.

Cần làm rõ những nội dung về quyền con người, quyền công dân

Ngày 11-3, Báo Đà Nẵng tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài những góp ý về Lời mở đầu, bố cục, đa số ý kiến nêu ra tại hội nghị bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với những nội dung nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp. Một số ý kiến góp ý cần chỉnh sửa, bổ sung về câu chữ cho chặt chẽ và tạo tính thống nhất nhằm hoàn thiện để mọi người dân được hiểu.

 Về tên nước, nhiều ý kiến cho rằng, nên lấy tên “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, vì như vậy sẽ mang tính lô-gíc, phù hợp với điều kiện lịch sử và tình cảm của nhân dân đối với đất nước. Góp ý vào các nội dung về quyền con người, quyền công dân, nhiều ý kiến đề nghị nên nêu rõ các giá trị về quyền được sống, quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân và không xâm phạm thân thể, đời tư của công dân. Bởi đây là những quyền cơ bản của con người và của công dân cần được quy định rõ trong Hiến pháp, không nên quy định chung chung. Khoản 1, Điều 25 của dự thảo nêu: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.” Nhiều ý kiến đề nghị nên bổ sung là: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam công nhận bình đẳng trước pháp luật”.

Khoản 3, Điều 32 dự thảo quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. Có ý kiến đề nghị nên bổ sung là: Người bị bắt, bị tạm giữ, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa hoặc sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa. Quy định như vậy sẽ tròn ý và đầy đủ hơn vì bảo đảm quyền tự bào chữa của công dân trong trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, bị điều tra, truy tố, xét xử...

Một số ý kiến góp ý vào nội dung của Điều 120 về Hội đồng Hiếp pháp; về quyền phúc quyết của người dân đối với Hiến pháp trước khi Hiến pháp được ban hành; về việc cần nêu rõ việc bỏ phiếu tín nhiệm và lấy phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến nhất trí cao và ủng hộ những nội dung tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị nên bổ sung, Đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của Đảng trước nhân dân; cụ thể là chịu trách nhiệm về chất lượng tăng trưởng, chất lượng phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội... Ngoài ra, các ý kiến góp ý vào các nội dung về quyền sở hữu đất đai; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; về chế định Chủ tịch nước…

V.D


 

;
.
.
.
.
.