.
KIỂM TRA THỰC HIỆN CHỈ THỊ 18 VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

.

Ngày 13-3, Đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố”, do Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Trần Thọ làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang.

Dự buổi làm việc có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Đình Liễn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết; lãnh đạo Vụ Địa phương, Văn phòng Trung ương Đảng và các sở, ban, ngành của thành phố.

Đồng chí Trần Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.                               Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Trần Thọ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhiều tiêu chí NTM hoàn thành

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn cho biết, ngay sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 18-CT/TU ngày 19-3-2012 về đẩy mạnh xây dựng NTM, Ban Thường vụ Huyện ủy quán triệt và lãnh đạo triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân nên khi tổ chức phát động chương trình xây dựng NTM, địa phương nhận được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động từ cấp huyện đến cơ sở. Hầu hết các xã chủ động triển khai xây dựng NTM với nhiều mô hình sáng tạo.  

Sau 1 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn của huyện Hòa Vang thay đổi đáng kể với nhiều tiêu chí NTM được hoàn thành, đạt chất lượng. Trong đó, dẫn đầu là xã Hòa Châu đạt 17/19 tiêu chí, xã Hòa Tiến đạt 16/19 tiêu chí; xã Hòa Phước đạt 14/19 tiêu chí. Huyện Hòa Vang hoàn thành quy hoạch chi tiết 11/11 xã, trong đó UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch 9/11 xã. Trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương thực hiện 68 công trình đường giao thông nông thôn, cầu, cống thoát nước với tổng kinh phí 108 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2012, huyện tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư giao thông kiệt hẻm theo chuẩn NTM với phương thức Nhà nước hỗ trợ xi-măng và từ 30 đến 50% cát, sạn để thực hiện gần 22km đường giao thông kiệt xóm. Về thủy lợi, đã đầu tư 32 công trình với tổng kinh phí 35,7 tỷ đồng. Nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như: trạm bơm, kênh mương phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất các giống lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Các công trình về điện chiếu sáng, chợ, trụ sở làm việc, nhà văn hóa thôn, hệ thống xử lý, thu gom rác được triển khai rộng khắp tại nhiều xã như Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Liên…

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, huyện Hòa Vang đầu tư gần 18 tỷ đồng nhân rộng các mô hình sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng chuyên canh, đào tạo nghề, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng hoa và nuôi tôm ở Hòa Liên; trồng nấm ở Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Khương; trồng dưa hấu ở Hòa Khương, Hòa Phong; mô hình sản xuất giống lúa ở Hòa Tiến…

Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Qua làm việc trực tiếp với các xã, các thành viên trong Đoàn kiểm tra của Thành ủy phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như hạn chế cần sớm khắc phục để hoàn thành tiêu chí NTM đúng tiến độ từ nay đến năm 2015 và 2017. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là cần tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của nông dân.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Đình Liễn, cần có sự phối hợp giữa địa phương và các đơn vị của thành phố để tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của Hòa Vang như trồng hoa, nuôi tôm, nấm, lúa giống… Có như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân mới thật sự được nâng cao nhờ tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Bàn giải pháp cho vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết, sắp đến thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa người nông dân và đại diện doanh nghiệp để có thể đưa sản phẩm nông nghiệp của Hòa Vang vào bày bán tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tạo các điều kiện để người nông dân quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường thông qua việc trưng bày sản phẩm tại các hội chợ. Đây là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trong thời gian đến.

Người dân đóng vai trò chủ đạo

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Trần Thọ ghi nhận những nỗ lực trong xây dựng NTM ở Hòa Vang. Trong đó, một số cơ quan, đơn vị đã nêu cao ý thức, chủ động trong việc hỗ trợ, giúp đỡ cho Hòa Vang. Đồng chí Trần Thọ yêu cầu bộ phận chuyên môn cần nhanh chóng tập hợp kết quả kiểm tra thực hiện Chỉ thị 18 của Thành ủy trước tháng 4-2013; đồng thời lưu ý, để xây dựng thành công NTM cần nêu cao nhận thức, tránh tư tưởng chủ quan, ỷ lại, đặc biệt khắc phục tư tưởng trông chờ cấp trên. Nhà nước đầu tư ngân sách và huy động nguồn lực xã hội vào xây dựng NTM, nhưng chính người dân phải đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng NTM vì người dân trực tiếp thụ hưởng thành quả của chương trình này. Ngược lại, cấp trên cũng không được “khoán trắng” cho cấp dưới.

Đồng chí chỉ đạo, trong thời gian đến, huyện Hòa Vang phải chủ trì trong công tác phối hợp huy động các nguồn lực cho NTM của địa phương; tích cực xây dựng các tiêu chí về môi trường; chỉ đạo nhân rộng các mô hình điểm về thi đua lao động, sản xuất kinh tế hiệu quả; các ngành phải nêu cao trách nhiệm cụ thể đối với việc xây dựng NTM ở Hòa Vang. Đồng chí Trần Thọ giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy và Huyện ủy Hòa Vang tổng hợp, báo cáo sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Thành ủy. “Công tác tổ chức thực hiện xây dựng NTM của thành phố phải thực hiện đến nơi, đến chốn. Trong đó, lấy kết quả thực hiện làm thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ”, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh.

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM cho huyện Hòa Vang năm 2011 và 2012 là hơn 370 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 đầu tư gần 174 tỷ đồng; năm 2012 đầu tư hơn 196 tỷ đồng. Riêng nhân dân đóng góp xây dựng giao thông kiệt xóm và nhà văn hóa hơn 10,2 tỷ đồng

V.D

;
.
.
.
.
.