.

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai

.

(ĐNĐT) - Ngày 8-3, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến các đại biểu HĐND thành phố góp ý sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 và Luật Đất đai năm 2003. Đến dự, có đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy. Đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì Hội nghị.

Nhiều ý kiến đồng tình Điều 4 của dự thảo HP tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm cụm từ Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất có vai trò này nhằm phản bác những luận điệu đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện trong HP. Một số ý kiến cho rằng, để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trong HP cần có một chương riêng về sự lãnh đạo của Đảng như các chương về Quốc hội, Chính phủ... Về Điều 9, cần quy định rõ Nhà nước đảm bảo cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội hoạt động. Quy định như vậy để tránh gánh nặng Nhà nước phải bao cấp cho tất cả các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Về chương chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về quyền hạn của HĐND theo hướng: Nhấn mạnh quyền quyết định các công việc địa phương của HĐND mà không trái Hiến pháp, luật của Quốc hội. Có như vậy mới thể hiện đúng tư tưởng: người dân địa phương có quyền quyết định những công việc thuộc phạm vi thẩm quyền địa phương thông qua người đại diện của mình. Tư tưởng này đã được thể hiện tại Hiến pháp năm 1946 với Điều thứ 59 quy định: HĐND quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên. Cần làm rõ quan hệ giữa cơ quan nhà nước cấp trên đối với chính quyền địa phương cấp dưới, đặc biệt là quan hệ giữa UBTVQH, Chính phủ với HĐND cấp tỉnh. Dự thảo HP đã chưa thể hiện được quan điểm của Nghị quyết Đại hội XI về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Góp ý về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong dự thảo HP có một số ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể giới tính nam, nữ. Trong thực tế, đã có nhiều quốc gia công nhận giới tính thứ ba. Khi Nhà nước ta thừa nhận giới tính thứ 3 thì không phải sửa lại HP. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định có tòa án HP để bảo vệ HP. Quy định Hội đồng HP như dự thảo chỉ có quyền kiến nghị thì chỉ giống như kiến nghị của nhiều cơ quan, tổ chức khác, không có hiệu lực. Đề nghị dự thảo HP phải được trưng cầu ý kiến nhân dân mới được Quốc hội thông qua. Quy định như dự thảo HP thì chỉ khi Quốc hội muốn thì dân mới được trưng cầu ý kiến.

Buổi chiều Hội nghị tiến hành góp ý sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, cần có cơ chế giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu đất đai. Cần phải quy định rõ ở Trung ương, Nhà nước là quyền đại diện chủ sở hữu đất đai và ở địa phương nên để là UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai tại địa phương. HĐND các cấp chỉ giám sát, phán quyết quyền này của UBND làm chủ có đúng không. Như vậy, đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương về quyền đại diện chủ sở hữu, phù hợp với chức năng của HĐND và UBND.

Việc thu hồi đất đai để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, thu hồi do vi phạm Luật Đất đai thì được. Nhưng thu hồi vì mục đích kinh tế như thu hồi giao cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần thì cần xem lại. Vì quyền sử dụng đất cũng là hàng hóa. Do đó phải thực hiện trưng mua đảm bảo ngang giá thị trường chứ không phải thu hồi. Cần quy định rõ diện tích đất trong quy hoạch đã công bố sau 3 năm không thực hiện dự án đã công bố thì dân có quyền thực hiện các quyền của mình theo luật định mà không chờ Nhà nước công bố hủy bỏ quy hoạch. Đồng thời phải bồi thường thiệt hại của người dân trong thời gian này. Nếu quy định như thế này sẽ tránh được quy hoạch treo làm hạn chế quyền của người dân.

Tin và ảnh: S.T

;
.
.
.
.
.