.

Hồ Chí Minh với sự hình thành báo chí cách mạng Việt Nam

.

Hơn ai hết, trong buổi bình minh của cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ý thức rất đầy đủ về sức mạnh của báo chí và dư luận xã hội trong đấu tranh cách mạng. Nó không chỉ là phương tiện giao lưu tư tưởng, mở đường cho văn hóa phát triển mà còn là vũ khí, công cụ đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng dân tộc trên mặt trận tư tưởng.

 Trụ sở đầu tiên của báo Người cùng khổ ở số nhà 16, phố J. Calo, Paris. 			(Ảnh tư liệu)
Trụ sở đầu tiên của báo Người cùng khổ ở số nhà 16, phố J. Calo, Paris. (Ảnh tư liệu)

Trong bối cảnh đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức và trước yêu cầu lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân buổi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, bước mở đầu của cuộc tìm đường là sự trang bị một bản lĩnh văn hóa, để có được soi sáng về nhận thức và lý luận. Ở những nước bị chìm đắm quá sâu vào đêm trường phong kiến như ở phương Đông, cuộc tìm đường bắt đầu từ sự khai sáng để nâng cao dân trí. Sứ mệnh ấy được giao cho người trí thức. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của chúng ta phải đảm nhận cả hai trọng trách ngay từ bản thân mình, phải thực hiện cùng lúc hai quá trình trí thức hóa cách mạng và cách mạng hóa trí thức.

Người đã từng nói rằng, mình đã học ở L. Tolstoi cách viết văn và việc vận dụng cách viết của L. Tolstoi đã đem lại thành công đầu tiên ở truyện ngắn Pa-ri được đăng báo, khiến Người rất vui (1, tr.41). Người vào nghề viết đầu tiên là viết báo. Bài báo đầu tiên là bản yêu sách 8 điểm Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam ký tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Versailles (ngày18-6-1919). Cũng từ đây, cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi tiếng trước công luận (trước đó, trên bước đường đi tìm đường cứu nước, Người cũng đã từng viết Đơn gửi Tổng thống Pháp đề ngày 15-9-1911, trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa, hoặc Thơ gửi cụ Phan Châu Trinh năm 1914 (2, tr.12) nhưng những tác phẩm này sau đó mới được in báo), vang dội ở Đại hội Đảng Xã hội Pháp (Tour) - cũng là nơi thành lập Đảng Cộng sản Pháp và Người trở thành một trong những thành viên sáng lập. Từ đó, liên tục trên các báo tiến bộ, thường xuyên xuất hiện cái tên Nguyễn Ái Quốc ký bên dưới các bài nghị luận chính trị sắc bén. Tháng 7-1921, Người cùng với một số nhà cách mạng các nước lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa và đứng ra chủ trương tờ Người cùng khổ (ba thứ tiếng là Arab, Pháp và Việt) là cơ quan ngôn luận của Hội. Nhà báo cách mạng đầu tiên Nguyễn Ái Quốc không dừng lại ở tờ báo chung cho các dân tộc thuộc địa mà còn chủ trương thành lập một tờ báo tiếng Việt xuất bản tại Paris để lưu hành trong bảy vạn dân Việt đang sinh sống tại đó và tìm cách đưa về nước, lấy tên là Việt Nam hồn (1923), nhưng việc làm này không thành công vì Người bận quá nhiều công việc. Tất cả những công việc đó là bước chuẩn bị về tư tưởng có tính cấp thiết cho cách mạng.

Hành động và ý thức về vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh tư tưởng của Hồ Chí Minh trong thời gian này gần giống K.Marx và Engels, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Marx đứng ra thành lập tờ Nhật báo tỉnh Ranh mới: “Xác định bản chất của báo chí, vai trò và khả năng của báo chí trong đời sống xã hội, Marx và Engels đề ra và vận dụng những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho lý luận báo chí vô sản, đã thể hiện những quan điểm của những người cộng sản đầu tiên về vai trò, vị trí, nhiệm vụ và ý nghĩa của báo chí trong việc giáo dục và động viên quần chúng, trong việc chuẩn bị và hướng dẫn đấu tranh cách mạng. Thực tế hoạt động báo chí của hai ông thể hiện như những nhà báo và nhà tổ chức thiên tài, Marx và Engels đã sáng lập và tổ chức tờ Nhật báo tỉnh Ranh mới - một hiện tượng mới trong lịch sử báo chí” (3, tr.12). Báo Người cùng khổ với những bài luận chiến sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn có ý nghĩa như vậy. Rene de Pêtre từng xác định tầm bao quát và ý nghĩa thực tiễn của nó: “Trong tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người nông dân ở Việt Nam, ở Algeria, ở Tunisia, ở Congo, người bị áp bức ở quần đảo Antidat hoặc ở “miền Nam già cỗi” của nước Mỹ, đều có một người nhiệt thành bênh vực” (4, tr.523). Cũng thời gian đó, Người viết cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp cùng với nhiều bài báo, truyện ngắn, ký, phóng sự, nhàn đàm, tùy bút, tản văn “lên án một cách toàn diện chủ nghĩa thực dân Pháp, vạch ra con đường cách mạng đúng đắn cho các dân tộc bị áp bức, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx - Lê-nin” (5, tr.313).

