.
Hội thảo khoa học “Hồ Nghinh - Nhà trí thức cách mạng giàu thực tiễn”:

Sáng tỏ một nhân cách lớn

.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913-2013) nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Phó ban Kinh tế Trung ương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 20-4, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: Hồ Nghinh - Nhà trí thức cách mạng giàu thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu (ảnh trái) và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu (ảnh trái) và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Các đồng chí: Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa; cộng sự của đồng chí Hồ Nghinh qua các thời kỳ… có những đánh giá, nhìn nhận chân thực, xúc động về con người và nhân cách Hồ Nghinh…

Với hơn 10 tham luận, ý kiến được trình bày, hội thảo tập trung trao đổi về ba nội dung chính nổi bật của cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hồ Nghinh gồm: Hồ Nghinh nhà trí thức luôn đồng hành cùng cách mạng và dân tộc; Hồ Nghinh - Con người giàu tình nghĩa; Vai trò của đồng chí Hồ Nghinh trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo… đã làm sáng tỏ và khẳng định vai trò rất to lớn của đồng chí Hồ Nghinh trong kháng chiến, cũng như thời kỳ đổi mới đất nước.

Trọng dân, chăm lo cán bộ

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Hồ Nghinh luôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, luôn sống trong sáng giản dị, gần gũi, rất mực thương yêu đồng chí, đồng đội, thương yêu người dân nên luôn được mọi người tin yêu và kính trọng. Trên cương vị Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, đồng chí luôn bám sát dân, sát trận địa để làm gương, để sâu sát thực tế mà chỉ huy, chỉ đạo đúng đắn, tài tình và sáng suốt trong mọi tình huống ác liệt, cam go với kẻ thù. “Chính sự có mặt của đồng chí Hồ Nghinh nơi “đầu sóng, ngọn gió” là minh chứng cụ thể của phương châm Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới. Nhờ “bốn bám” này, đặc biệt nhờ đảng viên trụ lại, dân trụ lại mà Quảng Đà đã vượt qua tất cả các cơn lũ đánh phá tàn bạo, toàn lực của quân thù”, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh khẳng định.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bồi hồi nhớ lại từng chi tiết: Hồi tôi vinh dự được bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội, theo yêu cầu, tôi ở chung phòng với chú Hồ Nghinh. Trong hơn 20 ngày tham dự đại hội, thức khuya, dậy sớm và phải suy nghĩ để trả lời rất nhiều câu hỏi của chú, tôi như trải qua một khóa huấn luyện rất ý nghĩa. Khi chú Hồ Nghinh về lại quê hương, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm, hỏi ý kiến chú về phương hướng lãnh đạo xây dựng và phát triển thành phố. Chú nhắc tôi: “Nói gì thì nói, làm cách mạng phải được nhân dân hết lòng ủng hộ. Có được lòng dân là có được tất cả. Cháu cứ bám lấy nguyện vọng của dân”.

Nhấn mạnh quan điểm “Chữ “dân” trong tư tưởng chỉ đạo chiến tranh của đồng chí Hồ Nghinh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, kể câu chuyện “đừng để mồ côi dân”. Câu chuyện có đoạn: “Trước và sau Xuân Mậu Thân, ở Quảng Đà, xuất hiện hiện tượng “bom trộm”. Máy bay bay tít trên cao không nghe thấy tiếng động cơ, không quần đảo, không nhào lượn. Đột nhiên, một tiếng rít đanh gọn, những quả bom xé không khí, rồi những tiếng nổ lớn. Dân không biết đường nào mà trú hầm. Nhiều người hỏi chúng tôi: “Răng chừ mấy chú?”. Câu hỏi đó có nghĩa là: Chúng tôi còn có thể trụ bám ở đây với mấy chú được không? Chúng tôi trao đổi với nhau rồi báo cáo anh Nghinh. Anh biết hơn những gì chúng tôi biết, mất dân là mất lớn lắm, nhưng không thể nói họ bám trụ theo kiểu thí mạng với bom trộm. Anh dặn chúng tôi đừng bao giờ nghĩ là mất họ. Có những gia đình đã ra đi nhưng họ gửi lại cho chúng tôi những chú bé 14, 15 tuổi với mong muốn: “Các chú nuôi giùm hắn, khi nào hắn khoác được súng thì cho đi bộ đội”. Làm thế nào để dân có xúc tác vào khu dồn, vào vùng địch thì họ vẫn mãi mãi là dân Cụ Hồ, họ vẫn hướng về cách mạng. Họ không nghe, không làm theo sự o ép, lừa mị của địch.

