(ĐNĐT) - Người dân rất bất ngờ trước việc liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định tăng giá xăng dầu từ 20 giờ ngày 28-3. Dù chuyện giá xăng dầu tăng, giảm không còn lạ lẫm với người tiêu dùng nhưng có lẽ, cách công bố việc tăng giá cùng với thời gian bắt đầu tính mức tăng khiến cho người dân thực sự cảm thấy như thể đang bị “chơi xỏ”.
Nhiều người tiêu dùng sẽ bất ngờ khi sáng ra, xăng dầu lại tăng giá (Ảnh minh họa) |
Thông thường, việc xăng dầu tăng giá thường áp dụng trong thời gian làm việc, vào buổi chiều hoặc sáng, thế nhưng lần này, khi những chiếc xe của người tiêu dùng đã “yên vị” trong “ga ra” mỗi nhà thì bất ngờ hay tin giá xăng tăng với mức khá cao là 1.430 đồng/lít (tương ứng với giá bán hiện tại từ 20 giờ ngày 28-3 là 24.580 đồng/lít). Hàng triệu người tiêu dùng “trở tay không kịp” trước quyết định của liên bộ nói trên.
Điều đáng nói hơn nữa, chỉ cách đây ít lâu, trong tháng 2, khi Thủ tướng quyết định không tăng giá bán lẻ xăng, dầu thì Bộ Tài chính ngay lập tức quyết định tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo đó, mức sử dụng quỹ bình ổn cao nhất đối với xăng được tăng thêm 1.000 đồng/lít (từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít); dầu diezel tăng thêm 400 đồng/lít (từ 400 đồng/lít lên 800 đồng/lít); dầu hỏa tăng thêm 450 đồng/lít (từ 700 đồng/lít lên 1.150 đồng/lít); dầu madut tăng thêm 50 đồng/kg (từ 600 đồng/kg lên 650 đồng/kg).
Như vậy, vào thời điểm giá thị trường thế giới biến động, ngay lập tức, các doanh nghiệp được “cứu nguy” trên cơ sở móc thêm túi tiền của người tiêu dùng ít nhất là 300 đồng/lít xăng để tạo một nguồn quỹ, sử dụng bù lại, trong khi đáng ra, với mức trích bình ổn đó, giá xăng bán lẻ phải rẻ hơn 300 đồng/lít. Vậy là cho dù các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang được duy trì mức xả quỹ cực lớn, kéo dài từ tháng 2-2012 đến nay và thậm chí là thu lời từ số tiền quỹ mà người tiêu dùng vẫn chi trả cho mỗi lít xăng thì liên bộ vẫn quyết định tiếp tục “bảo vệ” doanh nghiệp. Theo tính toán, mức lỗ của DN đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2.000 đồng/lít (thời điểm cuối tháng 2-2012) đến nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/lít. Và nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Tài chính không có động thái giảm mức sử dụng quỹ bình ổn giá so với mức trích hiện nay, hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu đã giúp doanh nghiệp lấy được từ quỹ của dân 1.000 đồng/lít xăng bỏ vào “túi” mình.
Ngược lại, liên Bộ Tài chính - Công thương lại quyết định tăng giá với lý do là để thích ứng với “biến động” của thị trường thế giới và để giúp doanh nghiệp vì theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú “Quỹ bình ổn giá đã hết. Nhiều doanh nghiệp thậm chí Quỹ bình ổn giá đã âm, không còn khả năng dùng để bình ổn”, và “Hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Bởi vậy cùng với việc rút bỏ sử dụng Quỹ bình ổn giá, chúng ta phải tăng giá để bù đắp lại”.
Rõ ràng, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu khó thì ngay lập tức liên bộ lại quay sang “móc túi” người tiêu dùng để “giải nguy” cho doanh nghiệp. Trong khi đó, trước khi xăng dầu tăng giá, người dân vẫn gánh thêm 300 đồng/lít xăng để tạo nguồn quỹ bình ổn cho doanh nghiệp. Như thế, “cả Nhà nước và nhân dân cùng… giúp” doanh nghiệp làm ăn, kiếm lời!
Đến giờ, chưa thấy có doanh nghiệp xăng dầu nào tuyên bố phá sản nhưng túi tiền người dân thì cứ vơi dần. Bởi, đồng hành với việc xăng dầu tăng giá là muôn kiểu tăng giá “ăn theo” từ điện, vận tải đến hàng hóa tiêu dùng…
Chưa kể chuyện tăng giá theo kiểu “đột kích” như cách làm của liên bộ thực sự khiến cho người tiêu dùng bức xúc, chấp nhận thực tế trong một tâm lý hoàn toàn bị động. Từ nay, người tiêu dùng có lẽ sẽ còn đối diện với nhiều thông tin “tăng giá” nữa, bởi thể nào, các mặt hàng khác cũng “ăn theo” giá xăng, dầu.
Như vậy, sau 20 giờ ngày 28-3, doanh nghiệp “ấm bụng” vì không lo “bù lỗ” trong khi người dân lại tiếp tục thấp thỏm “chờ tăng giá”.
Hà An