Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trả lời phần chất vấn trước Quốc hội (ngày 13-6) đề cập 3 nội dung chính, trong đó nêu giải pháp khắc phục nạn “chặt chém” khách du lịch.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, từ kỳ họp thứ 2 đến nay, ngành VHTTDL đã nhận được 95 ý kiến của cử tri, trong đó giải quyết được 63 kiến nghị, số còn lại đang triển khai. Với các kiến nghị của ĐBQH, Bộ đã trả lời khá đầy đủ.
Trả lời vấn đề ĐB Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh), Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) về giải pháp khắc phục nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách ở một số điểm du lịch và giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, điều này có nguyên nhân từ việc phối hợp liên ngành chưa tốt, việc kiểm tra giám sát những điểm có nguy cơ chưa cao, hình thức xử phạt còn thấp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng hiện tượng này không phải là nhiều. Người đứng đầu ngành VHTTDL bày tỏ hoan nghênh một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt để xử lý vấn nạn này. Chẳng hạn, tỉnh Thanh Hóa lập đường dây nóng và tổ thường trực tiếp nhận phản ánh của khách hàng để có thể xử lý ngay sự việc xảy ra.
Về giải pháp đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có qua chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Du lịch hiện nay đóng góp 6% GDP, giải quyết được việc làm cho 1,4 triệu người. Tại nhiều địa phương, du lịch trở thành ngành mũi nhọn như Nha Trang (mỗi ngày có khoảng 5.000 du khách nước ngoài lưu trú). Tuy vậy, ông Hoàng Tuấn Anh cũng thừa nhận du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lớn của đất nước và còn bị các nước trong khu vực “bỏ xa”.
Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh câu hỏi “Liệu đến 2020, du lịch Việt Nam có phát triển tương xứng với tiềm năng hay không?”, Bộ trưởng cho biết đến năm 2015, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến 2020 phấn đấu thu hút hơn 10 triệu khách quốc tế, thu khoảng 18-20 tỷ USD.
Du lịch có tiềm năng lớn nhưng để biến thành hiện thức cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến nạn “chặt chém” du khách, ĐB Nguyễn Hoài Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về quan điểm nên thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết nhiều nước trong khu vực đã có lực lượng cảnh sát du lịch. Bộ VHTTDL cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhưng đây là vấn đề lớn nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong lúc chưa có lực lượng này, ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của lực lượng cảnh sát trật tự để du lịch môi trường du lịch tốt hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị áp dụng camera tại các điểm du lịch trọng điểm, nơi có nguy cơ du khách bị “chặt chém”, bị chèo kéo để giám sát và xử phạt nghiêm hơn. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đang soạn thảo một nghị định về xử phạt đối với lĩnh vực này một cách nghiêm minh, chặt chẽ với mức phạt cao để đủ sức răn đe những người vi phạm.
Trước chất vấn của ĐB Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) về tiến trình lựa chọn quốc phục, quốc hoa, đại sứ du lịch hiện nay như thế nào, Bộ trưởng cho hay việc lựa chọn vẫn đang được tiến hành. Đại sứ du lịch sẽ công bố chính thức vào tháng 10 tới.
Trả lời chất vấn của ĐB Phạm Thị Hải trong lĩnh vực văn hóa (về văn hóa lai căng, chương trình nghệ thuật biểu diễn liên quan đến việc ca sỹ, nghệ sỹ, người mẫu ăn mặc phản cảm…), Bộ trưởng cho hay cơ quan chức năng đã tịch thu và tiêu hủy nhiều băng đĩa đồi trụy, phim ảnh bạo lực, hủy cuộc thi Hoa hậu Biển ở Nha Trang. Thời gian tới sẽ tăng cường quản lý như cấp phép biểu diễn phải xét kỹ hồ sơ hơn về nội dung chương trình, năng lực của đơn vị tổ chức, an ninh trật tự có bảo đảm, nghệ sỹ có ăn mặc phản cảm hay không... Tới đây có quy định nghệ sỹ vi phạm sẽ đình chỉ biểu diễn hoặc cấm biểu diễn từ 3-6 tháng.
Cũng trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng trả lời về một số giải pháp cần thiết xây dựng nền văn hóa tiến tiến, nâng cao đạo đức văn hóa xã hội, nâng cao quản lý nhà nước với lễ hội.
Chinhphu.vn