(ĐNĐT) - Mặc dù đã sử dụng vật liệu tiên tiến, công nghệ hiện đại, thi công với yêu cầu nghiêm ngặt, nhưng những vết nứt vẫn liên tiếp xuất hiện trên mặt cầu Thuận Phước (Đà Nẵng). Sau nhiều lần được sửa chữa bằng cách thủ công như đục, vá, các vị trí này trở nên “khó coi” và làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của người dân. Sắp tới đây, thêm một lần nữa, mặt cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam này sẽ được thay một lớp “áo” mới. Nhưng liệu đây có phải lần sửa cuối cùng?
Sau nhiều lần sửa chữa, đục - vá, lớp phủ mặt cầu Thuận Phước trở nên lồi lõm, chắp vá. Đoạn giữa nhịp chính dầm cầu dây văng xuất hiện tình trạng “sóng lưng trâu” khiến mặt đường mấp mô. |
Điệp khúc sửa, vá
Cầu Thuận Phước chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2009, nhưng sau gần 1 năm (khoảng tháng 6-2010) bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc trên lớp phủ mặt cầu tại nhịp chính. Nguyên nhân, theo phía đơn vị tư vấn và thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước - Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC (Công ty ECC), là vì lớp phủ bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép do tác động của ngoại lực xe nặng và sự co giãn đàn hồi của hệ mặt cầu (co giãn nhiệt và chuyển vị do dao động của hệ cầu treo dây võng). Sau đó, đơn vị này đã huy động lực lượng công nhân, nỗ lực sửa chữa, song tới mùa nóng năm 2011, mặt cầu lại xuất hiện nhiều hư hỏng với các vết nứt ngang và parapol, khu vực chủ yếu là đoạn giữa cầu.
Trên mặt cầu Thuận Phước, mỗi lần có các vết nứt, công nhân lại tới đục, vá. Có vị trí vết nứt được chèn bê tông nhựa, có đoạn lại được đắp phủ bằng nhựa đường khiến mặt cầu lồi lõm, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ngày 22-7-2011, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản số 4333/UBND-QLĐTư gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố và BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính (CTGTCC) yêu cầu kiểm tra, phân tích nguyên nhân gây hư hỏng, đưa ra phương án sửa chữa khắc phục, có tiến độ sửa chữa đối với những hư hỏng trên.
Sau đó, ngày 5-6-2012, người dân Đà Nẵng và du khách lại được chứng kiến cảnh các công nhân cặm cụi đào, đục, vá các điểm nứt, ổ gà trên mặt cầu bằng một lớp vật liệu mới. Tuy nhiên sau đó, toàn bộ lớp mặt làm mới đều lồi lõm, chắp vá. Đoạn giữa nhịp chính dầm cầu dây văng xuất hiện tình trạng “sóng lưng trâu” khiến mặt đường mấp mô.
Nhiều vị trí chất lượng lớp phủ không đảm bảo, dưới nắng nóng, nhất là vào thời gian cao điểm (từ 11 giờ trưa tới 15 giờ chiều), lớp vật liệu trên mặt cầu chảy nhão, dính nhớp, rất nguy hiểm cho phương tiện lưu thông qua đây.
Cho tới ngày 18-7-2012, mặt cầu Thuận Phước chính thức được đơn vị thi công bóc bỏ và tiến hành thay thế bằng lớp phủ mới bằng bê tông nhựa Polyme PMB3 dày 7cm với thành phần cấp phối bột khoáng thay bằng xi măng; gia tăng gấp đôi lớp dính bám PMB và lớp kết dính bản mặt thép bằng epoxy hai thành phần và đá dăm bề mặt; lắp quạt hút gió trong lòng dầm hộp để giảm nhiệt độ trong thời gian cao điểm… Đoạn thử nghiệm này có chiều dài 200m ở phía Đông của cầu nhằm đánh giá, làm căn cứ cho việc sửa chữa toàn bộ mặt cầu. Chi phí sửa chữa do nhà thầu ECC trách nhiệm.
Giải pháp nào cho lần thay “áo” mới này?
