.

“Bread of life” - chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật

.

(ĐNĐT) - “Bread of life” đã nổi tiếng bởi nhà hàng này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người khiếm thính mà còn giúp họ hòa nhập cộng đồng thông qua chương trình dạy kỹ năng sống hiệu quả. Tuy nhiên, dự án của chủ nhà hàng - vợ chồng Bob và Kathleen Huff (quốc tịch Mỹ) - vẫn chỉ là nỗ lực của những cá nhân đơn độc. Người khiếm thính ở Đà Nẵng cần nhiều hơn một sáng kiến như vậy.

Mái ấm "không lời" của "mẹ Liên"

Trả lời câu hỏi về lý do chọn Đà Nẵng để tiến hành dự án từ thiện giúp người khiếm thính, bà Kathleen nói: “Năm 1997, vợ chồng tôi muốn đi đến một nơi nào đó trên thế giới để giúp đỡ những người khuyết tật nhưng chưa biết đi đâu. Chúng tôi tìm đến những tổ chức phi chính phủ ở các quốc gia khác nhau nhưng có tổ chức thì chọn tôi, có tổ chức chọn chồng tôi. Đến năm 1998, một tổ chức có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng là World Concern đã chọn cả hai vợ chồng tôi làm việc trong hai năm. Như vậy, chúng tôi không chọn Việt Nam mà Việt Nam đã chọn chúng tôi”.

Thời gian đầu ở Việt Nam, đôi vợ chồng ngoại quốc này đã làm việc với tất cả những người khuyết tật nói chung, nhưng sau đó, Kathleen phát hiện ra rằng, những người khiếm thính rất thiệt thòi vì họ cảm nhận được mọi điều nhưng không thể diễn tả và giao tiếp, không thể hòa nhập với cuộc sống. Do đó, bà cùng chồng quyết định chú tâm vào việc giúp đỡ những người khiếm thính, tạo cho họ cơ hội được giao tiếp và thể hiện bản thân bằng cách mở nhà hàng “Bread of life” - nơi họ có thể học, làm việc và sống có ích cho xã hội.

Bà Kathleen giám sát nhân viên làm việc tại bếp ăn của nhà hàng. Ảnh: Q.T
Bà Kathleen quan sát nhân viên làm việc tại bếp ăn của nhà hàng. Ảnh: Q.T

Để giúp các em khiếm thính giao tiếp thuận lợi, Bob và Kathleen thuê hai giáo viên khiếm thính người Việt dạy cho nhân viên và cả hai vợ chồng cùng học ngôn ngữ ký hiệu này để trao đổi cũng như thấu hiểu nhân viên - những người mà ông bà xem như người thân của mình.

Nói về “những người thân” của mình tại “Bread of life”, Kathleen không giấu niềm tự hào: “Nhân viên của tôi tự làm mọi khâu có trong thực đơn, họ biết tự quản lý công việc của mình, khi hết thứ gì trong bếp, họ biết đến báo cho quản lý. Với tôi, người khiếm thính cũng như người bình thường khác, họ chỉ gặp vấn đề về giao tiếp. Nhìn ra được vấn đề khó khăn của họ sẽ thay đổi được cuộc sống của họ. Do đó, tôi cùng chồng đã quyết định tạo cho người khiếm thính một môi trường - nơi các em có thể làm việc để nuôi sống bản thân, cùng chuyện trò, bày tỏ suy nghĩ của mình với những người chung quanh”.

Đồng cảm với những lời chia sẻ từ bà Kathleen, Hòa (22 tuổi, nhân viên nhà hàng) tâm sự: “Trước khi đến đây, em đã làm ở ba nơi, nhưng vì không có kinh nghiệm làm việc, không giao tiếp được nên chỉ làm một thời gian ngắn thì người ta cho nghỉ. Bây giờ, em biết làm bánh, pha chế, phục vụ... Ở “Bread of life”, tụi em đã tìm được niềm vui trong công việc, có thể nói chuyện (qua ngôn ngữ ký hiệu - PV), chia sẻ và hòa đồng với nhau”.

Giờ đây, những nhân viên khiếm thính tại "Bread of life" đều gọi Kathleen với cái tên thân mật "mẹ Liên". Nhờ mái ấm "không lời" của "mẹ Liên", những người khiếm thính như Hòa cùng hơn 20 em khác đã sống những tháng ngày thật sự ý nghĩa mà không phải mặc cảm về khuyết tật của mình.

Cần lắm nhiều sự sẻ chia

“Trước đây, chúng tôi có nhận một em trai quê Quảng Nam nghiệp vụ rất tốt, tôi rất thương. Sau một thời gian làm, em ấy rời khỏi nhà hàng chúng tôi vào Sài Gòn để làm việc. Tôi ví em ấy như “con mèo muốn vươn ra ngoài để tìm con chuột to hơn”. Nhưng điều mà tôi lo lắng, dù em ấy giỏi nghiệp vụ đến đâu, nhưng khó phát huy năng lực của mình trong môi trường mà em không thể giao tiếp”, bà Kathleen trăn trở.

Bà Kathleen và chồng đã rất nỗ lực trong việc dạy cho nhân viên quy tắc ứng xử để hòa nhập cộng đồng. Đó là tình yêu thương giữa con người với nhau, sự thân thiện, hòa đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống… Nhưng như vậy chưa đủ để giúp những người khiếm thính hoàn toàn hòa nhập với xã hội khi họ rời xa mái ấm "Bread of life".

Có thể nhận thấy, dự án nhà hàng “Bread of  life” là một sáng kiến hay nhưng cần hơn là sự chung tay của chính quyền, của cộng đồng để có thể phát huy tác dụng và nhân rộng mô hình ở phạm vi lớn hơn. Nếu mô hình dành riêng cho người khiếm thính này triển khai rộng rãi và hiệu quả, xã hội không chỉ mang lại cho người khiếm thính một môi trường để sống và làm việc, quan trọng và sâu xa hơn là đã không bỏ phí những nhân lực lao động hoàn toàn có thể đóng góp cho xã hội bằng chính đôi tay, khối óc như những người bình thường khác. Liệu ai, đơn vị nào tiếp nối con đường của ông bà Bob và Kathleen, chắp cánh ước mơ cho người khiếm thính?

Quỳnh Trang

           

;
.
.
.
.
.