Chiều 21-3, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung chính thức khai mạc. Hội nghị được xem là cơ hội để các tỉnh, thành phố trong khu vực bắt tay nhau liên kết, xúc tiến đầu tư bền chặt, hiệu quả hơn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban điều phối vùng; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ; Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến; lãnh đạo 9 tỉnh, thành Vùng duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận).
Trong hơn 500 đại biểu, khách mời tham dự hội nghị, có nhiều nhà đầu tư lớn và doanh nghiệp nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM), Hiệp hội Thương mại Australia tại Việt Nam (AUSCHAM), Hiệp hội doanh nghiệp Đức (GBA), Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO), Tổ chức định cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat)... Đại diện các Đại sứ quán Hàn Quốc, Lào, Nga tại Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc cùng tham dự hội nghị quan trọng này.
Đầu tư hướng đến liên kết chặt chẽ
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh: Hội nghị góp phần khuyến khích chính quyền địa phương trong vùng, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành, nghề từng bước xây dựng không gian kinh tế thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và nhất là bước đầu tạo được sự liên kết vùng. Đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng và cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố trong khu vực đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình; trực tiếp giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước những tiềm năng, lợi thế, cũng như cơ chế chính sách ưu đãi, các dự án trọng điểm, ưu tiên; thu hút đầu tư của từng địa phương trong vùng. Qua đó, các tỉnh, thành phố trong khu vực bắt tay nhau liên kết, xúc tiến đầu tư bền chặt, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.
Trưởng ban điều phối vùng cũng tin tưởng thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ có bước phát triển nhanh, với sự quyết tâm, đồng thuận cao của các địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, sự góp sức hết mình của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư…
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên nhóm tư vấn phát triển vùng, trong phát biểu đề dẫn cũng cho rằng, mục tiêu đặt ra trước hết là vấn đề tiếp thị kêu gọi đầu tư nhìn trên quy mô vùng, chứ không riêng lẻ từng địa phương, kêu gọi đầu tư hướng đến sự liên kết chặt chẽ. Đồng thời, việc phát huy các lợi thế tự nhiên sẵn có cũng là thế mạnh của vùng duyên hải với 9 tỉnh, thành phố trải dài theo bờ biển hơn 1.400km. Theo ông, một triển vọng nữa là khi hướng đến sự liên kết, lợi thế cạnh tranh trong quan hệ quốc tế mang lại cho vùng là sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn trong cụm ngành địa phương. “Liên kết, hợp tác phát triển vùng sẽ đưa việc hoạch định chính sách vượt ra khỏi ranh giới hành chính địa phương”, TS Trần Du Lịch khẳng định.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh để thực hiện được mục tiêu tiến tới hình thành cơ chế liên kết vùng, các tỉnh, thành phố trong khu vực phải thực hiện hiệu quả cơ chế liên kết các địa phương, trở thành không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, tạo sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế sự cạnh tranh bất hợp lý, tạo ra sự phát triển hài hòa, bền vững vì lợi ích của từng địa phương, của toàn vùng và cả nước. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng cần hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt nhằm khai thác hiệu quả các trung tâm công nghiệp này hình thành những hạt nhân, trung tâm phát triển vùng, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư...
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến giới thiệu về Khu công nghệ cao với các đại biểu, các nhà đầu tư. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành trong Vùng duyên hải, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hoặc tìm hiểu thông tin các dự án cụ thể. Nhà lãnh đạo của Đà Nẵng cũng kỳ vọng sự thành công của hội nghị không chỉ dừng lại ở những dự án đầu tư cụ thể mà chính là sự kết nối có hiệu quả giữa các địa phương và các nhà đầu tư thông qua những chương trình hợp tác đầu tư có quy mô lớn, tính khả thi cao trong dài hạn, đồng thời hội nghị tiếp tục trở thành điểm mốc quan trọng trong quá trình hợp tác và phát triển của dải đất duyên hải miền Trung.
Dưới góc nhìn của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà, qua 2 năm triển khai liên kết phát triển vùng đã đạt được kết quả quan trọng đáng ghi nhận, nhưng kết quả lớn nhất và trên hết là sự đồng thuận, thống nhất giữa lãnh đạo các địa phương trong liên kết phát triển, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của vùng, đưa kinh tế miền Trung tăng trưởng và phát triển bền vững. Ông Trần Bắc Hà cũng bày tỏ tin tưởng từ kinh nghiệm hợp tác quý báu của các nước trong khu vực ASEAN, các tỉnh duyên hải miền Trung của Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, trong một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng để phát huy những thế mạnh, hướng tới lợi ích to lớn.
Từ thực tiễn cho thấy liên kết hợp tác phát triển vùng đã đưa việc hoạch định chính sách vượt ra khỏi ranh giới hành chính địa phương. Các địa phương hiện đều thể hiện rõ mục tiêu phát triển và chiến lược chọn ngành kinh tế trong quy hoạch và kế hoạch của mình.
Sau khi hình thành liên kết, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch khá nhanh, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GDP của vùng giảm từ 23,33% năm 2007 xuống còn 17,89% năm 2012, trong khi mức độ đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng, từ 36,64% lên 41,53% (theo giá thực tế).
Tổng kim ngạch xuất khẩu của vùng năm 2012 đạt 5.137,1 triệu USD, chiếm 4,48% so với kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,63% so với năm 2011. Tổng vốn đầu tư toàn vùng giai đoạn 2007-2012 là 605.032,9 tỷ đồng, tăng dần qua các năm với mức tăng bình quân giai đoạn là 10,98%.
Năm 2012, vùng đã thu hút được 709 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 25.252 triệu USD, chiếm khoảng 12,14% tổng vốn đăng ký của cả nước...
Hôm nay (22-3), Hội nghị tiếp tục làm việc
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung, sáng 21-3, tại tiền sảnh Khách sạn Crowne Plaza, Ban Điều phối tổ chức hội nghị phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng khai mạc triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế và xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung”. Phát biểu khai mạc triển lãm, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh, triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế và xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung” là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành trong Vùng trực tiếp giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước những tiềm năng, lợi thế, cũng như cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của từng địa phương trong vùng. Dựa trên chủ đề “Thành tựu phát triển kinh tế và xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung” triển lãm trưng bày, giới thiệu một cách đầy đủ những thông tin về các dự án trọng điểm trong vùng để các nhà đầu tư quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư. |
THÀNH LÂN - DUYÊN ANH