.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước

Theo tôi, hiện việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân vẫn mang đậm tính chất tinh thần vì thực tế chủ sở hữu là Nhà nước. Nên chăng quy định rõ ràng trong Hiến pháp về đại diện chủ sở hữu Nhà nước, tránh tình trạng xác định sở hữu toàn dân nhưng không biết ai là chủ sở hữu.

Nên viết lại Điều 57 trong Dự thảo Hiến pháp thành “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật”.

Với Điều 58, quy định về một nội dung đang rất “nóng” hiện nay - vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tôi cho rằng, khoản 1 nên nhấn mạnh quan điểm đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch. Khoản 3 nên sửa quy định để Nhà nước chỉ có quyền thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia.

Trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định, tối thiểu phải bảo đảm ổn định đời sống người dân về lâu dài không thấp hơn trước khi bị thu hồi. Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại thì bên tổ chức thu hồi đất phải thỏa thuận với công dân và giá bồi thường như thế nào do hai bên thống nhất. Theo đó, trong trường hợp bình thường, tôi góp ý nên bỏ từ “thu hồi đất” và “cưỡng chế thu hồi đất” bởi việc này chỉ phù hợp khi Nhà nước giải quyết hành vi lấn chiếm, sử dụng sai mục đích hay vượt quá hạn mức...

Cũng về điều luật này, tôi kiến nghị sửa đổi mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người dân. Cụ thể, cần làm rõ, sửa đổi mối quan hệ này trong việc thu hồi đất “để giao đất, cho thuê theo hình thức chỉ định chủ đầu tư”. Trong tình huống đó, nhà đầu tư hay người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt. Nhà đầu tư có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, du lịch hoành tráng, hiện đại... nhưng họ phải tạo lập trong khuôn khổ sự vận động bình thường của cuộc sống dân sự, chứ không phải dựa vào sức mạnh để khiến người khác phải ra khỏi không gian sống được cho là của mình.

Theo tôi, trong tình huống Nhà nước thu hồi đất của dân để cho chủ đầu tư sử dụng, thì Nhà nước phải bảo đảm sự công bằng giữa hai bên, không được dùng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp này. Chỉ khi nào đa số (có thể quy định là 95%) người dân đồng ý giao đất một cách tự nguyện thì mới bắt đầu thu hồi, cưỡng chế đất.

Tại Điều 6 cần bổ sung thêm “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được khẳng định trong Hiến pháp 1992 và các nghị quyết, văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chỉ có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới có quyền và trách nhiệm đại diện nhân dân tổ chức hiệp thương, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND, đồng thời thực hiện chức năng giám sát đại biểu dân cử các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 48 đề nghị sửa lại: “Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ” thiêng liêng cao quý của mọi công dân.

ThS. TRẦN CAO ANH

(Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III)

;
.
.
.
.
.