.

Quyền lực Nhà nước là thống nhất và tập trung

1- Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung thì tại Điều 2 có đoạn: “… Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Theo tôi nên bổ sung thêm cụm từ “và tập trung” vào sau từ “thống nhất”, để thành “… Quyền lực Nhà nước là thống nhất và tập trung…”. Bởi lẽ: Quyền lực Nhà nước muốn phát huy tốt và thực hiện đầy đủ để đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (như quan điểm thể hiện ở Điều 3 của Dự thảo), thì quyền lực ấy phải hội tụ đủ 2 thành tố “thống nhất và tập trung”, nếu thiếu hoặc xem nhẹ 1 trong 2 thành tố ấy thì quyền lực Nhà nước sẽ không đủ mạnh để điều hành đất nước.

2- Tại Điều 5 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung nên thêm 1 điểm, gọi là điểm 5 với nội dung như sau: “Người nước ngoài đã được nhập quốc tịch Việt Nam và đang sinh sống trên đất nước Việt Nam thì cũng được áp dụng theo điểm 1, 2, 3 và 4 của Điều này”. Bởi lẽ: Viết như vậy là để thể hiện quan điểm nhân quyền đúng đắn của Nhà nước ta khi đối xử bình đẳng với những người cùng có quốc tịch Việt Nam.

3- Tại Điều 31, đề nghị bổ sung thêm 1 điểm, gọi là điểm 4 với nội dung như sau: “Nhà nước bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của cá nhân và gia đình người thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo”. Bởi lẽ: Viết như vậy sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, tạo thêm sự tin tưởng, an tâm hơn cho những người thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo. Thực tế vừa qua cho thấy có khá nhiều trường hợp người khiếu nại, tố cáo bị trù dập, hăm dọa, trả thù, tình hình trên đã thực sự gây hoang mang, lo sợ cho những ai có ý định khiếu nại, tố cáo.

4- Tại Điều 56 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung, đề nghị sắp xếp lại các thành ngữ trong điểm 1, để thành: “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước”. Sắp xếp lại như vậy bởi lẽ: Ý nghĩa của điểm này rõ hơn, bởi không thể tự do kinh doanh một cách chung chung (hoặc là tùy tiện), không gắn với việc thực hiện pháp luật, sắp xếp lại như vậy cũng cho thấy sự nhấn mạnh về vai trò, vị trí của pháp luật trong hoạt động kinh doanh.

MAI MỘNG TƯỞNG

;
.
.
.
.
.