* Nhiều bộ, ngành còn né tránh, nhiều kiến nghị chưa được giải quyết
Qua tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các địa phương, phóng viên Báo Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 61 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội trên địa bàn thành phố. Nhân kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc, Báo Đà Nẵng xin phản ánh cái được và chưa được của các cơ quan, ban, ngành Trung ương về trả lời các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho biết: “61 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố phản ánh trước và sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tập hợp chuyển đến các cơ quan chức năng của Trung ương xem xét, giải quyết thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời cập nhật theo dõi kết quả giải quyết, kịp thời phản ánh lại cho cử tri biết”.
Cử tri quận Ngũ Hành Sơn kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ngay trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VĂN NỞ |
Tính đến ngày 25-4-2013 đã có 17 bộ, ngành Trung ương trả lời 42/61 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, chiếm tỷ lệ 68,9%. Qua tham khảo kết quả trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với cử tri thành phố, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung, so với các kỳ họp Quốc hội trước đây, lần này hầu hết các bộ, ngành Trung ương đều có sự nghiên cứu, tiếp thu, kịp thời có văn bản trả lời gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có thông tin tương đối đầy đủ để phản hồi với cử tri thành phố trong đợt tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII vừa qua.
Theo ông Huỳnh Nghĩa, qua theo dõi kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhận thấy, bên cạnh việc thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho cử tri biết, các cơ quan chức năng cũng thẳng thắn phân tích, đánh giá, tiếp thu đầy đủ, cụ thể các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và có hướng xử lý, hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong thời gian đến để các chủ trương, chính sách đó phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tốt nhu cầu, đòi hỏi thực tế đời sống nhân dân. Về kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tiếp thu phản hồi cho cử tri được biết...
Nhiều bộ, ngành còn né tránh
Bên cạnh những ưu điểm vừa nêu trên, vẫn còn nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri thành phố Đà Nẵng chưa được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời hoặc có một số nội dung của cử tri đề cập trả lời nửa vời. Chính điều này đã làm cho cử tri thành phố Đà Nẵng chưa thỏa mãn, chưa giải tỏa được những thắc mắc, bức xúc mà họ đã quan tâm phản ánh.
Cụ thể: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời về tình trạng các ngân hàng thương mại lách các quy định để tăng vốn điều lệ hằng năm. Trả lời ý kiến này, tại Công văn số 1034/NHNN-VP ngày 20-2-2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nêu “nếu phát hiện ra những thủ đoạn, hành vi vi phạm hoặc lách các quy định liên quan đến tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại, đề nghị cử tri cung cấp thông tin đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời”. Cử tri cho rằng, nội dung trả lời chưa thể hiện được trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri thì lẽ ra với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng Ngân hàng Nhà nước lại đẩy trách nhiệm này sang cho cử tri.
Bộ Y tế trả lời kiến nghị bổ sung danh mục các loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học dioxin tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20-2-2008 của Bộ Y tế. Tại Công văn số 1045/BYT-VPB1 ngày 28-2-2013, Bộ Y tế trả lời: Bộ trưởng Bộ Y tế đã “thành lập Hội đồng chuyên môn sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin”. Hội đồng bao gồm 26 thành viên, gồm nhiều nhà khoa học y học, xã hội học và cả những cán bộ tham mưu xây dựng chính sách. Hội đồng đã đi đến kết luận: “Hiện nay chúng ta chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để bổ sung, sửa đổi Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin được ban hành tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20 tháng 2 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, khi có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét sửa đổi, bổ sung Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin”.
Cử tri không đồng tình với nội dung trả lời trên đây của Bộ Y tế. Cử tri cho rằng, thực tế có hàng trăm loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần từ nhiều năm qua, nhưng việc thành lập Hội đồng đầy đủ các thành phần, gây tốn kém thời gian, kinh phí nhưng cuối cùng vẫn không thay đổi được gì.
Bộ Y tế trả lời ý kiến về việc quản lý giá thuốc: Tại Công văn số 1045/BYT-VPB1 ngày 28-2- 2013, bên cạnh việc đưa ra các quy định về quản lý giá thuốc, so sánh giá thuốc của Việt Nam với một số nước, Bộ Y tế có đề cập đến công tác tăng cường quản lý giá thuốc trong thời gian đến. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng còn quá chung chung, chưa giải quyết được thực trạng hiện nay là các quầy bán lẻ thuốc muốn bán giá bao nhiêu cũng được, không niêm yết công khai giá thuốc…
Còn những kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết
Qua theo dõi, cập nhật kết quả trả lời của các cơ quan chức năng Trung ương đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, còn 19 ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được trả lời, chiếm tỷ lệ 31,1% so với tổng số ý kiến, kiến nghị của cử tri mà Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã chuyển. Cụ thể: Ý kiến liên quan đến việc thẩm định các dự án thủy điện dẫn đến nhiều hậu quả, nhất là môi trường và khi xảy ra sự cố việc xử lý còn lúng túng; biện pháp xử lý tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2; vấn đề kê khai tài sản của người có chức vụ còn mang tính hình thức; tình trạng hàng hóa nước ngoài giá rẻ nhập vào Việt Nam không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh; tình trạng thương nhân Trung Quốc vào nước ta thu mua nguyên liệu, nông-lâm-thủy sản có hiện tượng phá giá, làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước ta; tình trạng sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm; việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội; việc xử lý hàng hóa tồn kho; chế độ đối với thân nhân thờ cúng liệt sĩ; tình trạng hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ, chất lượng kém; việc quy hoạch các khu công nghiệp nên chọn vị trí đất phù hợp; chế độ lương hưu đối với những người có quá trình tham gia kháng chiến nghỉ hưu trước năm 1990…
Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị các bộ, ngành Trung ương khi trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương có nội dung không giống nhau thì không nên trả lời chung một văn bản, nhằm giúp cho việc tập hợp, sao chụp, thông báo nội dung trả lời cho cử tri được thuận lợi, hạn chế việc in sao quá nhiều giấy tờ, gây lãng phí không cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân người đứng đầu bộ, ngành, lĩnh vực trong công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Vì trong thời gian qua còn rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được các cơ quan chức năng xem xét, trả lời một cách thỏa đáng, gây thắc mắc và làm mất niềm tin của cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cử tri cũng mong muốn Quốc hội sớm sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng quy định rõ biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan Nhà nước địa phương trong công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Vì thực tế hiện nay, tỷ lệ trả lời ý kiến cử tri của các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của cử tri thành phố Đà Nẵng. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng các buổi tiếp xúc cử tri tại các địa phương, suy giảm niềm tin của cử tri vào Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, ban, ngành của Trung ương…
LÊ VĂN HOA