.

Hào khí của một thời đi B

.

Vào Nam chiến đấu (đi B) là niềm vinh dự rất đỗi tự hào của những người được tổ chức cử đi. Hào khí của một thời cả nước lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ùa về trong ký ức của 100 cán bộ, thân nhân những người đi B tại buổi gặp mặt và trao trả hồ sơ, kỷ vật đi B do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 25-4.

Đây là đợt trao trả hồ sơ, kỷ vật đi B đầu tiên cho những cán bộ đi B có quê hoặc đang định cư tại Đà Nẵng. Dự buổi gặp mặt có Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Đình Liễn.

Cán bộ đi B xem lại hồ sơ của mình.   Ảnh: SƠN TRUNG
Cán bộ đi B xem lại hồ sơ của mình. Ảnh: SƠN TRUNG

Gửi con cho cơ quan để đi B

Đi B là những ngày tháng hừng hực khí thế của những dòng người ở miền Bắc dù quê hương ở miền Bắc hay cán bộ miền Nam tập kết lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Có rất nhiều người đã viết tâm thư xung phong lên đường vào Nam chiến đấu dù biết là hy sinh, gian khổ nhưng vẫn quyết tâm đi. Hồ sơ đi B của ông Trần Văn Anh (quê xã Hòa Khương, Hòa Vang) có bức tâm thư gửi Ban Tổ chức Trung ương có đoạn: “Vợ chồng tôi đã bàn bạc và nhất trí với nhau hoàn toàn là tôi phải trở về Nam chiến đấu. Các con tôi, nhất là cháu gái lớn 8 tuổi cũng biết ba cần phải về miền Nam đánh Mỹ. Tôi chuẩn bị kỹ đến mức nếu Đảng gọi gấp tôi có thể đi ngay”. Tâm thư xin vào Nam đánh Mỹ của ông Anh viết đúng vào thời điểm Mỹ bắt đầu đổ quân trực tiếp can thiệp vào miền Nam tháng 3-1965, mức độ ác liệt của cuộc chiến tăng cao từ đây.

Không chịu phận “nữ nhi thường tình”, bà Nguyễn Thị Lãnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng gửi lại 3 người con (con lớn 13 tuổi, con út 8 tuổi) ở miền Bắc cho đồng nghiệp ở cơ quan Bộ Nội vụ nuôi giúp để vào chiến trường Khu 5 năm 1967. Trước đó 7 năm, chồng bà đã vào chiến đấu tại chiến trường này. Bà tâm sự: “Khi đi cũng nhớ các con lắm, nhưng cơ quan đã chọn, bản thân tôi cũng rất quyết tâm lên đường”. Là học sinh miền Nam  được tập kết ra Bắc học tập, khi trưởng thành, cả 4 chị em bà Nguyễn Đăng Hảo đều lên đường vào miền Nam chiến đấu. Bà nói: “Tất cả học sinh miền Nam lúc đó ai cũng muốn trở về miền Nam chiến đấu dù biết đường đi lắm gian nan, chịu mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Vào được đến nơi chiến trường còn ác liệt hơn, rất có thể sẽ hy sinh, bị địch bắt tra tấn, tù đày nhưng không ai e ngại cả”.

Ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, là một trong rất nhiều người như thế. Sau khi tập kết ra Bắc, ông đã học và tốt nghiệp đại học loại ưu, được cử đi học tiếp ở Tiệp Khắc nhưng ông từ chối và viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Ông kể: Trước khi lên đường, những người có quyết định đi B đều phải về đơn vị 105 ở tỉnh Hòa Bình để huấn luyện hành quân mang vác nặng 40kg/người và trèo đèo lội suối, thực hành ứng phó những tình huống trên đường hành quân. Ngày đi không được thông báo trước.

Tại cuộc gặp mặt, nhiều cán bộ đi B lần giở niêm phong hồ sơ bồi hồi nhớ lại cảm xúc tuổi trẻ của một thời cả nước đầy hào khí “miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”. Bỗng rưng rưng thấy mình còn hạnh phúc vì còn sống được đến hôm nay. Nhiều đồng đội, đồng chí đã nằm lại chiến trường, nhiều người sau khi thống nhất đất nước tuổi cao, sức yếu đã ra đi mãi mãi.

Mỗi hồ sơ là một câu chuyện đi B

Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định: Việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ, thân nhân người đi B là một nghĩa cử tri ân đối với những người đã cống hiến xương máu. Quá trình thực hiện chủ trương này, ông chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Có gia đình thấy tên người thân trong danh sách cán bộ đi B đăng trên Báo Đà Nẵng đã mang cả gia phả đến Sở Nội vụ cảm ơn vì lâu nay không biết thông tin gì về người anh của mình nên ghi vào gia phả là mất tích. Có thân nhân người đi B mong mỏi từng ngày được trao trả hồ sơ, kỷ vật để có được tấm ảnh thờ cho liệt sĩ. Ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng, rất xúc động khi nhận lại hồ sơ đi B của cha mình, liệt sĩ Nguyễn Bá Tùng (quê xã Hòa Tiến, Hòa Vang). Ông nói: “Tôi chỉ biết ba qua lời kể của anh Hai. Nay nhận được hồ sơ của ba, tôi thấy tự hào hơn về những cống hiến, hy sinh của ba tôi cho Tổ quốc”.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Tý - vợ liệt sĩ Hoàng Ngọc Bôi (quê xã Hòa Khương) thật cảm động. Chồng đi B từ năm 1970 để lại cho bà nuôi 2 con riêng và chồng bà hy sinh khi chỉ còn 13 ngày nữa là đất nước hoàn toàn thống nhất. Mãi đến năm 1976 bà mới hay tin dữ khi nhận được chiếc balô của chồng do đồng đội đem về. Ôm tập  hồ sơ của chồng vào ngực bà khóc: “Hôm nay, nhận được hồ sơ của chồng, tôi lại nhớ anh ấy nhiều lắm...”. Từ khi chồng hy sinh bà ở vậy thờ chồng,  nuôi 2 con riêng của chồng trưởng thành.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cảm động: “Tôi cũng là con của cán bộ đi B, cũng ở trong tâm trạng không có thông tin về người thân trong quá trình công tác ở miền Bắc, quá trình đi B, không biết rõ quá trình phấn đấu cống hiến và hy sinh của cha ông mình và không ngờ rằng hồ sơ, kỷ vật của cha ông mình còn được lưu giữ đến hôm nay. Đây là những hồ sơ, kỷ vật có ý nghĩa rất sâu sắc. Đối với người còn sống thì đây là kỷ vật gợi nhớ tuổi trẻ tràn đầy lý tưởng, nhiệt huyết cách mạng. Đối với cán bộ đi B đã khuất thì hồ sơ giúp cho thân nhân biết được quá trình, thành tích cống hiến của ông bà, cha mẹ, anh chị em mình“.

Nhà nước đã thực hiện chủ trương trao trả gần 56.000 hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B (hiện đang được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 quản lý) của 2 nhóm đối tượng: 1) Đó là cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, sau đó họ tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và được bí mật trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của cách mạng (từ năm 1959-1975). 2) Một số cán bộ dân sự người miền Bắc đi B (từ năm 1959-1975). Cả hai nhóm đối tượng này chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo,... vào Nam công tác (không bao gồm hồ sơ cán bộ quân đội và bộ đội đi B vào Nam chiến đấu theo sự quản lý của Bộ Quốc phòng).

SƠN TRUNG - TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.