Theo lời kể của Thượng tướng Lê Thế Tiệm, đồng chí Hồ Nghinh còn là con người bền gan, ý thức kỷ luật rất cao trong việc rèn luyện sức khỏe, sức bền để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong những thời khắc cam go nhất… Chính vì vậy, trong chiến tranh, đồng chí tuy vóc dáng mảnh khảnh nhưng rất hoạt bát, gan dạ, dũng cảm, chọn vị trí hiểm nguy làm nơi đứng chân để chỉ đạo phong trào.

Tư duy đổi mới vượt thời gian

Con người và nhân cách Hồ Nghinh được tôn vinh là người có công bảo tồn và mang lại những giá trị rất to lớn của đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) và Bảo tàng Điêu khắc Chăm như hôm nay. Hay như chuyện ông chỉ đạo không làm “rập khuôn” theo các đô thị khác ở miền Nam khi thực hiện chủ trương lớn về cải tạo công thương nghiệp… Đồng chí Nguyễn Văn Chi kể: “Anh Hồ Nghinh cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp thì thủy lợi phải đi trước một bước, và anh chỉ đạo xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, tạo cơ sở vững chắc để giải quyết vấn đề lương thực cho tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng sau này”. Nhà văn Nguyên Ngọc thì nhìn nhận: “Anh là người lăn lộn từng trải, là người có học vấn uyên thâm, là người học nhiều, đọc rộng, là người nghĩ nhiều, những buổi nói chuyện với anh bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc, và hơn thế nữa, thường gợi cho người nghe rất nhiều suy nghĩ mới, thậm chí lạ”. Thạc sĩ Nguyễn Thuận nhận định, riêng trong cải tạo công thương nghiệp, đồng chí Hồ Nghinh đã có những quyết định linh hoạt, khôn khéo nhằm hạn chế những mất mát không đáng có trong công cuộc cải tạo bởi tư tưởng chủ quan, duy ý chí và cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Nhiều quyết sách trong quá trình cải tạo công thương ở Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ đã đem đến nhiều kết quả tích cực, bảo đảm mối quan hệ giữa các tiểu thương và cách mạng. Điều này thể hiện đồng chí Hồ Nghinh có tầm nhìn vượt trội trong lãnh đạo kinh tế, vượt qua trở ngại, khó khăn. Chính những tư duy sáng tạo vượt thời gian của đồng chí Hồ Nghinh đã đóng góp tích cực cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt, đưa đất nước vào thời kỳ đổi mới.

Khẳng định điều này, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Anh Hồ Nghinh là người có trí tuệ, suy nghĩ sâu sắc, có bản lĩnh vững vàng. Sau khi đất nước thống nhất, anh trăn trở trước vô vàn khó khăn trở ngại của đất nước... Theo tôi, những suy nghĩ và ý kiến của anh Hồ Nghinh đã đóng góp vào việc tìm ra đường lối “đổi mới” của Đảng”… Khi còn sống, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm sự: “Tôi với anh Hồ Nghinh còn gặp nhau ở một vấn đề khác, trong đánh giá cán bộ không nói quá hay, nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mà vấn đề là thực sự làm có hiệu quả, đó là tiêu chí hàng đầu - là dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng”.

Trong khuôn khổ hội thảo, Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy công bố 12/34 tư liệu lịch sử quý của đồng chí Hồ Nghinh (những cuốn sổ ghi chép) trong thời gian đồng chí công tác tại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước khi được Trung ương Đảng phân công giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.