Trẻ, khỏe, nhanh nhẹn và giỏi võ thuật là đặc điểm dễ nhận thấy của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đà Nẵng. Các anh góp phần mang lại sự yên bình cho người dân thành phố.
Năm qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an thành phố Đà Nẵng tuần tra, phát hiện và bắt giữ 139 vụ với hơn 200 đối tượng vi phạm về trật tự an toàn xã hội, thu giữ tang vật trị giá hàng trăm triệu đồng, bảo vệ tốt nhiều mục tiêu trọng yếu của thành phố.
Một buổi diễn tập của lực lượng cảnh sát cơ động Công an thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐỖ HẢI |
Xử lý án “nóng”
Đêm tĩnh mịch, chỉ có tiếng rao đêm của những người bán hàng rong yếu ớt rơi vào khoảng không. Đang tuần tra trên đường Hùng Vương, tổ CSCĐ gồm 6 chiến sĩ phát hiện một tốp thanh niên đi xe máy có những đối tượng ngồi sau tay vung dao kiếm loang loáng rồi phá lên cười.
Khi thấy CSCĐ đuổi theo, tốp thanh niên tăng tốc chạy trốn. Cuộc rượt đuổi bắt đầu. Tiếng động cơ rít lên giữa đêm vắng, những chiếc xe phóng kinh người với vận tốc tối đa… cho đến khi Thượng sĩ Dương Minh Trung và Thiếu úy Nguyễn Văn Nhơn đón đầu, buộc các đối tượng dừng xe bằng phát súng chỉ thiên thì các đối tượng trên hung hãn lăn xả vào dùng kiếm chém tới tấp vào người hai chiến sĩ. Máu tuôn ướt đầm lưng áo nhưng anh Nhơn vẫn ghì chặt đối tượng khống chế để chờ đồng đội tiếp cứu. Anh Trung bị nhiều vết thương vào tay, bụng nhưng vẫn kịp đánh gục vài đối tượng, kìm chân những tên còn lại. Vừa lúc đó, Đại úy Nguyễn Quang Thông, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ, cùng 3 đồng đội đến, phối hợp bắt gọn 9 đối tượng.
Qua khai nhận, nhóm này cho biết đang chuẩn bị hung khí để đi “thanh toán” một tốp khác do mâu thuẫn cá nhân. “Lúc đó, mình không cảm thấy đau đớn, chỉ nghĩ phải quyết bắt cho được tội phạm, ngày hôm sau nằm trong bệnh viện mới có cảm giác đau”, Thiếu úy Nhơn cười.
Các chiến sĩ ở đội CSCĐ còn được gọi đùa là những “tay lái lụa” bởi thường các đối tượng cướp giật, gây rối rất hung hãn, khi bị đuổi bắt đều phóng xe với tốc độ trên dưới 100km/giờ nên nếu không vững tay lái thì người cảnh sát không những không đuổi kịp mà còn rất dễ bị tai nạn. Không ít đối tượng lao thẳng xe vào xe của CSCĐ để tẩu thoát. “Có lúc đối tượng phóng xe khá nhanh vào khu dân cư đông người. Khi đó, chúng tôi không thể đuổi theo vì nguy hiểm đến người dân”, Đại úy Nguyễn Quang Thông cho biết.
Những chiến sĩ “phòng không”
Tiểu đoàn CSCĐ có gần 300 chiến sĩ nhưng chỉ có khoảng 30 người đã kết hôn. “Một phần vì các em ở độ tuổi trẻ, phần nữa do tính chất công việc phải ứng trực 24/24 giờ nên không có thời gian… tìm hiểu”, Đại úy Nguyễn Quang Thông cho biết.
Còn với những người đã có gia đình thì lại có nỗi niềm riêng. 37 tuổi, hơn 16 năm trong nghề, “kinh nghiệm” sau khi lên chức bố của hai đứa trẻ với anh Thông là đừng bao giờ… hứa với vợ con điều gì. “Vừa hứa đưa con đi chơi thì nhận điện của đồng đội. Vậy là đành phải lên đường. Lâu dần bỗng nhiên mình thành… “cuội”, nên tốt nhất đừng hứa”, anh Thông thổ lộ.
Với CSCĐ, chuyện đang ăn cơm với gia đình mà phải buông đũa để đến địa điểm “nóng” là chuyện bình thường. Trung úy Ngô Văn Hải (30 tuổi) vừa lập gia đình kể: “Có khi đang đưa vợ đi chơi, nhận điện thoại của đồng đội đành nói vợ đi taxi về, rồi mình hối hả đến tiếp cứu. Sau 2-3 ngày mới về nhà, thấy vợ buồn nhưng biết làm sao...”.
Thu nhập không cao, nghề nguy hiểm, lại suốt ngày “ăn dầm nằm dề” ngoài đường, vậy lý do gì để các anh gắn bó, sống chết với nghề? Trung úy Ngô Văn Hải chia sẻ: “Nhìn nụ cười hạnh phúc của người dân khi nhận lại đồ bị mất cắp, tự nhiên thấy nhẹ nhõm, thấy mọi vất vả đã qua chẳng là gì”. Những món quà dành cho các anh là những lời động viên, những ánh mắt ngưỡng mộ, khâm phục hay những giỏ trái cây nho nhỏ bày tỏ sự cảm ơn. Có một Việt kiều Mỹ sau khi được tìm giúp một món trang sức giá trị đã mang phong bì đến tặng nhưng các anh từ chối. Mới đây, Trung sĩ Hồ Vũ Hoàng và Hạ sĩ Nguyễn Hùng Phương được Giám đốc Công an thành phố tặng giấy khen vì nhặt và trả lại cho người mất số tiền gần 100 triệu đồng.
PHƯƠNG TRÀ