Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Việt Nam, đồng chí Trần Thọ (ảnh), Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Đà Nẵng dành cho chuyên san Sáng tạo và Phát triển cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề thực hiện vai trò tập hợp đội ngũ trí thức, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
|
- Sáng tạo và Phát triển: Thưa đồng chí, sau bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Liên hiệp hội thành phố Đà Nẵng lần thứ IV (nhiệm kỳ 2009-2014), nhất là sau hơn hai năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị, những kết quả đạt được đã đáp ứng thế nào yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố?
+ Đồng chí Trần Thọ: Liên hiệp hội Đà Nẵng là một tổ chức chính trị - xã hội tập hợp đông đảo lực lượng trí thức trên địa bàn thành phố trong nhiều lĩnh vực nhằm phát huy tài năng, trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Liên hiệp hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, có chiều sâu và bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; thực hiện tốt chức năng là một tổ chức chính trị - xã hội có nhiệm vụ tuyên truyền, triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức khoa học-công nghệ, nghiên cứu khoa học-kỹ thuật và chuyển giao công nghệ… Có thể nói, những hoạt động của Liên hiệp hội thành phố và các hội thành viên ngày càng chứng tỏ được tiềm năng, thế mạnh và vai trò to lớn của đội ngũ trí thức thành phố; đồng thời tạo được động lực, khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”, “Thành phố đáng sống”.
Liên hiệp hội thành phố cũng đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên phát huy năng lực thông qua nhiều chương trình hoạt động của các tổ chức như Câu lạc bộ Cán bộ trẻ, Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ… và tổ chức nhiều hoạt động khuyến khích đội ngũ trí thức nghiên cứu khoa học như Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng...
- Sáng tạo và Phát triển: Vậy, theo đồng chí, đâu là thách thức lớn nhất của Liên hiệp hội thành phố hiện nay?
+ Đồng chí Trần Thọ: Trong những năm qua, đội ngũ trí thức trên lĩnh vực khoa học-kỹ thuật của thành phố ngày càng lớn mạnh, tâm huyết, gắn bó, sáng tạo và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, đại bộ phận trí thức thành phố vẫn vững vàng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và những chủ trương, quyết sách của Đảng; không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị-xã hội của thành phố, của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp hội vẫn chưa thật sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới. Công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức khoa học-kỹ thuật vẫn còn một số hạn chế. Vai trò đầu mối quan hệ giữa các hội thành viên với tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa được thường xuyên và cụ thể. Hoạt động của một số hội thành viên còn ít và chưa phát huy tốt hiệu quả. Công tác hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, đời sống kết quả chưa cao. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn mang tính nhỏ lẻ. Đội ngũ nghiên cứu, sáng tạo còn thiếu các nhà khoa học đầu đàn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trao Bằng khen cho các tác giả đoạt giải nhất, Giải thưởng năm 2011. |
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã tiếp tục khẳng định các quan điểm của Đảng ta về vị trí, vai trò của khoa học-công nghệ, của đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ. Công cuộc đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ là điều kiện thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với khoa học-công nghệ và đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ, nhất là trong điều kiện làm việc, khả năng đầu tư từ ngân sách cho khoa học và công nghệ còn hạn chế.
Hơn lúc nào hết, trước yêu cầu phát triển mới, lãnh đạo thành phố mong muốn đội ngũ trí thức phát huy cao độ trách nhiệm công dân, bằng tất cả tâm huyết, tài năng và tình cảm đối với thành phố, khắc phục khó khăn, sáng tạo nhiều công trình có giá trị ứng dụng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Lãnh đạo thành phố tin tưởng rằng, Liên hiệp hội cùng các hội thành viên và các tổ chức trực thuộc làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm công tác khoa học-kỹ thuật, để tổ chức Hội thực sự là mái ấm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đội ngũ trí thức, là cầu nối giữa đội ngũ trí thức với lãnh đạo thành phố; chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thành phố các quan điểm, cơ chế, chính sách nhằm cổ vũ, động viên, tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ.
- Sáng tạo và Phát triển: Theo đồng chí, thời gian tới, Liên hiệp hội sẽ chuyển mình như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố?
+ Đồng chí Trần Thọ: Theo tôi, yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới đặt ra cho Liên hiệp hội nhiều nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, Liên hiệp hội thành phố cần tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động; trong đó chú trọng kiện toàn và phát triển các đơn vị khoa học-công nghệ, để các đơn vị này đóng vai trò đi đầu trong việc đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật phục vụ đời sống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố và tự chủ hơn trong hoạt động của mình.
Liên hiệp hội cần chú trọng xây dựng “Chương trình phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ”; từng bước đổi mới hoạt động phổ biến kiến thức ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn; đồng thời, chú trọng tổ chức tuyên truyền các vấn đề lớn của thành phố và của cả nước đến với đội ngũ trí thức, nhân dân.
Đặc biệt, Liên hiệp hội cần chú trọng củng cố và nâng cao hiệu quả công tác phản biện và giám định xã hội. Khuyến khích các hội thành viên xây dựng kế hoạch riêng, hướng trọng tâm tới những đối tượng liên quan, tạo điều kiện để các hội thành viên đăng ký tham gia ngày càng nhiều hơn vào các chương trình nghiên cứu khoa học của thành phố.
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội cũng cần tiếp tục phát triển lực lượng sáng tạo trẻ, đề xuất các giải pháp và chính sách nhằm khuyến khích, phát huy niềm say mê sáng tạo, tạo điều kiện để lực lượng sáng tạo trẻ thực sự trở thành lực lượng xung kích trên mọi lĩnh vực, có nhiều công trình đoạt giải cao trong các cuộc thi, hội thi và giải thưởng.
Liên hiệp hội thành phố đã luôn ý thức được những lợi thế và cả những thách thức mà thực tiễn đặt ra; luôn tìm cách phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức Đà Nẵng thông qua các hoạt động kết nối và hợp tác với các đơn vị Trung ương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... Tới đây, Liên hiệp hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa những nội dung trên, thường xuyên chú trọng khuyến khích các hội thành viên hướng sự quan tâm nhiều hơn nữa vào những vấn đề lớn của thành phố, để cùng tham gia giải quyết thông qua những hoạt động cụ thể như các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học... của thành phố.
- Sáng tạo và Phát triển: Xin cảm ơn đồng chí!