.

Lạm phát không còn là mối lo

Sáng nay (27-6), Chính phủ khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 6/2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. Các địa phương tham dự phiên họp qua trực tuyến.

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Trong chương trình phiên họp, Chính phủ thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2013, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP; công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính; tình hình xây dựng, xử lý vi phạm hành chính; tái cấu trúc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy; Việc không thế chấp đối với các dự án mua máy bay của Vietnam Airlines; Luật Hải quan (sửa đổi).

Tăng trưởng GDP quý II đạt 5%

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh khẳng định: Diễn biến chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.

Nhìn lại tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Các cấp, các ngành trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Qua đó, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.

Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP quý II lên 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi và có những chuyển biến đáng kể, tuy còn nhiều khó khăn. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; hoạt động nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư và sản xuất kinh doanh cải thiện đáng kể; tỷ lệ nhập siêu thấp. Vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững;…

Đạt được kết quả nêu trên chủ yếu do các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái,... Nguồn cung lương thực dồi dào.

Bên cạnh đó, là do mặt bằng giá thế giới giảm, mặt khác, tổng cầu thấp, sức mua yếu trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc... cũng gây áp lực giảm giá trong nước.

Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn có những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách và các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng, như: điện, xăng dầu, phân bón,... và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Tăng trưởng tín dụng được cải thiện

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện cắt giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng huy động vốn và cho vay từng bước được cải thiện, thanh khoản của toàn hệ thống khá ổn định, tốc độ tăng trưởng tín dụng sau khi giảm trong tháng 1-2013 đã tăng trở lại từ tháng 2-2013 đến nay.

Việc Công ty quản lý tài sản (VAMC) được thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới sẽ hỗ trợ giải quyết nợ xấu, tạo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng đẩy nhanh lưu chuyển dòng vốn của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, NHNN tiếp tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ góp phần tăng quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước đáp ứng nhu cầu ngoại tệ 12 tuần nhập khẩu; kinh doanh vàng đang dần đi vào hoạt động ổn định hơn so với trước.

Tuy nhiên, nhìn nhận chung, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm.

Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu NSNN không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

VOV Online

 

;
.
.
.
.
.