí các tổ công tác làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT tại Bến xe Đà Nẵng, khu vực đường Trường Chinh, Tôn Đức Thắng và đã xử lý kiên quyết tình trạng “xe dù, bến cóc”, tình trạng xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định. “Niềm vui lớn nhất trong Tết Quý Tỵ là phạm pháp hình sự giảm đáng kể, đặc biệt không để xảy ra trọng án, tội phạm giết người cướp tài sản, tội phạm băng nhóm xã hội đen”, Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố khẳng định.

Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT chia sẻ: “Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-CATP-PV11 ngày 6-1-2013 của Giám đốc Công an thành phố về tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Phòng đã phối hợp với các đơn vị như Phòng PC45, PC47, PC52, PC64B, PC65 thành lập 5 tổ công tác tiến hành chốt chặn, kiểm tra các hoạt động liên quan đến an ninh trật tự về ban đêm (từ 23 giờ đến 3 giờ sáng) để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, tổ chức lực lượng phối hợp với các lực lượng khác bảo đảm TTATGT khu vực đường hoa Bạch Đằng, chợ hoa Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách tham quan, mua sắm.

Ngoài ra, trong những ngày Tết, Phòng CSGT Công an thành phố chỉ đạo các đội, trạm xử lý đối với ô-tô khách vi phạm chở quá số người quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng rượu bia khi đang điều khiển phương tiện…, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý ô-tô chở khách, xe máy vi phạm; tổ chức lực lượng ứng trực trước, trong và sau Tết tại các chốt giao thông trọng điểm phòng chống ùn tắc giao thông…

Riêng trong đêm giao thừa, Phòng CSGT tập trung 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm TTATGT tại các điểm bắn pháo hoa và các tuyến, chốt giao thông trọng điểm, phân luồng, phân tuyến bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phòng chống đua xe trái phép, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, trật tự giao thông.

Trong sáng mồng 1 Tết Quý Tỵ, Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn, Hòa Hiệp và Hòa Phước phối hợp với Công an huyện Hòa Vang bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến, địa bàn trọng điểm như Quốc lộ 1A, 14B, đường tránh Hải Vân - Túy Loan, ĐT601, ĐT602 phục vụ nhân dân đi thăm thân nhân, viếng mộ đầu năm, không để xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc.

Báo cáo của Ban ATGT quốc gia cho biết, từ 29 tháng Chạp đến mồng 5, cả nước xảy ra 290 vụ tai nạn giao thông, làm chết 234 người, bị thương 284 người. Riêng thành phố Đà Nẵng xảy ra 5 vụ, làm chết 2 người, bị thương 3 người.

Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 6 tháng Giêng đã tiến hành lập biên bản 238 trường hợp vi phạm TTATGT, xử phạt 143 trường hợp.

Ngày 17-2, Trung tá Trần Phước Cường, Phó trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước cho biết, trạm đã tổ chức lực lượng giám sát tốc độ ngay từ ngày mồng 2 Tết. Theo đó, các phương tiện ô-tô khách trong những ngày qua đa số chạy quá tốc độ từ 20-30km/giờ.

NGỌC PHÚ

THANH TÂN - PHƯƠNG TRÀ - NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.