.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Quyền lập hiến là của nhân dân

.

Ngày 28-2, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huỳnh Nghĩa chủ trì Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992. Nội dung lấy ý kiến tập trung vào: Chế độ chính trị; kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các đại biểu góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. 		     Ảnh: SƠN TRUNG
Các đại biểu góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Ảnh: SƠN TRUNG

Nhiều ý kiến đồng tình quan điểm: Quyền lập hiến là quyền của nhân dân, QH chỉ là cơ quan lập pháp. Do vậy, HP sau khi xây dựng cần đưa ra để dân phúc quyết. Như vậy mới thể hiện tính dân chủ và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Có ý kiến gợi ý cần lập QH lập hiến sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì tự giải tán. Nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Như vậy sẽ không có sự bình đẳng để kiểm soát lẫn nhau giữa 3 cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như quy định tại Điều 2. Nên ghi QH là cơ quan đại biểu của nhân dân thực hiện quyền lập pháp. Quy định về trưng cầu dân ý tại dự thảo chưa thực sự thể hiện quyền của người dân, tức QH muốn thì dân mới được trưng cầu dân ý về những vấn đề quan trọng của đất nước. Cần lập Tòa án HP mới có chức năng phán quyết, bảo vệ HP. Nếu thành lập Hội đồng HP như ghi trong dự thảo thì chỉ có quyền kiến nghị mà thôi.

Với quy định tại dự thảo thì Chủ tịch nước không rõ nằm ở đâu trong hệ thống quyền lực Nhà nước; quyền hạn của Chủ tịch nước cũng chỉ mang tính hợp thức hóa các thủ tục hành chính. Nên chăng nhất thể hóa Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước và là người đứng đầu cơ quan hành pháp.  Đại biểu QH phải chuyên nghiệp, không nên kiêm nhiệm là cán bộ, công chức của các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp. Các ý kiến đề nghị cách thể hiện trong Điều 4 giống với một tuyên ngôn chính trị hơn là một chế định HP. Vì vậy cần sửa lại: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền.

Tại Điều 9 không nên quy định Nhà nước tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên hoạt động vì dễ tạo tâm lý tạo điều kiện đến đâu thì hoạt động đến đó, hoặc tâm lý xin-cho. Nên quy định chặt chẽ là Nhà nước bảo đảm điều kiện cho MTTQ Việt Nam hoạt động. Nhiều ý kiến tán thành Dự thảo HP quy định về quyền con người, quyền công dân có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2, Điều 15 về trường hợp quyền con người, quyền công dân bị giới hạn, còn chung chung, dễ dẫn đến tùy tiện, hoặc xảy ra oan sai. Nên quy định các quyền này chỉ bị giới hạn khi phải chịu trách nhiệm pháp lý. Có ý kiến cho rằng tại Điều 39 không nên ghi rõ nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn mà chỉ nên ghi pháp luật Nhà nước thừa nhận hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ là đủ. Như thế sau này nếu Nhà nước thừa nhận hôn nhân đồng giới như một số nước trên thế giới thì không phải sửa HP chỉ vì chi tiết này. Một số ý kiến cho rằng kỹ thuật trình bày sắp xếp các chương trong dự thảo chưa hợp lý, nhiều đoạn trình bày theo tuyên ngôn chính trị hay văn bản nghị quyết của Đảng, chưa phải là ngôn ngữ diễn đạt quy phạm pháp luật.

S.T

Cần xác định rõ cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước

Ngày 28-2, tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp Trung ương, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành KSND góp ý Dự thảo sửa đổi HP năm 1992. Dự hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng có lãnh đạo, kiểm sát viên, cán bộ Viện KSND thành phố và các quận, huyện.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi HP 1992 trong ngành KSND nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết trong toàn ngành vào việc sửa đổi HP; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức và từng cấp kiểm sát đối với việc sửa đổi HP và thi hành HP; góp phần làm cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chế định Viện KSND trong HP, từ đó đóng góp tích cực vào việc sửa đổi HP nói chung và chế định Viện KSND nói riêng.

Tại hội nghị, ngoài phần góp ý về câu chữ, bố cục, lời nói đầu, nhiều ý kiến tập trung góp ý sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND quy định trong Dự thảo HP. Trong đó, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm và làm rõ chức năng, nhiệm vụ tại Điều 112 của dự thảo quy định Viện KSND thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện KSND gồm Viện KSND tối cao và các Viện KSND khác do luật định…

Có đại biểu cho rằng, Dự thảo sửa đổi HP quy định quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2, Dự thảo HP). Tuy nhiên, việc xác định cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước như thế nào thì dự thảo chưa thể hiện rõ nét. Trong lúc đó, Viện KSND là cơ quan của Quốc hội, có khả năng và điều kiện để giúp Quốc hội trong việc kiểm soát quyền lực nhưng dự thảo chưa có những quy định mới với tư cách là một thiết chế kiểm soát quyền lực Nhà nước. Nhiều đại biểu có chung ý kiến, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, việc hoàn thiện mô hình tổ chức Viện KSND, với tư cách là một thiết chế giúp Quốc hội giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước là yêu cầu bức thiết. Do vậy, cùng với việc xây dựng các thiết chế hiến định khác, việc giao cho Viện KSND thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực kinh tế-xã hội sẽ tạo thành hệ thống kiểm tra, giám sát, kiểm soát hữu hiệu quyền lực Nhà nước…

V.D

* Ngày 28-2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi HP 1992. Hơn 50 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ Công đoàn các quận, huyện, cơ quan Trung ương và các tổ chức cơ sở Công đoàn trực thuộc LĐLĐ thành phố tham luận và góp ý.

Những ý kiến góp ý đều thống nhất về Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Ngoài ra, các ý kiến tập trung đề cập, làm rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của Công đoàn trong hệ thống chính trị và xác định rõ vai trò của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Đặc biệt là vai trò của Công đoàn trong việc tham gia với các cơ quan Nhà nước, thảo luận, phản biện các vấn đề liên quan đến các quy định của pháp luật cũng như quyền và nghĩa vụ của Công đoàn trong việc xây dựng, ký kết các thỏa ước lao động, tham gia giám sát việc thi hành luật, xây dựng nội quy, quy chế lao động, xử lý lao động (kể cả quyền lợi về vật chất) của người lao động trong các doanh nghiệp.

ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.