LTS: “Thường trực HĐND thành phố mong nhận được thêm thông tin từ cử tri về người được lấy phiếu tín nhiệm (PTN) lần này để kết quả lấy PTN đạt được yêu cầu: Công tâm, khách quan, chính xác, phát huy hết trách nhiệm của đại biểu HĐND”. Ông HUỲNH NGHĨA (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khẳng định khi trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Đà Nẵng về việc tại kỳ họp thứ 7 này, HĐND thành phố sẽ tiến hành lấy PTN các chức danh lãnh đạo do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
* Thưa ông, thành phố đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc lấy PTN đối với các chức danh lãnh đạo do HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp sắp tới?
- Đây là việc thực hiện chủ trương lấy PTN, bỏ PTN đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu theo Quy định số 165-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 của Quốc hội và Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH ngày 16-1-2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Triển khai thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Thành ủy đã có chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể các cấp của thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chủ trương này. Thường trực HĐND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chủ trương này. Việc tổ chức lấy PTN được tổ chức tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố và tại kỳ họp 6 tháng đầu năm (năm thứ hai trong nhiệm kỳ) HĐND 11 xã thuộc huyện Hòa Vang. Việc lấy PTN ở 3 mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Kết quả sẽ được công khai đến cử tri qua phương tiện thông tin báo chí.
Mục đích của việc lấy PTN lần này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố. Qua đó, giúp người được lấy PTN thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu rèn luyện, khắc phục những hạn chế của mình. Kết quả lấy PTN cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, đào tạo, sử dụng cán bộ.
* Thưa ông, đại biểu HĐND sẽ được cung cấp thông tin từ các kênh nào để khi quyết định bỏ phiếu bảo đảm nguyên tắc công tâm, khách quan, chính xác?
- Theo quy định, những người được lấy PTN phải có báo cáo bằng văn bản về thực hiện các nội dung quy định trong năm trước đó và gửi đến tất cả các đại biểu HĐND. Kênh thông tin thứ hai là báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy PTN (nếu có). Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố rất mong cử tri đóng góp thêm thông tin liên quan đến người được lấy PTN. Thường trực HĐND thành phố sẽ tiếp nhận thông tin qua số điện thoại đường dây nóng: 05113. 888 888, hoặc thông qua tiếp dân tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố tại số 44 Bạch Đằng. Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, tôi đã đề nghị cử tri hãy gửi thông tin cho chúng tôi để cùng thực hiện vai trò giám sát của HĐND. Thông tin sẽ được xác minh, thẩm định phục vụ cho việc lấy PTN. Người được lấy PTN có quyền giải trình về ý kiến, kiến nghị của cử tri trước khi lấy PTN.
Đối với đại biểu HĐND, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố đã có hướng dẫn căn cứ đánh giá tập trung vào hai vấn đề: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất đạo đức, lối sống. Khi đánh giá yêu cầu phải đánh giá cả một quá trình công tác của người đảm nhận chức danh do HĐND bầu. Vì thế, đại biểu HĐND cần cân nhắc, thận trọng, khách quan, phát huy hết trách nhiệm của mình trong từng lá phiếu. Bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan, minh bạch. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
* HĐND thành phố sẽ xử lý như thế nào đối với kết quả lấy PTN?
- Sau lấy PTN, đối với người có hơn 2/3 tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực HĐND thành phố chủ trì phối hợp cùng cơ quan tham mưu về công tác cán bộ chuẩn bị các điều kiện và nhân sự báo cáo cấp có thẩm quyền để trình HĐND thành phố bỏ PTN chậm nhất sau kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó có đơn từ chức và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. HĐND thành phố sẽ tiếp tục giám sát quá trình này.
Mục tiêu lấy PTN là để người được lấy PTN nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế của mình để có hướng khắc phục, phấn đấu vươn lên chứ không phải để “hạ bệ” ai.
* Thưa ông, chỉ có 6 người đứng đầu sở, ngành là ủy viên UBND thành phố phải chịu hình thức giám sát của HĐND thành phố bằng lấy PTN, còn nhiều người đứng đầu sở, ngành khác thuộc UBND thành phố không phải chịu hình thức giám sát này. Như vậy có thiếu công bằng không?
- Những người đứng đầu sở, ngành không phải là ủy viên UBND thành phố vẫn phải chịu sự giám sát của HĐND thành phố bằng hình thức chất vấn tại kỳ họp. Mặt khác, HĐND thành phố giám sát bằng việc đưa vào nghị quyết kỳ họp của HĐND thành phố thời hạn xử lý, giải quyết vấn đề dư luận quan tâm, cử tri bức xúc như các vị này đã hứa. Đây là hình thức giám sát có hiệu lực, hiệu quả mà HĐND thành phố vẫn duy trì. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 651/2013/UBTVQH13 ngày 16-1-2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại khoản 4, Điều 2: Việc đánh giá tín nhiệm trong việc đảm nhiệm các chức vụ khác không do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện theo quy định tại văn bản khác của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
HĐND thành phố sẽ lấy PTN, bỏ PTN đối với những người giữ chức vụ sau: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực và Trưởng các Ban của HĐND: Pháp chế, Kinh tế-Ngân sách, Văn hóa-Xã hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên UBND thành phố. HĐND xã lấy PTN, bỏ PTN đối với những người giữ chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên UBND xã. |
SƠN TRUNG thực hiện