.

Hội thảo quốc tế về Hoàng Sa và Trường Sa

.

Từ ngày 27 đến 29-4, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Những khía cạnh lịch sử và pháp lý".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hội thảo diễn ra đúng vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa truyền thống hằng năm, để tri ân và tôn vinh những bậc tiền nhân đã có công lớn trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Ban tổ chức, tham dự hội thảo có khoảng 50 đại biểu bao gồm các học giả quốc tế, học giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu, luật gia trong nước và đại diện một số ban, bộ, ngành và địa phương.

Các đại biểu sẽ trao đổi ý kiến về các vấn đề như: Quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; các phương thức thụ đắc lãnh thổ được luật pháp quốc tế thừa nhận rộng rãi; làm rõ những bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định Nhà nước Việt Nam từ lâu đời đã thực hiện chủ quyền liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế; phương thức giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vấn đề liên quan ở Biển Đông hiện nay.

Trước đó, hôm 19-4, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về biên giới do Văn phòng Thủy văn Anh (UKHO), Trường Đại học King's College và Hãng tư vấn luật quốc tế Vôn-tê-ra Phi-ê-ta (Volterra Fietta) phối hợp tổ chức ở Luân Đôn (Anh), bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan tới Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng hoan nghênh sự đóng góp tích cực của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do và an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Bà Minh Nguyệt cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nước trong khu vực để từng bước giải quyết tranh chấp trên biển. Nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN xây dựng nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, Tuyên bố 6 điểm ngày 20-7-2012 của ASEAN về Biển Đông. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và cùng các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải cho tàu, thuyền các nước qua lại Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Đại diện Việt Nam cũng cho biết, đối với vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để chứng minh việc thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình, ít nhất là từ thế kỷ 17, khi hai quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Đối với các vùng biển chồng lấn, Việt Nam chủ trương đàm phán để tìm giải pháp công bằng, thỏa đáng cho các bên liên quan trên cơ sở áp dụng luật pháp quốc tế.

Theo Hà Nội Mới, QĐND

;
.
.
.
.
.