.

Phụ nữ thời kỳ đổi mới: Bản lĩnh, tự tin, đầy nhiệt huyết

.

(ĐNĐT) - Bằng sức lao động và khả năng sáng tạo, người phụ nữ Việt Nam hiện đại ngày nay không chỉ đảm đương tốt công việc gia đình mà còn tham gia tích cực mọi hoạt động xã hội. Họ ngày càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trên mọi lĩnh vực và góp phần hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

phu-nu.jpg
Khi vai trò, vị trí của phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Tự tin khẳng định mình

“Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” là những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chính những phẩm chất cao đẹp ấy đã giúp cho chị em vượt qua mọi khó khăn để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.

“Đó cũng là điều kiện mang lại giá trị đích thực, hướng phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Khi vai trò, vị trí của phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, chị Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng khẳng định.

Còn theo chị Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, đơn vị thành phố Đà Nẵng, việc tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực chính trị - vốn là thế mạnh của nam giới - đã giúp cho chị em ngày càng khẳng định được phẩm chất và năng lực của mình. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét khi trong hệ thống chính trị của Đảng, chính quyền, Mặt trận, địa phương, tỷ lệ nữ giới nắm giữ vai trò lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng và tiếng nói của họ đã góp phần quan trọng trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển của thành phố.

“Không chỉ đảm đương vai trò “đối nội” trong khuôn khổ gia đình, phụ nữ ngày nay còn tài cán hơn với các trọng trách “đối ngoại” và họ cũng đã khẳng định được giá trị và khát vọng vươn lên của bản thân”, chị  Thúy tâm sự.

Tạo hóa sinh ra nam giới và nữ giới với những đặc điểm tâm sinh lý hoàn toàn khác nhau. Chị em không có được tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của nam giới nhưng lại sở hữu sự dịu dàng, khả năng quán xuyến tốt, sự dẻo dai và linh hoạt. So với nam giới được trao quyền lực thường đại khái, ít quan tâm đến tiểu tiết, thì phụ nữ khi được trao quyền lại có phần chu đáo hơn, chi ly hơn trong quản lý, lãnh đạo, thậm chí, họ còn có ưu thế “chắc tính” hơn đàn ông.

“Tuy nhiên, chị em cần chủ động nâng cao hơn nữa nhận thức giới, có kế hoạch học tập, trau dồi kiến thức, năng lực công tác, nhạy bén tiếp thu cái mới, cái hay, trau dồi phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, tận tụy với công việc để chứng minh, khẳng định được năng lực, vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực mình công tác”, chị Thúy bày tỏ.

Mong được chia sẻ nhiều hơn

Dù ở bất cứ cương vị nào, phụ nữ  cũng phải dành thời gian và có trách nhiệm  đối với gia đình. Do bị chi phối bởi vai trò người mẹ, người vợ, chị em chịu thiệt thòi hơn nam giới trong việc học tập và nâng cao trình độ, nắm bắt thông tin và tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy, là người phụ nữ nói chung, cán bộ nữ nói riêng, ai cũng mong muốn có được sự thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn từ chính gia đình mình, nhất là người chồng.

Phụ nữ rất cần sự chia sẻ từ người thân, gia đình.
Phụ nữ rất cần sự chia sẻ từ người thân, gia đình.

“Nữ ĐBQH cũng có “thiên chức” làm mẹ, làm vợ như các phụ nữ khác nên cùng với việc chăm lo công việc xã hội, họ còn phải thu xếp khá nhiều thời gian chăm lo cho mái ấm gia đình. Như một kết quả tất yếu, họ có ít thời gian hơn nam giới để học tập, nâng cao trình độ, năng lực… nên để có trình độ ngang bằng với nam giới, nữ đại biểu phải phấn đấu vất vả hơn rất nhiều, song không phải ai cũng thấu hiểu được điều này”, nữ ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy tâm sự.

Theo chị Hoàng Giang Yên Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Phước Ninh (quận Hải Châu, Đà Nẵng), do vai trò giới truyền thống, người phụ nữ phải chịu nhiều vất vả, áp lực, bởi họ vừa phải hoàn thành công việc xã hội, nhưng đồng thời phải làm tròn “thiên chức” làm mẹ, làm vợ. Chính vì thế, bản thân mỗi chị phải rất khéo léo sắp xếp mới đảm bảo công việc hai bên. “Họ cần lắm sự chia sẻ từ nhiều phía, nhất là phía gia đình”, chị Thủy bày tỏ.

Gắn bó với công việc của Hội LHPN thành phố nhiều năm nay, chị Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng hiểu rất rõ những tâm tư, nguyện vọng của chị em. Chị chia sẻ. “Vừa phải lo cầu toàn cho công việc, lại phải chịu sức nặng không nhỏ của việc sinh con, nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình, nên không gì hạnh phúc hơn khi người phụ nữ đón nhận được những sự sẻ chia đến từ chồng, con và của mọi người trong gia đình”.

Không dễ gì để phụ nữ khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội, nhất là đối với lĩnh vực chính trị. Để có được những thành công trong sự nghiệp và cả niềm hạnh phúc bên gia đình, các chị phải chịu áp lực từ nhiều phía. Hiện tại và cả tương lai lâu dài, chị em đều mong muốn các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến cơ sở cần nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí và tài năng của phụ nữ cũng như sự đóng góp của họ để tạo điều kiện cho chị em làm việc, công hiến, từ đó, đưa vị thế xã hội của người phụ nữ Việt Nam lên một tầm cao mới.

Theo số liệu khảo sát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2011, số lượng nữ tham gia lực lượng lao động trong tổng số chiếm 47,4%; số lao động nữ đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo trong tổng số lao động chiếm 53,9%; số nữ có việc làm trong tổng số lao động có việc làm chiếm 45,7%.

Số nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2010-2015 cấp thành phố chiếm 7,3%; cấp quận, huyện chiếm 18,4% và cấp xã phường chiếm 27,2%. Số nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, cấp thành phố chiếm 28,2%. Số nữ đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức chính trị-xã hội, năm 2012 chiếm 66,7%.

Bài và  ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.