.

Phát triển gần 490 tổ chức hành nghề công chứng

Tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng (LCC) và tổng kết công tác chứng thực do Bộ Tư pháp tổ chức trực tuyến ngày 12-3 tại 5 điểm cầu trên cả nước, bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) - cho biết so với thời điểm trước khi LCC có hiệu lực thi hành, cả nước phát triển thêm 484 tổ chức hành nghề công chứng với 1.505 công chứng viên (CCV).

Theo bà Yến, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 phòng công chứng, 487 văn phòng công chứng. Song, việc phát triển mạnh tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn.

Lãnh đạo Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, việc triển khai thực hiện LCC tại thành phố thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sự ra đời của các văn phòng công chứng góp phần khắc phục tình trạng quá tải ở các phòng công chứng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng. Các yêu cầu công chứng của công dân, tổ chức, cá nhân được giải quyết theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, bảo đảm yêu cầu công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố.

Qua 5 năm thi hành LCC, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng gần 7 triệu vụ việc; tổng số phí công chứng thu hơn 2.500 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu hơn 175 tỷ đồng; nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước gần 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Hoàng Yến, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nổi lên là hiện tượng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm công chứng. Một số CCV hạn chế về năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề, chưa tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Thậm chí, một số CCV có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ CCV nói riêng và nghề công chứng nói chung.

NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.