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt tay vào chuẩn bị khẩn trương công tác chính trị, tư tưởng, tích cực đẩy mạnh cho việc thành lập một chính đảng cách mạng. Năm 1925, Người mở lớp huấn luyện cán bộ thanh niên Việt Nam và chọn ra những thanh niên ưu tú để lập tổ chức Hội Thanh niên cách mạng đồng chí và lập ra tờ Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, có tác dụng rất lớn về mặt tư tưởng, đồng thời cũng là cuộc tập dượt về mặt tổ chức của phong trào cách mạng có tính chất thăm dò đầu tiên. Giới báo chí, người làm báo Việt Nam có thể tự hào về người khai sinh ra báo chí cách mạng và có thể rút ra bài học quý báu, trong đó Người triệt để huy động ưu thế văn học để cho ra đời những trang văn đầy sức mạnh của hình ảnh và sự truyền cảm của hình tượng.

Báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, phát hành trong những năm 1922 đến 1924, từ Paris kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng.		(Ảnh tư liệu)
Báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, phát hành trong những năm 1922 đến 1924, từ Paris kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Điều đáng lưu ý là, cũng chính thời điểm này, Người không ngừng có những bài ký chính luận sắc sảo làm lay động Chính phủ Pháp ở tận “chính quốc” và thức tỉnh cả những người “bản xứ” đang bị nô lệ ở đất nước. Những tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp trong nước thời kỳ này như tờ Jeune Annam của Lâm Châu Hiệp, La Cloche Fêleé của Nguyễn An Ninh, Annam của Phan Văn Trường, Ere Nouvelle của Cao Hải Đề… đều có in bài của lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Lịch sử báo chí Việt Nam của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng do Trí Đăng xuất bản 1973 tại Sài Gòn còn ghi lại trường hợp tờ Jeune Annam: “Điều đáng chú ý trong tờ báo này là ngoài những bài do Bộ biên tập viết, với bút hiệu Nam Cương, Nguyễn Trung Quốc, Ông Tiên, Vân Trình, Nguyễn Bật… thỉnh thoảng thấy có vài bài ký Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, trích lại từ tờ Le Paria ở Ba Lê (Paris từng được gọi phổ biến bằng tên Ba Lê) nhan đề Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông, Noi gương Trung Hoa…” (6, tr.166).

Hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh giai đoạn này không chỉ là bước chuẩn bị tư tưởng, tập dượt về tổ chức cho cuộc cách mạng mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với sự hình thành và phát triển của báo chí cách mạng. Trong hành trang tinh thần của Người có những tri thức tự trang bị: tư tưởng, triết học, văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí… Con người mang tên Nguyễn Ái Quốc đã được định hướng cho cuộc đời ngay từ tên gọi. Con người có vốn văn hóa tri thức, văn hóa đạo đức và cả văn hóa thẩm mỹ uyên thâm nhưng không có ý định làm một nhà trí thức, một nhà văn hóa phương Tây vì sự tất yếu của lịch sử buộc Người phải trở thành một nhà cách mạng phương Đông. Và phương Đông trong thời điểm này đang là sản phẩm của chính sách bóc lột và ngu dân, là sự đồng nghĩa với tối tăm và đau khổ. Người ta thường ví những tác phẩm lớn của Người viết cho phương Đông, cho Đông Dương đang đòi hỏi phải được “thức tỉnh” là Đường kách mệnhNhật ký chìm tàu với Nhà nước và cách mạng của Lê-nin; nhưng có lẽ đây là Lê-nin phương Đông, bởi vì tác phẩm của Người mang một hình thức chuyên chở khác, giản dị, phổ cập, dễ hiểu mà chương đầu là nhằm xác định tư cách của người kách mệnh.

Nhìn lại ta có thể nhận ra chân dung nhà văn hóa từ những Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, Nô lệ thức tỉnh đến Di chúc thiêng liêng Người đã viết trong suốt cuộc đời mình. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Biên tập, chỉ tính riêng từ tháng 9-1945 đến 1-6-1969, Người đã có 1.205 bài in trên Báo Nhân Dân. Đó là chưa kể đến bài in ở báo khác. Chưa nói đến thiên tài tổ chức, người đặt nền móng cho báo chí cách mạng, chỉ nói đến tư cách nhà báo biết sử dụng thành thạo mười hai ngoại ngữ, biết vận dụng thích ứng tất cả các thể tài, thể loại và cũng chưa tính đến sự nghiệp văn chương nghệ thuật của Người. Hai định hướng khác nhau (giữa hướng ngoại của một nhà báo và hướng nội của người nghệ sĩ) là một thể thống nhất ở Hồ Chí Minh, tạo nên một bản lĩnh tổng hợp và tầm cao của một danh nhân văn hóa.

PHẠM PHÚ PHONG - HỒ DŨNG


1- Phong Lê, Văn học trên hành trình của thế kỷ XX, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội 1998.

2- Hoàng Minh Nhân-Nguyễn Bá Ngọc, Cẩm nang tra cứu tổng hợp Hồ Chí Minh, NXB Lao động, Hà Nội 2006.

3- Nguyễn Đình Hòa, Sự hình thành và phát triển của lý thuyết báo chí Mác-xít, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội 1997.

4- Nhiều tác giả, Nghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh, NXB KHXH, Hà Nội 1979.

5- Nhiều tác giả, Từ điển văn học, NXB Thế giới, Hà Nội 2004.

6-  Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam, NXB Trí Đăng, Sài Gòn 1973.

;
.
.
.
.
.