Sáng 5-6, phát biểu tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ tháng 2-2012 đến nay có quá nhiều thay đổi và còn nhiều hạn chế.
Trong đó có hai hạn chế mang tính phổ biến là tiến độ trình dự án luật còn chậm và chất lượng chuẩn bị các dự án luật chưa tốt, cho nên phải rút khỏi chương trình hoặc điều chỉnh thời gian trình đối với nhiều dự án luật.
Cụ thể năm 2012 bổ sung, điều chỉnh 8 dự án luật, năm 2013 dự kiến lên đến 13 dự án luật. Như vậy, nguyên nhân của hai hạn chế nói trên có thể khẳng định là không mới và hầu hết là các nguyên nhân chủ quan. Qua khoảng cách giữa chương trình và thực tế thực hiện cho thấy rõ nhất vẫn là khả năng soạn thảo của các cơ quan soạn thảo, dẫn đến tình trạng lấp lỗ trống là thay những dự án luật cần ban hành nhưng chuẩn bị chưa kịp bằng những dự án luật đã có sẵn để trình Quốc hội. Bà Thúy cho rằng không thể chấp nhận tình trạng này mà cần phải kiên quyết khắc phục. Bởi vì nếu điều chỉnh chương trình quá nhiều như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2013 mà còn ảnh hưởng đến chương trình của cả nhiệm kỳ.
ĐB đề nghị Quốc hội cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc hơn việc thực hiện nghị quyết của mình. Trường hợp dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không bảo đảm chất lượng thì không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội. Đồng thời phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình và cơ quan soạn thảo có dự án luật, pháp lệnh không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng. Trưởng ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm về chất lượng và tiến độ của dự án luật. ĐB đề nghị Quốc hội phải có cơ chế bảo đảm thực hiện trên thực tế các quyết nghị trong nghị quyết của mình.
Theo ĐB, hầu hết các dự án luật trình Quốc hội đều do Chính phủ soạn thảo. Do đó, muốn bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng dự án luật, pháp lệnh thì trước hết phải tăng cường trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp ngay từ khâu xây dựng chương trình và khi Quốc hội đã thông qua nghị quyết phải cố gắng với quyết tâm cao để triển khai thực hiện, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do khách quan mới điều chỉnh và việc điều chỉnh đó phải tuân theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. ĐB tán thành với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đưa kết quả xây dựng pháp luật là một trong những căn cứ cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã được giao chuẩn bị soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.
Về điều chỉnh chương trình năm 2013, ĐB cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc điều chỉnh là cần thiết để xử lý các vấn đề xã hội phát sinh. ĐB đặc biệt tán thành cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiếp thu vẫn giữ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7. Bởi vì đây là vấn đề rất bức xúc và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Hơn nữa lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2014 nhưng đến nay còn đến 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế dưới 60%; 5 tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế dưới 50% và số hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế cũng chỉ mới đạt 25%.
HỮU HOA