.

Vất vả nghề nuôi người bệnh

.

(ĐNĐT) - Ở đời, ai cũng muốn có một nghề kiếm sống vừa nhàn hạ, lại có thu nhập cao. Tất nhiên, để có một nghề như vậy, người ta cũng phải trả giá cho những năm tháng miệt mài đèn sách, “tầm sư, học đạo”. Tuy nhiên, trong xã hội, do những hoàn cảnh khác nhau, nhiều người không được may mắn như vậy và phải làm những nghề “bất đắc dĩ” để kiếm sống. Nuôi người bệnh là một nghề như thế.

Người nuôi bệnh chăm sóc cho bệnh nhân cao tuổi.
Người nuôi bệnh chăm sóc cho bệnh nhân cao tuổi.

Nhọc nhằn chăm bệnh

Bà Sáu (63 tuổi) ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng nam đang nuôi người bệnh tại một bệnh viện ở Đà Nẵng nói: Bà đến với nghề từ một sự tình cờ. Năm 2009, bà phải chăm sóc người chị ruột nằm viện, do có nhiều người bệnh mà người nhà không ở lại bệnh viên 24/24h được, nên người nhà bệnh nhân đã nhờ bà trông giúp khi vắng mặt. Với tấm lòng nhân hậu, bà nhận lời. Rồi thấy bà làm tốt, họ đã trả công và nhờ bà trông nom người bệnh suốt thời gian nằm viện. Nhờ vậy, bà cũng có thêm tiền để tự trang trải và chăm sóc người chị trong thời gian ở bệnh viện, và quyết định gắn bó với nghề “nuôi người bệnh” luôn cho đến nay. Hiện tại, mỗi ngày làm việc bà Sáu được trả từ 150.000 - 200.000 đồng tùy mức độ nặng nhẹ của người bệnh.

Sau 3 năm hành nghề, bà Sáu rút ra kinh nghiệm: “Sướng” nhất là chăm sóc người bị tai biến, không đi lại được, phải nằm tại giường. Những người này chỉ cần cho ăn, uống thuốc đúng giờ và mỗi ngày một lần lau rửa và thay quần áo. Tối ngủ thỉnh thoảng để mắt xem người bệnh có ngủ không, nếu thấy ngáy là yên tâm. Tuy nhiên, khó nhất là chăm sóc những người già tuổi cao, bệnh nặng và khó tính. Đối với những người này phải luôn nhẹ nhàng, kể cả lời nói. Đời người có 2 lần là trẻ con, lần đầu lúc mới sinh, lần thứ 2 là lúc về già. Có bữa, để cụ già ăn hết cơm, người nuôi bệnh phải dỗ như dỗ con nít, nếu không cụ sẽ dỗi, không ăn.

Chứng kiến cảnh chị Thư (39 tuổi) chăm sóc người bệnh tại khoa Tim mạch ở một bệnh viện mới thấy hết nỗi khổ của người làm nghề này. Chị nuôi một cụ ông trên 90 tuổi, lại bị ngắn lưỡi (do già, luỡi tụt vào trong) nên không nói được. Vì không nói được nên chị không hiểu cụ ông yêu cầu gì, khi chị vừa đút cho ông một thìa cơm xong thì bất ngờ, ông nhổ luôn cả thìa cơm trong miệng vào mặt chị ta. Mãi về sau chị mới biết là ông không muốn ăn món canh mà con ông ta vừa mang vào. Thật xót lòng khi nhìn cảnh chị Thư vừa lau những hạt cơm trên mặt và lau luôn những giọt nước mắt hòa lẫn vào nước canh mà người bệnh nhổ vào mặt.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh tật

Nỗi khổ của chị Thư chưa thấm vào đâu so với những nguy hiểm bị nhiễm bệnh khi chăm sóc những người bệnh ở khoa hô hấp. Ở khoa này, có nhiều loại bệnh truyền nhiễm bị lây qua đường giao tiếp, tiếp xúc với người bệnh như lao, các bệnh về phổi… Tại các phòng bệnh của khoa này, suốt 24/24h người ta luôn nghe được nhưng âm thành phát ra từ miệng những người bệnh như ho, khạc nhổ và những tiếng rên của người bệnh bị cơn đau hành hạ. Người nuôi những bệnh nhân này phải đưa ống nhổ cho người bệnh khi nhổ, nhiều khi vương vãi ra cả giường, quần áo, có bệnh nhân vừa ăn vừa ho… phải lau chùi rất vất vả và nguy hiểm. Ngay cả trong đêm tối, khi người bệnh ho, hay khạc nhổ là phải thức giấc, mà các bệnh nhân bị các căn bệnh hô hấp thường ho cả ngày lẫn đêm. Bà Sáu tâm sự: “Biết là nguy hiểm như vậy nhưng nhiều khi không có việc, người nhà bệnh nhân bị hô hấp kêu cũng phải làm”.

Trong các trường đào tạo thuộc ngành Y có một chuyên ngành là “Điều dưỡng”. Những người học nghề này có nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân sau mổ, đẻ… như tiêm thuốc, cho uống thuốc… theo các phác đồ điều trị đã được chỉ định, với một quy trình khoa học nhằm đảm bảo cho người bệnh mau bình phục. Còn các nhu cầu khác của người bệnh như: ăn uống, đi vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo… là những công việc nặng nhọc, mất vệ sinh, thậm chí nguy hiểm thì thường “nhường” cho những người nuôi bệnh đảm nhận. Điểm chung nhất của người nuôi bệnh là hoàn cảnh gia đình khó khăn, ít học, hành trang và cũng là tài sản lớn nhất của họ khi đến với nghề này là kinh nghiệm, tự học hỏi lẫn nhau. Và trong quá trình làm việc, họ phải tự tìm cách bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm từ những người bệnh do mình chăm sóc.

Trong xã hội, nghề nào cũng đáng được trân trọng, miễn đó là một nghề lương thiện, kiếm tiền bằng chính lao động và trí tuệ của mình. Nghề nuôi người bệnh, mặc dù không có trong danh mục các nghề lao động được bảo hộ, được tổ chức đào tạo, nhưng do nhu cầu của xã hội, nghề này đang tồn tại một cách khách quan. Vì vậy, những người làm nghề này cũng phải được đối xử công bằng như mọi nghề khác trong xã hội.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.