Trên hành trình từ Hoàng Sa về Quảng Ngãi, tàu cá QNg 90917 TS đã bị tàu sắt phía Trung Quốc cản đường vây hãm và đâm suýt chìm. Tất cả ngư dân đi trên chuyến tàu đó đều bàng hoàng và không thể nào quên những giây phút kinh hoàng đó, họ rất tức giận hành động "vô nhân đạo" mà phía tàu Trung Quốc đã gây nên.
Những thanh gỗ trên cabin bị gãy do tàu Trung Quốc tông. |
Chúng tôi đến làng chài Tân Lập xã Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi vừa đúng lúc tất cả các ngư dân đi trên chiếc tàu QNg 90917 TS vừa bị Trung Quốc tông đang họp lại, bàn tính cách tu sửa lại tàu vừa bị hư hại do tàu Trung Quốc tông, các anh em thuyền viên cũng tự động viên nhau tiếp tục vươn khơi bám biển.
Những giây phút kinh hoàng
Trò chuyện với ngư dân chúng tôi được biết, tàu cá QNg 90917 xuất bến Sa Cần (Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) ngày 30-4, trên tàu có 15 ngư dân thẳng tiến vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để đánh bắt cá. Sau 19 ngày, đánh bắt được hơn 8 tấn cá, tàu bèn quay mũi chạy về hướng đất liền.
Đến khoảng 13h ngày 20-5, đã vào được khoảng nửa đường thì gặp 4 tàu Trung Quốc, trong đó có cả tàu trang bị súng đuổi theo, ép sát tàu cá QNg 90917, ngăn cản không cho chạy về hướng đất liền. Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, chúng mới bỏ đi.
Đến 17h15 chiều 20-5, khi tàu cá QNg 90917 chạy về đến tọa độ 15 độ 21 phút vĩ bắc, 111 độ 18 phút kinh đông, trên vùng biển Việt Nam, thì xuất hiện 2 tàu, trong đó 1 tàu có súng và 1 tàu sắt sơn màu cam, ập đến.
Chủ phương tiện Trần Văn Quang kể: “Sau một lúc đuổi theo, tàu sắt màu cam từ phía sau tông thẳng vào mạn phải tàu mình, làm bể be tàu và gãy một mũi neo bằng sắt ghim luôn vào mạn tàu. Rồi tàu sắt lại tông lần nữa vào phía phải cabin, làm gãy thêm những thanh be tàu mình. Sau đó, tàu mình dừng hẳn lại, anh em bất chấp tính mạng, chạy ra khoang giơ tay lên trời la to, nhưng nó vẫn không tha, lấy đà tông tiếp một phát nữa và phía sau lái bên mạng phải, làm gãy luôn 4 cây trụ đà."
Kể về giây phút kinh hoàng đó, thuyền trưởng Trần Văn Trung nói: "Tàu nó to gấp ba lần tàu mình nên khi nó tông làm tàu mình chao đảo, nghiêng ngã. Có lúc, tàu sắp lật úp nhưng nhờ anh em thuyền viên nhanh tay bơm nước ra ngoài và chuẩn bị 2 thúng với tất cả các áo phao, chực chờ đối mặt với sóng nước. Tôi cố gắng ghì chặt tay lái, tìm cách né cho nhẹ bớt đòn, anh em thì ai cũng ôm chặt lấy các trụ tàu, nếu không cũng bị hất văng xuống biển mất mạng”.
"Lúc đó tôi nghĩ chắc mình sẽ bỏ mạng ở đây rồi, vì chúng cố tình truy sát làm cho tàu mình chìm. Trên tàu lúc đó anh em ai cũng rơi nước mắt và rất hoảng loạn. Mình vay tiền Nhà nước để góp vào đóng tàu đi đánh bắt cá nhưng bị chết đi thì không biết vợ con mình phải sống ra sao, tìm tiền đâu để trả nợ ", ngư dân Lê Tân 35 tuổi nói.
Thuyền trưởng Trung tiếp lời: “Sau lần tông thứ 3, biết nó cố sát nên tôi nghiến răng kéo hết ga cho tàu chạy thẳng về phía đất liền. Chúng đuổi theo một lúc nữa rồi mới bỏ đi. Chúng tôi dừng tàu, kiểm tra hư hỏng, bịt các chỗ nứt, bể bị nước biển chảy vào, rồi sau đó về nhà, đến 21h ngày 21-5 thì đến cảng Sa Cần.
Khó lại càng thêm khó
Tất cả các ngư dân tàu thoát nạn trở về đất liền, nhưng ai nấy đều buồn thiu vì chuyến biển vô cùng kinh hãi và thất thu nặng. Chủ tàu Trần Văn Quang cho biết, tàu QNg 90917 mới được mua về từ đầu năm nay, giá 2 tỷ đồng, thì ông vay Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Dung Quất hết 700 triệu, còn lại là 9 anh em bạn cùng đóng góp tiền vào tu sửa lại đàng hoàng để vươn khơi.
Ngư dân Trần Minh Kháng chỉ vào thanh tàu bị vỡ do bị tàu Trung Quốc tông. |
Nhưng mới đi biển được 2 chuyến, do biển vắng, cá mất giá, nên chỉ đủ phí tổn. Đến chuyến thứ 3 thì gặp nạn, cá đem về rớt 2 giá vì bị ươn, lại phát sinh thêm tiền dầu do phải chạy, phải đi đường vòng về nhà.
Rồi tàu bị đâm nứt, bể, gãy mạn tàu, cabin…, thiệt hại khoảng hơn 150 triệu. Nay lấy đâu ra số tiền đó để sửa chữa lại tàu tiếp tục vươn khơi. Trong khi nợ vay lần trước chưa trả được mấy đồng. Chủ tàu Quang nói, "Biết làm sao, chắc tôi phải chạy vạy đi vay mượn tiền của bạn bè và người thân để tu sửa lại tàu, tiếp tục đi đánh bắt cá."
Thuyền trưởng Trần Văn Trung (45 tuổi) tỏ ra rất tức giận, không thể nào chấp nhận được hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân. Anh nói: Ngư dân chúng tôi đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ bao đời nay nhưng cớ gì Trung Quốc lại ra lệnh cấm rất phi lý, rồi lại tông tàu cố tình sát hại ngư dân. Ngư dân chúng tôi mong sao Nhà nước có những biện pháp thiết thực để bảo vệ ngư dân."
Thành tàu bị vỡ. |
Ông Phan Đình Lên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua, có đến 5 trường hợp tàu cá của địa phương đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc, trong đó có cả tàu hải quân có trang bị vũ khí ngăn cản, có hành vi gây thiệt hại tài sản.
Đặc biệt, có trường hợp tàu cá QNg 55535 của ông Trần Tư cùng 8 ngư dân bị tàu Trung Quốc đuổi theo, dùng pháo sáng bắn cháy cabin, kính tàu ngày 6-2. Chính quyền và người dân ở đây cực kỳ căm tức hành động "vô nhân đạo" mà phía Trung Quốc gây ra.
Theo Giáo Dục Việt Nam