Đó là kêu gọi của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh tại lễ mít-tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao (24-3) do UBND thành phố tổ chức sáng 21-3 tại Nhà Văn hóa Lao động.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chương trình phòng, chống lao là thu hút được tất cả mọi người tham gia, phải xã hội hóa công tác chống lao, nhận thức được công tác phòng và chống bệnh lao không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Vì vậy, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cần quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống lao ngay tại đơn vị, địa phương mình. “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, mỗi người chúng ta sẽ là một tuyên truyền viên có trách nhiệm truyền thông để người dân và toàn xã hội nhận thức đúng về thực trạng, căn nguyên, mức độ nguy hiểm của bệnh lao, có ý thức tự phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Chúng ta hãy hành động để một Việt Nam không còn bệnh lao, vì một Đà Nẵng không còn bệnh lao”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh nói.
Theo báo cáo của ngành y tế, bệnh lao hiện không còn được xem là một trong “tứ chứng nan y”. Dù vậy, tỷ lệ người mắc bệnh ở Việt Nam vẫn ở mức cao, chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 15 - 34 tuổi. Việt Nam xếp thứ 14 trong 27 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao. Mỗi năm, nước ta có thêm 200.000 người mắc bệnh lao. Riêng tại Đà Nẵng, căn bệnh này lại có xu hướng giảm, từ 115 bệnh nhân lao phổi khạc ra vi trùng/100.000 dân (năm 2006) giảm còn 81 bệnh nhân/100.000 dân; số lao mọi thể cũng giảm từ 190 bệnh nhân còn 169 bệnh nhân/100.000 dân trong năm 2012. Hiện nay, Đà Nẵng có Bệnh viện Lao và bệnh phổi 100 giường, có phương tiện chẩn đoán bệnh hiện đại, có thể điều trị khỏi tất cả các thể lao, kể cả bệnh lao kháng thuốc.
Ngay sau lễ mít-tinh, đoàn xe cổ động diễu hành qua nhiều tuyến đường trọng điểm của thành phố nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh lao.
NGỌC ĐOAN