.

Cụ thể hóa các mục tiêu bình đẳng giới: Đề cao tính độc lập của cơ quan hành pháp

.

Ngày 1-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Cùng chủ trì buổi tọa đàm có Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa.

Các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 tại buổi tọa đàm.                     Ảnh: VĂN NỞ
Các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 tại buổi tọa đàm. Ảnh: VĂN NỞ

Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều thống nhất Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều điểm tiến bộ, thể hiện được ý chí của toàn Đảng, toàn dân; góp phần thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội XI của Đảng; góp phần thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Góp ý tại buổi tọa đàm, bà Ngô Liên Hương, Hội Nữ trí thức thành phố Đà Nẵng cho rằng, mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Tuy nhiên, theo bà Hương, trong Điều 27 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) có bổ sung từ “bình đẳng” nhưng vẫn chưa bao quát được mục tiêu bình đẳng giới. Do đó, cần bổ sung những cụm từ: “trách nhiệm thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” vào sau câu: “Nhà nước có (…), chính sách bảo đảm quyền bình đằng và tạo cơ hội như nhau cho công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình có tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.

Đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng cho rằng, tại Điều 6 có ghi: “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Đề nghị cần ghi đầy đủ hơn là “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội”. Tại Điều 9, bà đề nghị thêm các tổ chức xã hội nghề nghiệp sau câu: “Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị xã hội, (các tổ chức xã hội nghề nghiệp)… vì các tổ chức xã hội chưa bao gồm các tổ chức nghề nghiệp là thành viên của Mặt trận như Hội Nhà báo, Hội Luật gia, Hội Văn học- Nghệ thuật, Hội Đông y, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Bàn về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp, bà Hà Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đề nghị bổ sung cụm từ “là bộ phận của hệ thống chính trị” trước cụm từ “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” tại Điều 9. Cũng tại khoản 2, Điều 9 có câu “Tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân”, bà Phượng đề nghị thay từ “tinh thần” bằng từ “đồng thuận”. (VĂN NỞ)

l Ngày 1-3, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huỳnh Nghĩa chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn về phần Bộ máy Nhà nước Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ý kiến cho rằng: Tại khoản 4 Điều 75 nên quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc quyết toán báo cáo tổng hợp dự toán chứ không chỉ xem xét như trong khoản 4 nêu. Tại Điều 91 cần thêm cụm từ “hoạt động trong khuôn khổ pháp luật” và viết lại là “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” để quy định rõ quyền hạn của Chủ tịch nước. Hiện nay, Tổng Bí thư kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy Trung ương, còn Chủ tịch nước kiêm Hội đồng Quốc phòng và An ninh; do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định Chủ tịch nước đồng thời kiêm Tổng Bí thư để nhất quán các quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ.

Tại Điều 99 nên bỏ cụm từ “là cơ quan chấp hành của Quốc hội” và viết lại “Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm đề cao tính độc lập của cơ quan hành pháp. Nhiều ý kiến cũng đề nghị đổi tên “Ủy ban Nhân dân” thành “Ủy ban Hành chính” để thể hiện tính chuyên nghiệp rõ hơn và phù hợp với chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cơ quan này. Bên cạnh đó, cũng đổi tên “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân” thành “Chủ tịch Ủy ban Hành chính”.

Tại khoản 1 Điều 116 nên bỏ cụm từ “cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương” và viết lại thành “Hội đồng Nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân…” vì hiện nay một số địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường. Tại Điều 119 cần bỏ từ “mời” trước từ “tham dự” để nâng cao vai trò của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được viết lại là “Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương được tham dự kỳ họp Hội đồng Nhân dân và được tham dự hội nghị Ủy ban Nhân dân cùng cấp khi bàn bạc các vấn đề có liên quan”. Cũng liên quan đến vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận, nhiều ý kiến đề nghị nên đưa ra quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận đối với Đảng và Nhà nước… (Đoàn Lương )

;
.
.
.
.
.