.

Độc đáo lễ rước kiệu vua tại Lễ hội đền Hùng

.

Vào dịp Giỗ tổ hàng năm, các làng thờ vua Hùng ở vùng ven khu di tích đều rước kiệu về đền Hùng, tạo nên sự tôn kính, linh thiêng của lễ hội. Đây là một trong những nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng; được nhân dân các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, truyền đời gìn giữ. Lễ rước kiệu và dâng lễ vật năm nay được tổ chức vào ngày mồng 8 âm lịch, trước ngày chính lễ mồng 10 tháng 3 hai ngày nhưng lượng người tập trung về đền Hùng giỗ tổ và tham gia lễ rước kiệu rất đông, làm tăng thêm sự linh thiêng và linh đình, rộn ràng của ngày Giỗ tổ...

Lễ rước kiệu diễn ra vào 9h sáng, nhưng ngay từ sáng sớm, bảy đoàn rước kiệu của các xã Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP Việt Trì), xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, phường về hội tụ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Thành phần đoàn rước, ngoài các vị cao niên "đức cao vọng trọng", tham gia đội tế lễ còn có các "quan viên" và nhân dân trong làng. Kiệu vua do những chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, là người dân gốc của làng đảm trách. Đội nghi trượng ngoài phường bát âm, cờ phướn, biển dấu, bát bửu…, còn có đội múa sư tử đi trước dẫn đường. Tiếp đó là đội diễn trò với những màn diễn hài hước, hóm hỉnh thể hiện cuộc sống bình dị, vui tưoi của người nông dân diễn ra trên suốt hành trình rước kiệu. Tham gia đoàn rước còn có các thiếu nữ đội hương hoa, lễ vật, gồm bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương do công sức người dân lao động và cả cộng đồng một nắng hai sương làm nên.

Đúng 9 giờ, đám rước với mầu sắc sặc sỡ, lộng lẫy bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu… và trang phục truyền thống được xếp thành hàng dài, xuất phát từ dưới chân núi về sân Trung tâm lễ hội, lên cổng đền Hùng.

Tham dự lễ rước độc đáo này, ông Nguyễn Đăng Tụy - Hội Người cao tuổi xã Hùng Lô tự hào: Vào mỗi dịp Giỗ tổ Hùng Vương, tôi lại cùng con cháu trong xã tham gia rước kiệu lên núi Nghĩa Lĩnh. Đoàn kiệu của xã Hùng Lô luôn thu hút được sự chú ý của mọi người, vì xã chúng tôi còn lưu giữ được những chiếc kiệu bát cống, kiệu văn có tuổi đời gần 400 năm. Từ xa xưa, dân làng Hùng Lô đã có truyền thống rước kiệu về đền Hùng trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Nghi lễ rước kiệu của Hùng Lô rất công phu, từ việc sắp lễ đến việc chọn người khiêng kiệu. Từ 15 tháng 2 âm lịch, dân làng họp để chọn cử ông Chủ tế. Chủ tế là người có chức sắc trong làng, tưổi từ 55 trở lên, gia đình song toàn. Tham gia đoàn rước còn có các chức sắc, bô lão trong làng, các trung nam, trai đinh, đội tuần tráng, phường múa sư tử… khoảng hơn 100 người. Xưa kia, lễ rước kiệu của Hùng Lô dự Giỗ tổ có 4 cỗ kiệu. Khi đoàn rước kiệu từ đền Hùng về đến đầu làng, dân làng rước kiệu bát cống ra để đón Thánh tổ (Hùng Vương), rồi cả 5 kiệu tiếp tục được rước về đình làm lễ tạ, lễ dâng hương. Cách đây hơn 90 năm, kiệu của xã Hùng Lô rước về đền Hùng được chấm giải nhất với tên “Hùng Vương đệ nhất hội”. “Với người dân Hùng Lô chúng tôi, ngày rước kiệu lên đền Hùng dịp Giỗ tổ có ý nghĩa chẳng kém gì ngày Tết nên những người con của làng, dù đi đâu, ở đâu, những ngày này đều có gắng tề tựu đông đủ” - ông Tụy cho biết.

