Các đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề quan tâm nhất hiện nay là phải chống sự suy giảm của nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát không còn là 'con ngựa bất kham'.
Đại biểu Trần Du Lịch: "Cần đưa nền kinh tế về thời kỳ hoàng kim trong 2-3 năm tới". |
Trong phiên thảo luận tại Hội trường hôm nay 30-5, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá tình hình kinh tế năm 2012 và sang năm 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) phản ánh, 4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể. Lãi suất giảm nhưng tín dụng ngân hàng không tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, nhiều đơn vị đang phải đối mặt với những khoản vay quá hạn lãi cao. Vị đại biều này cũng thẳng thắn đề nghị cần có giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất. "Lãi suất cho vay giảm xuống 8%, đồng thời hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 10%, áp dụng hồi tố cho các khoản vay từ 1-1-2013", đại biểu này đề nghị.
Cũng nhìn nhận nền kinh tế ngày càng "ảm đạm", đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) nhận xét, lạm phát thấp không còn được nhìn nhận là "thành tích" mà nhiều ý kiến cho rằng giảm là không còn tiền mà tăng chứ không phải kiềm chế tốt.
Trước tình hình này, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, mong đợi nhất ở kỳ họp này là Chính phủ sẽ đưa ra được biện pháp để chống sự suy giảm kinh tế. Ông nhận định, trong bối cảnh lạm phát "không còn là con ngựa bất kham" thì sẽ là cơ hội để tiến hành những biện pháp mạnh mẽ hơn, bởi không nhanh chóng thì khi lạm phát quay lại thì nền kinh tế lại rơi vào vòng "luẩn quẩn"
"Phải đảm bảo 2 đến 3 năm nữa kinh tế trở lại thời kỳ hoàng kim. Nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng 7-8% trong vài thập niên thì không thể thành công với mục tiêu công nghiệp hóa", đại biểu Trần Du Lịch khẳng định
Theo đó, vị đại biểu và cũng là chuyên gia kinh tế đề xuất phải xây dựng mục tiêu trung hạn là phục hồi tăng trưởng kinh tế, chuyển từ chống lạm phát bị động sang bị động với mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6,5 - 7% đến năm 2015 và sẽ kéo giảm xuống 5% trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, nên miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tới 2015, thay cho việc chỉ 6 tháng hay một năm như hiện nay. Nâng trần bội chi ngân sách để xử lý được các công trình đầu tư dang dở, tạo thành "cú hích" cho tổng cầu. "Ngoài ra, đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm sao đừng để doanh nghiệp có thị trường nhưng phải chết vì không tiếp cận được vốn. Làm sao để 3 năm sau, mỗi năm mức tăng trưởng tín dụng phải bằng 3-3,5 lần tăng trưởng GDP", ông Lịch phát biểu.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng bày tỏ nghi vấn có hay không quy luật là trước kỳ họp Quốc hội thì giá xăng dầu lại giảm. Bà cũng đề xuất cần phải nhanh chóng điều chỉnh Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu. |
Bên cạnh nỗi lo về tín dụng, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập tới chính sách điều hành thị trường vàng. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) ghi nhận những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa thỏa đáng. "Dù Ngân hàng Nhà nước giải thích chênh lệch này không ảnh hưởng đến tỷ giá và mất ổn định kinh tế vĩ mô nhưng điều này vẫn gây tâm lý nhất định trong một bộ phận nhân dân", ông Vinh cho biết.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng nói thêm: "Giá vàng dù chưa gây ảnh hưởng tỷ giá, bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng đã gây bất bình trong dư luận". Do đó, ông cũng đề nghị sớm giải quyết khoảng chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Về chính sách tỷ giá, theo Đại biểu Trần Du Lịch vẫn cần linh hoạt hơn. Theo ông, chính sách hiện nay đang gây bất lợi cho các sản phẩm nông nghiệp và những mặt hàng thay thế cho nhập khẩu.
Phát biểu tại phiên thảo luận buổi sáng, Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ lo ngại với những "căn bệnh" mới phát sinh của nền kinh tế như nợ công và nợ xấu. "Mới phát sinh nhưng căn bệnh này lại tỏ ra ác tính. Chính phủ hiện mới coi trọng các biện pháp tâm lý, lấy liệu pháp an thần là liều thuốc khi mở đầu các báo cáo vẫn là một loạt những thành tích", đại biểu của tỉnh Đồng Nai thẳng thắn nói.
Riêng về "bệnh" nợ công, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cũng yêu cầu Chính phủ trong kỳ họp này giải thích rõ cách tính và chủ trương giải quyết nợ công. Còn về vấn đề nợ xấu, theo đại biểu Nguyệt, cần làm rõ chức năng cũng như cơ chế hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) vừa thành lập để xử lý nợ xấu. "Hiện Bộ Tài chính đã có các Cục, Vụ chuyên ngành để quản lý việc kinh doanh vốn của Nhà nước. Mối quan hệ giữa công ty này và các cục, vụ là gì? Với tên gọi như vậy, không lẽ đây là tổ chức lớn hơn các Bộ, ngành", bà Nguyệt đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng để có những biện pháp đúng đắn, ngoài giải pháp đưa ra cần khắc phục tình trạng một chỉ tiêu lại có nhiều báo cáo khác nhau.
Cuối năm 2012, Thống đốc cho biết trước Quốc hội tỷ lệ nợ xấu là 10%, song báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng tỷ lệ nợ xấu là 8,6% và báo cáo tại kỳ họp này chỉ là 7,8%. Ngoài ra, tồn kho bất động sản cũng không được Chính phủ làm rõ, liệu con số là 200.000 căn hay 400.000 căn, 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng là chính xác, vị này hoài nghi. "Với những con số không chính xác thì không thể đưa ra những giải pháp đúng đắn", ông nhấn mạnh.
Sau phiên làm việc buổi sáng đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến. Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận và Bộ trưởng một số Bộ, ngành sẽ giải trình các thắc mắc được các đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải thích về những sai số trong số liệu thống kê và tình hình tái cơ cấu kinh tế chậm trễ. Trong khi đó, Bộ Công Thương sẽ trao đổi về việc chống hàng lậu, hàng giả còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ giải thích về chính sách điều hành thị trường vàng. Những vấn đề về thu ngân sách, việc phát hành thêm trái phiếu và an toàn nợ công cũng sẽ được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời trong chiều nay.
VnExpress