.

Xây dựng con người văn hóa Đà Nẵng

.

Đã hơn 15 năm trôi qua kể từ ngày Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà câu chuyện có hay không có một nền văn hóa bản địa made in Danang, từ đó có hay không có cái gọi là con người văn hóa Đà Nẵng dường như vẫn chưa thực sự ngã ngũ. Vấn đề được đặt ra là liệu có gì khác biệt giữa con người văn hóa Đà Nẵng với con người văn hóa Quảng Nam?

Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng mang đậm nét văn hóa truyền thống. 						                     Ảnh: SÂM NGỌC
Lễ hội Cầu ngư ở Đà Nẵng mang đậm nét văn hóa truyền thống. Ảnh: SÂM NGỌC

Là người từng nghiên cứu chuyên sâu về câu chuyện này, tôi cho rằng, hầu như không có gì khác biệt, mặc dù trước đây tôi vẫn nghĩ nhiều tới yếu tố thị dân của con người văn hóa Đà Nẵng.

Kỳ thực Đà Nẵng và Quảng Nam theo cách phân chia địa giới hành chính hiện nay đều có cả yếu tố thị dân lẫn yếu tố nông dân trong con người văn hóa của mỗi địa phương. Có thời kỳ văn minh đô thị của Tourane không tân kỳ bằng văn minh đô thị của Faifo; còn văn minh nông thôn/làng xã thì huyện Hòa Vang cũng cổ điển không kém gì các huyện Điện Bàn, Đại Lộc láng giềng. Đặt vấn đề như vậy để thấy xây dựng con người văn hóa Đà Nẵng không những phải căn cứ theo những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam - điều đó đã đành - mà còn phải căn cứ theo những đức tính tiêu biểu của con người xứ Quảng.

Con người yêu nước

Vậy căn cứ theo những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam, trước hết là căn cứ theo những đức tính tiêu biểu của con người xứ Quảng, có thể hình dung con người văn hóa Đà Nẵng như thế nào?

Đầu tiên con người văn hóa Đà Nẵng phải là con người yêu nước. Có thể đặt câu hỏi: người dân tỉnh nào mà không yêu nước, cứ gì phải là người dân Đà Nẵng? Đúng vậy, nhưng do hoàn cảnh lịch sử đặc thù - là địa phương đầu tiên bị liên quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam vào năm 1858, cũng là địa phương đầu tiên bị quân viễn chinh Mỹ đổ bộ mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam vào năm 1965, cũng là địa phương duy nhất có nguyên một huyện đảo bị quân Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép vào năm 1974, dẫn tới thực tế là chưa thể gọi thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng vào ngày 29-3-1975. Lòng yêu nước của người Đà Nẵng ngày nay buộc phải đạt đến độ nhạy cảm cần thiết mới có thể đủ sức ứng phó với thời cuộc.

Chính vì nhạy cảm về lòng yêu nước, người Đà Nẵng đã sáng tạo nên con rồng sắt bay ngang sông Hàn hướng ra biển lớn, vừa có thể phun nước, vừa có thể phun lửa. Nếu nghìn năm trước truyền thuyết Việt Nam từng xuất hiện hình ảnh con ngựa sắt của Thánh Gióng phun lửa thiêu đốt kẻ thù trong chiến trận, thì ngày nay con rồng sắt của người Đà Nẵng cũng có khả năng phun lửa - ngọn lửa tượng trưng cho nhiệt huyết nồng cháy sục sôi của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, hiểu rất rõ cái giá của một ngày bình yên nhưng khi cần lại biết sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ vùng trời, vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Cũng chính vì nhạy cảm về lòng yêu nước, trước đây hơn 10 ngày, cuối buổi làm việc với đoàn đại biểu thành phố Yokohama (Nhật Bản), tôi nói rằng mong ước lớn nhất của tôi trước lúc chia tay với đoàn là trong quá trình kết nghĩa giao lưu giữa hai thành phố, sẽ có một ngày khi đoàn Yokohama đến thăm Đà Nẵng, chúng tôi sẽ không tiếp đón các vị tại các quận nội thành như hôm nay, mà sẽ tiếp đón các vị tại một đơn vị hành chính cấp huyện nằm cách đây 180 hải lý - đó là khi chúng tôi đòi lại được Hoàng Sa đang bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Và tôi rất mong Nhật Bản nói chung, Yokohama nói riêng luôn ủng hộ Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh này. Nghe tôi phát biểu, cả đoàn Yokohama cùng mọi người tham dự buổi làm việc đều vỗ tay biểu thị sự đồng tình.