Đi sau đoàn rước kiệu của xã Hùng Lô là đội kiệu làng Hy Sơn, thị trấn Hùng Sơn. Đây là cỗ kiệu bát cống nên số người khiêng lên tới 24 người, chia làm 3 cặp, đều là các trai đinh khoẻ mạnh thay phiên nhau. Ông Ngô Văn Cải - thành viên đoàn rước thị trấn Hùng Sơn phấn khởi: Cũng như tất cả những người dân ở các xã vùng ven đền Hùng, năm nào dân làng Hy Sơn chúng tôi cũng háo hức chuẩn bị lễ vật, trang phục, tập thật chu đáo, thuần thục các nghi thức trong lễ rước kiệu lên Đền Thượng. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nhất thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn dân tộc, biết ơn tổ tiên và phát huy tinh thần đoàn kết. Chúng tôi sẽ mãi gìn giữ và tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau nét đặc sắc của di sản văn hoá này. Ông Cải cũng cho biết: Thị trấn Hùng Sơn còn có lễ hội Rước Vua Hùng về ăn Tết vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm và hội Rước Chúa Gái, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh đón công chúa Ngọc Hoa - con gái Vua Hùng thứ 18 về vùng núi Tản Ba Vì. Hai lễ hội này đều có rước kiệu với sự tham gia của đông đảo dân làng.

Cũng trống - chiêng - cờ - lọng lộng lẫy, biển dấu - bát bửu uy nghi…, đoàn rước kiệu của xã Kim Đức cuốn hút người xem còn ở xe đẩy người đóng vai Mạnh Bái (là con trưởng của Vua Hùng được rước về trình Vua Cha - Theo lệ làng, tiêu chí để sắm vai này phải là người có gia đình song toàn, con cháu đàng hoàng và được dân làng bình chọn) đi ngay sau kiệu và phường Xoan hát thờ Vua đi ngay bên cỗ kiệu. Chị Bùi Thị Kiều Nga - thành viên phường Xoan Kim Đức - một trong những đào Xoan được chọn tham gia đội hát hộ giá kiệu Vua cho biết: Kim Đức là một làng cổ nằm cách đền Hùng khoảng 2km về phía Đông Nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể về thời đại Hùng Vương dựng nước như đình Kim Đái, đình Thét, đình Trung, miếu lãi Lèn… Đây cũng là cái  nôi hát Xoan với 3/4 làng Xoan cổ của tỉnh Phú Thọ với lối hát thờ thần, phản ánh mối quan hệ giữ thánh thần (Hùng Vương) với người dân. Chính vì thế, từ hàng ngàn năm nay, ở Kim Đức, trong các nghi lễ thờ Vua bao giờ cũng có phường Xoan thực hiện nghi lễ hát thờ. Trong lễ rước kiệu, cũng phải có hát mời Vua và hát hộ giá trong suốt hành trình rước kiệu… Đôi bàn tay cuộn lại, rồi nở ra như những búp sen, chị Nga lại hoà vào nhịp hát cùng các đào, các kép:

“Tám người chân kiệu bước ơ bước vào
Tay lót khăn đào í ơ, rước lấy cơ hồ mà vua lên…”.

Tham gia lễ rước, những chàng trai, cô gái khệ nệ trên vai những chiếc kiệu nặng và nhiều mâm ngũ quả đầy, mồ hôi nhễ nhại mà nét mặt vẫn tươi vui. Các bô lão và dân làng thì xúng xính trong những bộ áo dài, quần the, khăn xếp, rất nghiêm trang. Niềm vui cộng cảm vốn là đặc trưng của các lễ hội nhưng với người dân vùng ven đền Hùng, được tham gia rước kiệu thờ Vua trong ngày giỗ Tổ niềm vui dường như được nhân lên rất nhiều lần… Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Việc tổ chức Lễ rước kiệu có sự tham gia của các bậc cao niên, cũng như các tầng lớp nhân dân thể hiện sự thành kính của người dân Đền Hùng và chính họ là những người lưu trữ truyền thống văn hóa dân gian đối với Lễ Giỗ tổ. Đây là nghi lễ truyền thống, được cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn từ hàng ngàn năm nay, trở thành một định lệ, là bản sắc văn hoá dân gian tiêu biểu, không thể thiếu trong Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng hàng năm. Xa xưa, 41 làng xã ven di tích thờ vợ con, tướng lĩnh Hùng Vương đến ngày Giỗ tổ cùng tổ chức rước kiệu về đền Hùng để dâng lễ vật lên tổ tiên. Đây là năm thứ hai tỉnh Phú Thọ mở rộng quy mô rước kiệu ở các xã vùng ven. Hoạt động này không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống trên quê hương đất Tổ mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” góp phần nâng cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Trước sự độc đáo của đội rước kiệu, hàng trăm du khách dự hội cũng cùng hòa đồng tham gia cùng đoàn rước. Điều này cho thấy, mỗi một hoạt động trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều là sự chung tay của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng và luôn được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trở thành bản sắc văn hoá - tín ngưỡng đặc sắc kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có ý nghĩa vun đắp tình cảm gia đình, làng xã, cộng đồng và đất nước.

Đinh Vũ/Phú Thọ online

;
.
.
.
.
.