Ngày 10-5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú và Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC).
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị. Ảnh: Việt Dũng |
Đối với Luật Cư trú, một số ý kiến góp ý đề nghị cần làm rõ những hành vi bị nghiêm cấm như: giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký thường trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sống tại chỗ ở đó. Đặc biệt, cần đưa ra chế tài, quy định xử phạt cụ thể và nghiêm khắc đối với hành vi đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi.
Đối với các điều kiện về cư trú, các đại biểu nhất trí nội dung của dự thảo đưa ra theo hướng: công dân có một trong những điều kiện gồm: có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời hạn tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 2 năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập khẩu. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về diện tích bình quân. Riêng công dân đăng ký vào nội thành thành phố Hà Nội phải thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô. Ông Võ Công Chánh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, đề nghị nên quy định cụ thể diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố đó là diện tích đất ở thay vì diện tích nhà ở. Bởi như vậy mới kiểm soát tình trạng nhập cư ồ ạt vào khu vực nội thành của các thành phố lớn. Ông Tạ Tự Bình, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố, cho rằng nên mở rộng quy định này đối với các thành phố trực thuộc tỉnh, bởi vì các địa phương này áp lực nhập cư hiện khá lớn. Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị nên quy định cụ thể Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là 24 tháng. Trước khi hết thời hạn tạm trú 30 ngày, công dân đến cơ quan Công an nơi cấp Sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn.
Góp ý vào Luật PCCC, các đại biểu nêu văn bản quy định hiện nay khá nhiều nhưng vừa chồng chéo, vừa bất cập và khó khả thi. Riêng đối với nội dung nêu trong dự thảo, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho rằng, quy định chức năng, nhiệm vụ của đội dân phòng PCCC cấp xã, phường chưa rõ ràng, thiếu tính cụ thể. Bên cạnh đó, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC đối với cơ sở, tổ chức hiện nay cần phải chặt chẽ hơn theo hướng tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, tổ chức trong việc để xảy ra cháy nổ. Đặc biệt, đối với công trình cao tầng, cần quy định nhà cao tầng và siêu cao tầng để quy định cụ thể về việc thi công xây dựng cần sử dụng vật liệu không cháy nổ hoặc khó cháy nổ nhằm hạn chế tối đa sự cố cháy nổ và thiệt hại trong quá trình đưa vào vận hành, sử dụng. Những ý kiến góp ý được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu, tổng hợp và trình ra kỳ họp Quốc hội trong thời gian đến.
V.D