Con người biết khát vọng vươn lên

Con người văn hóa Đà Nẵng còn là con người biết khát vọng vươn lên, mà khát vọng bao trùm nhất là xây dựng thành phố quê hương mình trở thành thành phố đáng sống trong tương lai. Sở dĩ phải nhấn mạnh 3 chữ “trong tương lai”, bởi nhìn danh sách những thành phố đáng sống nhất thế giới được bình chọn hằng năm theo tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống đô thị của Công ty Mercer - doanh nghiệp tư vấn của Vương quốc Anh, hoàn toàn có thể thấy đối với Đà Nẵng hiện nay, danh hiệu “Thành phố đáng sống” là một khát-vọng-vươn-lên hơn là một hiện-thực-nhãn-tiền. Nói như vậy có nghĩa là mặc dù đã nỗ lực tạo ra cho thành phố mình một sức bật mới, một diện mạo mới rất đáng tự hào và khiến khát vọng vươn lên trở thành một thành phố thực sự đáng sống, thực sự thái bình hoàn toàn không phải hoang tưởng hay ảo tưởng, nhưng con người văn hóa Đà Nẵng vẫn còn phải làm rất nhiều việc để đạt được mục tiêu cao đẹp ấy, với những người lãnh đạo có tầm nhìn xa rộng, với những cán bộ, công chức có đạo đức công vụ sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc, với những nhà kinh doanh có cách kiếm tiền cùng cách tiêu tiền thấm đẫm văn hóa doanh nhân, đương nhiên với những công dân yêu nước - yêu nước đến mức nhạy cảm - luôn đồng thuận với các chủ trương chính sách của Đảng bộ và chính quyền...

Những trở lực

Trong quá trình xây dựng con người văn hóa Đà Nẵng, đặc trưng nổi bật là yêu nước đến mức nhạy cảm và luôn có khát vọng vươn lên, liệu bên cạnh những động lực còn có trở lực nào không? Theo tôi thì có ít nhất hai trở lực: một là căn bệnh thành tích và hai là hội chứng “ưu thế mặt tiền”.

Căn bệnh thành tích đang là trở lực lớn nhất trong quá trình xây dựng con người văn hóa Đà Nẵng hiện nay. Căn bệnh thành tích nguy hiểm ở chỗ làm cho thật - giả, tốt - xấu, hơn - kém, giỏi - dở, thực - hư… lẫn lộn, thực chất đã tạo môi trường để cái giả tạo, cái xấu xa, cái kém cỏi, cái dở tệ, cái hư danh… lên ngôi và được tung hô. Cũng có khi căn bệnh thành tích phác tác và lây lan nhân danh phong trào phòng chống căn bệnh thành tích, trở thành một biến tấu mới của căn bệnh này. Cũng có khi những thành tích thật sự rất đáng tự hào lại bị căn bệnh thành tích làm biến dạng, chẳng hạn thành tích của hầu hết học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế là thật, rất đáng tôn vinh nhưng do tác động của căn bệnh thành tích góp phần tạo nên ngộ nhận rằng đấy là thước đo chất lượng dạy - học đại trà, là thành phẩm đồng loạt của toàn bộ nền giáo dục cả nước và từng địa phương.        

Hội chứng tạm gọi là “ưu thế mặt tiền” cũng đang tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người Việt đương đại, trong đó người Đà Nẵng chắc cũng không phải là ngoại lệ. Trước hết, có thể nhận ra nhân sinh quan “ưu thế mặt tiền” - quyết tâm không chịu nhường ai để xông lên chiếm bằng được mọi chỗ trống trên đường - trong nhiều trường hợp đã gây tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn. Cứ quan sát cảnh người tham gia giao thông chờ tàu hỏa đi qua các giao lộ đường sắt và đường bộ ở nội thành Đà Nẵng, chắc không chỉ riêng Đà Nẵng, thì đủ thấy “ưu thế mặt tiền” đang tác động tiêu cực thế nào tới văn hóa giao thông: khi hai rào chắn được kéo ngang, người tham gia giao thông đường bộ đồng loạt dừng xe.

Tuy nhiên, điều đáng nói là lẽ ra phải dừng xe theo làn đường của mình - hoặc bên trái hoặc bên phải - để lúc giải tỏa rào chắn mỗi bên sẽ nhanh chóng thẳng tiến, nhiều người lại dừng xe cả phần đường bên phải lẫn phần đường bên trái nhằm chiếm “ưu thế mặt tiền” - ngay cả khi cơ quan quản lý giao thông đã cho dựng một dải phân cách tạm thời. Và khi hai rào chắn được giải tỏa thì không bên nào có thể thẳng tiến bởi phải đối đầu với “phía bên kia” ngay tại giao lộ… May là chưa bao giờ tàu hỏa lại chạy… lui.

