Khi ta là vợ chồng, chẳng còn nhiều những nhớ nhung, hờn dỗi, thay vào đó là trăm thứ việc phải lo... Và giữ “lửa” tình yêu lúc này là cả một nghệ thuật để hạnh phúc không tuột khỏi tầm tay.
Đã từ lâu, kể từ ngày cu Bin ra đời, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Lan (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chưa một lần đi chơi cùng nhau. Cứ hết giờ làm, Lan lại lo cơm nước rồi trông cu Bin. Hoàng đi nhậu đến tối mịt mới về rồi lại dán mắt vào ti-vi. Đến giờ khi Bin đã 4 tuổi, nếp quen nên vẫn như vậy. Mấy tháng nay, nhà có Ipad, Lan chưa kịp mừng vì anh ít tụ tập nhậu nhẹt hơn thì lại đau đầu khi chồng quá mê đồ công nghệ này. Hết xem phim rồi đến chơi điện tử, anh chẳng còn thời gian rảnh mà ghé mắt đến vợ con. Bực mình vì góp ý mà anh không thay đổi, Lan giận ôm con về nhà mẹ đẻ. Mẹ nhẹ nhàng bảo: “Cái gì cũng dễ trở thành nếp quen, muốn thay đổi cũng phải từ từ. Không thể làm ầm ĩ là giải quyết được”.
Lan nghe mẹ khuyên, không “chiến tranh lạnh” nữa. Cô quyết tâm giành lại chồng từ tay... Ipad, bắt đầu từ việc nhờ chồng trông con, chơi xếp hình với con. Ban đầu, anh cáo bận nhưng vì Lan phải đi học thêm lớp nấu ăn nên anh đành phải trông con.
Từ ngày được bố chơi cùng, dẫn đi chơi, cu Bin khoái chí lắm, anh Hoàng cũng vui lây và nghĩ “à thì ra chơi với con cũng xả stress nhiều lắm chứ đâu phải chỉ là Ipad”. Rồi những buổi chiếu phim hay ở rạp Lê Độ, Lan mua sẵn vé để ở đầu giường, anh cáo bận vì muốn đi bù khú với bạn bè nhưng vé đã mua rồi nên cả nhà đều phải cùng đi. Lan cũng chăm chút sửa soạn nên ngày càng xinh xắn và đáng yêu hơn. “Gái một con trông mòn con mắt” nên khi sánh đôi cùng Hoàng có rất nhiều ánh mắt nam giới dõi theo cô, ngưỡng mộ. Vì thế, Hoàng chợt đâm… lo dù vẫn tin Lan. Anh cảm thấy lâu nay mình ít chú ý đến vợ, biết đâu… Từ đó, anh quan tâm chăm sóc Lan nhiều hơn, mua hoa tặng vợ nhân các ngày lễ… Và anh đã hiểu, hạnh phúc sẽ dễ mất đi nếu không biết vun đắp, xây dựng.
Còn chị Nguyễn Thu Hà và và anh Lê Hoài Nam (ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) lại rắc rối vì mâu thuẫn với mẹ. Sau thời gian dài yêu nhau, trải qua bao sóng gió vì gia đình hai bên phản đối, cuối cùng Hà và Nam cũng đến được với nhau. Và cô bé Bơ ra đời khiến hạnh phúc của họ ngày càng đậm sâu. Thế nhưng, mọi chuyện cũng bắt đầu từ đây. Không ngày nào Hà và mẹ chồng không đấu khẩu, từ việc ăn uống của bé Bơ cho đến những thói quen sinh hoạt của mỗi người. Mẹ chồng Hà thuộc mẫu người cổ điển, khắt khe nên bắt bẻ từng ly từng tí. Còn Hà thuộc mẫu phụ nữ hiện đại và cô muốn mình nuôi con khoa học hơn là áp dụng những kinh nghiệm xưa cũ của mẹ. Chỉ tội cho Nam, đứng giữa hai người đàn bà mà anh yêu thương nhất nên không biết xử trí thế nào.
Tức nước vỡ bờ, Hà bồng con ra ở riêng và nhất quyết không quay về. Nam đến xin lỗi, năn nỉ, Hà cũng lắc đầu. Rồi mẹ chồng nhớ cháu quá không chịu nổi, đến thăm và nói xa gần để Hà về lại nhà chồng. Dù hả hê khi thấy gia đình chồng phải xuống nước nhưng vì lòng tự ái quá lớn, Hà nói những lời lẽ khó nghe khiến mẹ chồng không đến nữa. Hố sâu ngăn cách lại ngày càng lớn. Bé Bơ vốn quấn bà nên đâm biếng ăn.
Sau những đêm khóc thầm, Hà đã suy nghĩ rất nhiều. Nam cũng ít đến thăm hai mẹ con hơn. Trông anh già đi hẳn và gầy sọp. Anh nói với vợ: “Mẹ dẫu có thế nào thì vẫn là mẹ của anh, đã sinh và nuôi nấng anh. Mẹ có những nếp nghĩ khác mình vì thuộc lớp người trước, làm con thì phải biết chấp nhận. Mẹ cũng chỉ vì thương con thương cháu. Chẳng lẽ em không thể bỏ qua cho mẹ?”. Ôm con vào lòng, Hà tự nhủ, mai mình sẽ về. Cất đi lòng sĩ diện để giữ gìn hạnh phúc thì đâu phải là thiệt thòi, là kẻ thua cuộc.
K.N