.

"Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050"

.

(ĐNĐT)- Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, ngày 5-3, cho biết, sau khi được Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng thông qua, "Đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" vừa được chính thức trình lên Chính phủ xem xét phê duyệt.

Cảng hàng không Đà Nẵng
Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh Đ.Mạnh)

Theo đó, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung và là “thành phố đáng sống, đa dạng, hấp dẫn, thân thiện và phát triển bền vững”, từ nay đến năm 2020 trên địa bàn thành phố sẽ có hàng loạt công trình lớn được quy hoạch xây dựng.

Bao gồm: Cảng Sơn Trà; khơi thông sông Cổ Cò; đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất; cảng du lịch sông Hàn; KCN Hòa Khương; mở rộng cảng Tiên Sa; cảng du lịch làng Vân; mở rộng ga hàng không Đà Nẵng; cầu đi bộ qua sông Hàn; các dự án thoát nước vệ sinh môi trường; nhà hát; thư viện, các khu du lịch Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Suối Mơ; làng đại học Hòa Quý, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Liên; Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân; công viên lấn biển tại Sơn Trà; sân golf Hòa Phong - Hòa Phú; Ga đường sắt mới....

Hiện trong số này, đã có một số công trình được triển khai hoặc khởi động, một số công trình khác đang trong trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Việc xây dựng các công trình này nằm trong định hướng phát triển thành phố về các hướng Tây Bắc, Nam và Đông Nam.

Bên cạnh việc xây dựng các khu đô thị tại các khu vực đã có dự án, thành phố Đà Nẵng sẽ còn phát triển dọc sông Cu Đê, khu vực Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Phước Tường, Hòa Châu, Hòa Tiến, dọc trục giao thông đường bộ...

Cải tạo nâng cấp các khu vực dân cư trong các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà nhằm  giãn dân, giảm mật độ xây dựng. Tại các khu dân cư, tăng cường hệ thống cây xanh, công trình phúc lợi công cộng.

Tiếp tục di chuyển các cơ sở sản xuất, kho tàng không hợp lý trong khu dân cư như: Nhà máy nhựa, Khu công nghiệp An Đồn, Ga đường sắt, các trường chuyên nghiệp… Tiếp tục giải tỏa mồ mả nằm xen kẽ  trong khu dân cư, bảo đảm môi trường và sử dụng hiệu quả đất đô thị.

Xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông theo quy hoạch ngành giáo dục trong các khu dân cư.

Hình thành các Trung tâm Thương mại Tài chính trên các tuyến: Nguyễn Văn Linh, các tuyến đường ven biển, khu vực trung tâm phố cũ (Hùng Vương, Lê Duẩn...).

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng sẽ từng bước hạn chế nhà chia lô, tăng tỷ lệ chung cư, nhà vườn, biệt thự, tạo điểm nhấn kiến trúc tại 46 điểm theo hướng phát triển chiều cao công trình.

Trên cơ sở định hướng về không gian, Đà Nẵng cũng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, cây xanh phù hợp. Cụ thể, như: nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ (công suất 205.000m3/ngày đêm); Xây dựng nhà máy nước Hòa Liên (công suất 120.000m3/ngày đêm).

Đầu tư mở rộng phạm vi thu gom nước thải, phát triển mạng lưới đường ống, giếng tách dòng, các tuyến cống bao quanh kênh, hồ, đấu nối hộ gia đình và cải tạo hệ thống thu gôm nước thải hiện có. Xây dựng mới trạm XLNT Liên Chiểu, Hòa Xuân; Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ hiện đại, quy mô 2000 tấn/ngày đêm tại bãi rác Khánh Sơn.

Ngầm hóa lưới điện trung, cao thế trong một số  khu vực nội thị nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị và tiết kiệm đất xây dựng...

Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.