Tuy nhiên, hội chứng “ưu thế mặt tiền” nói ở đây không chỉ phác tác và lây lan trên đường giao thông và tại các giao lộ mà còn phác tác và lây lan trên đường đời vạn nẻo, từ con đường phát triển đi lên của mỗi ngành, mỗi địa phương cho đến con đường thăng tiến trong công vụ của từng cán bộ, từng công chức… Điểm cốt lõi của hội chứng “ưu thế mặt tiền” trên các bình diện vừa nêu là tư tưởng “lợi mình hại người”, đặt lợi ích cá nhân/lợi ích nhóm lên trên lợi ích cộng đồng/lợi ích quốc gia mà việc thủy điện Đăk Mi 4 không mở cống xả đáy trả lại nước cho sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s để chống hạn, cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân thành phố Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là một ví dụ rất thời sự.

Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa

Việc đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa nằm trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chung của thành phố nhưng lại có nhiều nét đặc thù cần được quan tâm giải quyết bằng những quyết sách mang tính ưu đãi vượt trội mới đủ sức hấp  dẫn.

Trước hết, đây là lĩnh vực liên quan nhiều đến đời sống tinh thần/thế giới tâm linh của con người. Những người hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật như các nghệ sĩ/nghệ nhân ngoài sự khổ luyện công phu còn phải có năng khiếu tài hoa và một số tố chất khác - chẳng hạn như hình thể uyển chuyển gợi cảm của nghệ sĩ múa, đôi tai thẩm âm tinh tường của người sáng tác và biểu diễn âm nhạc… Những người quản lý văn hóa nói chung, quản lý hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật nói riêng, ngoài việc phải giỏi quản lý điều hành như tất cả các nhà quản lý xã hội khác, còn phải am hiểu đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật và tâm lý nghề nghiệp của những người lao động nghệ thuật.

Đó là chưa kể những người quản lý văn hóa còn phải có hiểu biết nhất định về kiến trúc và khoa học lịch sử để không rơi vào tình trạng tự mình quyết định hủy hoại hoặc không ngăn chặn được nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa - của “hương hỏa” hàng trăm năm tuổi, thậm chí hàng nghìn năm tuổi mà ông cha để lại cho chúng ta - nhân danh trùng tu di sản văn hóa.

Hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật không chỉ đòi hỏi phẩm chất nghệ sĩ mà còn đòi hỏi phẩm chất khoa học, và phê bình văn học - phê bình nghệ thuật chính là chỗ giáp ranh của hai loại phẩm chất này. Trong đời sống phê bình văn học - phê bình nghệ thuật, các biên tập viên văn học - nghệ thuật có vai trò rất quan trọng vì chính họ mới có thể phân biệt ngay từ đầu đâu là sản phẩm của nhà phê bình thực thụ và đâu là bài viết của người điểm sách, điểm sự kiện nghệ thuật đơn thuần, và cũng chính họ mới có thể biết khơi gợi cho những tranh luận thực sự văn chương/đích thị nghệ thuật, đồng thời biết nói không với những cách-đọc-ngoài-văn-chương/cách-xem-ngoài-nghệ-thuật. Cho nên, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, cũng cần sớm hình thành đội ngũ biên tập viên văn học - nghệ thuật không chỉ am hiểu thấu đáo về sáng tác mà còn am hiểu tường tận về lý luận - phê bình.

Ngoài yêu cầu rất cao về nghệ thuật và khoa học của bản thân nguồn nhân lực trên lĩnh vực này như vừa phân tích, việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa hiện nay ở Đà Nẵng và chắc không chỉ ở Đà Nẵng còn gặp trở lực đáng kể: một là về thị hiếu nghệ thuật của đông đảo cư dân đương đại khiến cho một số di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật hát bội, hát bài chòi… cả cổ truyền lẫn cách tân, khó lòng tuyển sinh để đào tạo thêm nghệ sĩ sáng tác và nhất là nghệ sĩ biểu diễn theo hướng trẻ hóa - “thầy già con hát trẻ”; hai là về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của lớp trẻ đang ít mặn mà với những ngành đào tạo liên quan đến văn hóa-nghệ thuật.

Cần đổi mới cách xét tặng giải thưởng văn học - nghệ thuật định kỳ, xem đây là tác nghiệp của những người có nghề hẳn hoi chứ không phải của các quan chức ngoại đạo - kể cả quan chức văn nghệ khác chuyên ngành, đặc biệt cần tránh lối đánh giá khen - chê tùy tiện đối với những tác phẩm mà mình chưa tiếp cận kỹ càng thậm chí mới nghe kể qua loa. Có thể thể hiện tính minh bạch của quá trình xét thưởng bằng cách công bố nhận xét của từng thành viên hội đồng chung khảo kèm theo kết quả xét thưởng, để cho người được tặng thưởng cũng như người không được tặng thưởng đều biết được ai đã phê bình và phê bình như thế nào đối với tác phẩm của họ, đồng thời nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của người xét thưởng đối với những sản phẩm tinh thần mang tính đặc thù là văn học-nghệ thuật.  

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.