Theo ông Mai Triệu Quang, Giám đốc Công ty ECC, các giải pháp sửa chữa nêu trên kể từ năm 2012 đã cơ bản đáp ứng tạm thời việc lưu thông của người dân trong vòng 1 năm. Song tới đầu mùa nắng nóng năm nay, tình trạng hư hỏng mặt cầu (tại các đoạn hiện hữu chưa được xử lý triệt để) lại xuất hiện trên diện rộng, ảnh hưởng tới an toàn giao thông và gây bức xúc trong dư luận.
Dưới trời nắng nóng, nhất là vào thời gian cao điểm (từ 11 giờ trưa tới 15 giờ chiều), lớp vật liệu trên mặt cầu chảy nhão, dính nhớp, rất nguy hiểm cho phương tiện lưu thông qua đây. |
Ông Quang cho hay, về cơ bản theo đánh giá, phương pháp sửa chữa ở các vị trí hư hỏng từ năm 2011 qua 2 năm khai thác vẫn trong tình trạng tốt. Các vị trí sửa chữa thử nghiệm năm 2012 cho tới nay, mặt đường bình thường, ở trạng thái tốt. Tuy nhiên, tại vị trí tiếp giáp giữa bê tông nhựa cũ và mới có xuất hiện một số vết nứt dọc; kết cấu phủ mỏng đảm bảo giao thông do có sự chênh giữa đoạn thử nghiệm và đoạn hiện hữu nên có sự lồi lõm.
Sau khi tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, Công ty ECC đã trình lên cơ quan chức năng phương án sửa chữa cụ thể cho từng khu vực và hiện đang trong giai đoạn chờ thử nghiệm.
Theo phương án sửa chữa lần này, hai làn giữa cầu, trong đó phần hư hỏng nặng với diện tích khoảng 2.140m2 sẽ được đào bỏ và thảm mới bằng 7cm bê tông nhựa PMB3, được chia làm hai lớp 4cm và 3cm. Giữa bê tông nhựa và bản mặt thép sẽ làm lớp dính bám bằng nhựa đường Epoxy 2 thành phần, đồng thời tăng cường dính bám bằng cách hàn râu thép vào hai mặt cầu. Phần còn lại không hư hỏng sẽ được thảm chồng một lớp bê tông nhựa PMB3 dày 3cm để tạo sự êm thuận.
Hai làn biên cho xe thô sơ, phần hư hỏng nặng có diện tích 1.260m3 sẽ được đào bỏ và thảm mới bằng 4cm bê tông nhựa PMB3. Giữa bê tông nhựa và bản mặt thép sẽ làm lớp dính bám bằng nhựa đường Epoxy 2 thành phần.
Đối với đoạn thảm chồng 3cm bê tông nhựa PMB3 đã thảm năm 2012, một số khu vực bị hư hỏng nặng sẽ được khoanh vùng cắt bỏ tới mặt thép và xử lý thảm lại hai lớp bê tông nhựa 7cm như ở giữa hai làn cầu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT, Trưởng BQL Dự án Đầu tư xây dựng CTGTCC Đà Nẵng, đơn vị Quản lý Dự án cầu Thuận Phước, cho biết, hiện Sở vẫn đang tiếp tục theo dõi các vị trí thảm bê tông vừa qua đến hết đợt nắng nóng cao điểm của tháng này xem hiệu quả ra sao. Sau đó, tới ngày 5-6 và ngày 25-6 này, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế hiện trường tại các vị trí đã sửa chữa (kể cả vết cũ và đoạn thử nghiệm mới sửa), xem đã đảm bảo yêu cầu hay chưa để có đánh giá và kết luận cuối cùng. Sau đó, nếu vật liệu đảm bảo thì đầu tháng 7 tới sẽ lên kế hoạch, phương án sửa chữa cụ thể để trả lại nguyên trạng lớp phủ mặt cầu.
Cầu Thuận Phước được thiết kế và thi công theo công nghệ cầu treo dây văng bắc qua cửa biển đoạn cuối sông Hàn, với tổng chiều dài 1.856m và là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Cầu chính có kết cấu bản mặt cầu thép treo trên dây văng, 3 nhịp liên tục dài 655m. Chiều rộng cầu 18m bao gồm 4 làn xe chạy cho hai chiều và hai lề bộ hành cho người đi bộ. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 10-2003 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh