(ĐNĐT) - Trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa năm 1988, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 7 chiến sĩ quê ở Hòa Cường, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Đã 25 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của những người cha, người mẹ về những người con đã anh dũng hy sinh vẫn luôn hiện hữu với nỗi nhớ thương khắc khoải.
Ông Trần Huỷnh thắp hương cho con trai - liệt sĩ Trần Văn Tài. |
Đến thăm gia đình liệt sĩ Trần Văn Tài (phường Hòa Cường Bắc), chúng tôi gặp ông Trần Huỷnh, cha của liệt sĩ Tài. Dù năm nay đã bước sang tuổi 92, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, nhất là những lúc hồi tưởng về liệt sĩ Trần Văn Tài. Ông tâm sự, Tài là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em, hai người anh của Tài cũng đã từng tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi tốt nghiệp PTTH, theo quy định, Tài được ưu tiên không lên đường nhập ngũ, nhưng Tài đã thuyết phục gia đình cho tham gia nghĩa vụ quân sự và sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ về làm nước đá phụ giúp cha mẹ.
Trong ký ức của ông Trần Huỷnh, Tài có năng khiếu âm nhạc, đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhưng lúc đó vì nhà nghèo nên Tài không nuôi dưỡng ước mơ đi theo con đường nghệ thuật. Thuở ấy, tính tình hiền lành, lại hát hay, đàn giỏi nên trong xóm ai cũng yêu mến Tài. Ngày Tài lên đường nhập ngũ, mẹ Tài (bà Lê Thị Cả - PV) cứ động viên con phải giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Nhưng cái ngày nghe tin dữ, cả nhà như chết lặng, mẹ nó ngã bệnh, rồi bệnh mất trí nhớ của bà cũng bắt đầu từ đó. Nhưng trong tận sâu thẳm lòng mình, bà vẫn đau đáu nỗi nhớ con, bà cứ gọi tên con trong từng miếng ăn, giấc ngủ mãi cho đến lúc qua đời do bạo bệnh năm 2009”, ông Trần Huỷnh chia sẻ.
Bà Hồ Thị Lai nâng niu tấm mền con trai để lại trước lúc hy sinh. |
Còn bà Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng, năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn nhớ như in ngày con trai về nhà ăn Tết và cho biết sẽ vào Cam Ranh để ra xây dựng đảo ở vùng biển Trường Sa. Bà và gia đình không muốn con mình đi xa, nhưng vẫn luôn động viên con: đời lính phải đi đây đi đó, đến nơi Tổ quốc cần để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Khi vào tới Cam Ranh, anh Hùng đã viết thư về thông báo là sẽ chuẩn bị ra đảo và động viên gia đình đừng lo lắng, anh sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trước tin con đi xa, gia đình cứ ngỡ “biển, đảo của ta thì ta xây dựng, chứ ai ngờ…".
Bà Hồ Thị Lai nhớ lại: "Sáng 14-3-1988, lòng tôi tự dưng cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên, linh tính mách bảo như có việc chẳng lành. Trong giấc ngủ trưa, tôi lại thấy con trai mình mặc quần đùi, người ướt sủng, lòng cảm thấy bất an". Ngay ngày hôm sau, bà nghe Đài phát thanh thông báo tình hình ở đảo Gạc Ma thì mới biết giấc mơ của mình là sự thật.
Bây giờ, khi nhớ về đứa con trai hiếu thảo của mình, bà Hồ Thị Lai nghẹn ngào: Trước khi vào Cam Ranh, thấy tấm mền của tôi rách, nó để lại tấm mền mới vừa nhận ở đơn vị lại cho tôi, chỉ mang theo tấm mền cũ. Đã 25 trôi qua, nhưng với bà Hồ Thị Lai, đứa con trai hiếu thảo vẫn luôn ở bên mình, tấm mền của liệt sĩ Hùng để lại như là một báu vật, là niềm động viên, an ủi tuổi già, là hơi ấm của mẹ trong những ngày đông giá lạnh, là kỷ vật để xoa dịu nổi nhớ mong con. Với bà Hồ Thị Lai, con mình chưa bao giờ chết, mà đã hóa thân vào đất mẹ - nơi biển, đảo quê hương xa xôi.
Ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu chia sẻ: Trước những hy sinh to lớn của các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa, trong 25 năm qua, chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, chăm sóc chu đáo cho các gia đình liệt sĩ. Ngoài những chế độ chính sách chung, chính quyền địa phương đã kết nghĩa và thường xuyên phối hợp với Trung đoàn 83 (đơn vị các liệt sĩ công tác trước lúc hy sinh) quan tâm, xây dựng, sửa chữa nhà ở, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình các liệt sĩ. Tâm niệm của những người ở lại là mong sao sự hy sinh của các anh không bao giờ bị quên lãng. Ở nơi xa khơi ấy, thể xác các anh nằm lại nhưng tinh thần quyết tử, quyết hy sinh vì Tổ quốc của các anh sẽ mãi mãi sống cùng hàng triệu triệu thế hệ người con đất Việt.
Bài và ảnh: Văn Nở