.
Kỷ niệm 59 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2013)

Phát huy tinh thần quyết thắng

.

CCB Điện Biên Phủ tại Đà Nẵng hiện còn 30 người, hầu hết từ 80 tuổi trở lên, đa số ở các quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng các cụ đã phát huy tinh thần quyết thắng năm nào để giáo dục thế hệ trẻ.

Đại tá Đỗ Thanh Hùng (thứ hai, trái sang) kể lại chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Đại tá Đỗ Thanh Hùng (thứ hai, trái sang) kể lại chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Tinh thần quyết chiến quyết thắng

Dù tuổi cao sức yếu nhưng các CCB Điện Biên Phủ vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ, hăng hái tham gia công tác địa phương, tích cực chung tay góp sức trong công cuộc xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh. Đại tá Đỗ Thanh Hùng (ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà) từ khi nghỉ hưu vào năm 1990, liên tục tham gia công tác phường, luôn năng nổ, tận tụy phục vụ nhân dân, hiện 82 tuổi vẫn đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội Cựu giáo chức của phường và đã 19 năm làm Trưởng ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ thành phố Đà Nẵng. “Công tác địa phương khá vất vả, nhưng nhớ đến tinh thần quyết chiến quyết thắng ở Điện Biên Phủ thì tôi vượt qua tất cả”, ông Hùng chia sẻ.

Trên cương vị Bí thư chi bộ, CCB Hồ Thành Trung (ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) hết sức chăm lo xây dựng tổ dân phố và các đoàn thể cơ sở, dìu dắt nhiều quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng và đạt nhiều thành tích trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị. Ông Trung kể, hồi đơn vị ông đánh đồi A1 (Điện Biên Phủ), địch phản kích điên cuồng, hàng trăm đồng chí hy sinh, nhưng không ai rời bỏ chiến hào. Nhớ những ngày “máu trộn bùn non” ấy, ông như có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống đời thường hôm nay.

Những năm qua, CCB Điện Biên Phủ tích cực đóng góp xây dựng thành phố, nhất là trong công tác tuyên truyền vận động, khuyến học khuyến tài. Đặc biệt, cố GS Đặng Văn Luyến (Hòa Thuận Tây) là tấm gương duy nhất từ chiến sĩ Điện Biên Phủ trở thành GS,TSKH, đã vận động thành lập Trường ĐH Duy Tân, Trường CĐTT Đức Trí (Đà Nẵng) và có nhiều công lao đối với sự nghiệp trồng người. Trước khi từ giã cõi đời, cụ Luyến còn nêu gương cho hậu thế bằng việc để lại di chúc yêu cầu con cháu thực hiện hỏa táng sau khi cụ từ trần.

Tại buổi giao lưu với tuổi trẻ thành phố mới đây, chuyện kể của các CCB Điện Biên Phủ đã làm hàng trăm đoàn viên thanh niên xúc động rơi nước mắt. “Qua lời kể của các bác CCB Điện Biên Phủ, lớp trẻ chúng em được hiểu kỹ hơn về những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và càng thấy rõ trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước”, chị Trương Thị Hương Thu, cán bộ Quận Đoàn Sơn Trà, cho biết.

Mong ước một chuyến tham quan

Trên địa bàn thành phố, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể luôn quan tâm hỗ trợ để các CCB Điện Biên Phủ có cuộc sống ổn định, trong đó UBND thành phố đã mua sắm đồng bộ lễ phục cho các CCB Điện Biên Phủ. Ông Đỗ Thanh Hùng cho biết, trong một lần đi tham quan chiến trường xưa, thấy Đoàn CCB Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng ăn mặc đẹp và thống nhất, ai cũng trầm trồ cảm phục về sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố.

Nhiều CCB Điện Biên Phủ đang đau ốm nặng, một số trường hợp không còn khả năng tự phục vụ. Cụ thể như CCB Hồ Viết Lan (ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) - người xạ thủ tiêu biểu trong trận đánh đồi C2 năm xưa (khẩu trung liên của ông được trưng bày tại Bảo tàng Điện Biên Phủ), bây giờ thều thào nói không ra tiếng. Qua “phiên dịch” của người con, ông Lan nói với chúng tôi rằng, sự quan tâm động viên của chính quyền, đoàn thể, anh em đồng đội đã giúp ông chống chọi những cơn đau do vết thương tái phát.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Hùng, toàn thành phố hiện chỉ còn khoảng 10 CCB Điện Biên Phủ khỏe mạnh, minh mẫn. Số CCB này rất mong được lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ một chuyến tham quan Lăng Bác Hồ, Điện Biên Phủ và Vịnh Hạ Long.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.