Mới vào mùa hè 2013 nhưng trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 200 trường hợp trẻ em chết đuối rất thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn trẻ em nghịch ngợm, thêm vào đó là sự thờ ơ, thiếu quan tâm của gia đình, cộng đồng xã hội.
Các em nhỏ nô đùa trên một con suối ở địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). |
Nhiều vụ việc đau lòng
Ngày 30-4, sau khi được nghỉ học, một tốp 8 học sinh THCS ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) rủ nhau ra sông Lam tắm. 5 em bị đuối nước, lúc này em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7 Trường THPT Đô Lương 1) đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội lao mình xuống sông cứu người. Sau khi đưa được 5 em nhỏ lên bờ, em Nam kiệt sức và bị dòng nước nhấn chìm. Tiếp đó, trong tháng 5, tại địa bàn các tỉnh, thành như: Đắc Lắc, Quảng Bình, Hà Nội, Quảng Trị, Nghệ An… cũng xảy ra hàng loạt vụ học sinh bị đuối nước do tắm sông, ao hồ, cướp đi sinh mạng hơn 10 em nhỏ.
Còn nhớ, hồi năm 2009, tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cũng xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 học sinh chết đuối. Người dân thôn An Trạch kể lại, hồi ấy ba em nhỏ trú cùng thôn An Trạch gồm: N.Q.V (15 tuổi), Đ.N.T (17 tuổi) và Đ.V.Th (12 tuổi) rủ nhau đi câu cá tại đập dâng An Trạch. Trong quá trình câu cá, do bất cẩn nên V. bị trượt chân rơi xuống hồ xả nước. Thấy bạn bị nạn, T. liền nhảy xuống hồ cứu V. Trong lúc ấy, em Th. chạy vào thôn kêu người ra cứu giúp. Thế nhưng, khi mọi người ra đến nơi, cả hai em V. và T. đã bị chết đuối.
Trong những ngày hè nắng nóng này, học sinh tắm biển, tắm sông, suối khá nhiều, nên nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước luôn tiềm ẩn khá cao. Tại địa bàn Đà Nẵng, nhất là khu vực huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, tình trạng trẻ em tắm sông, tắm suối diễn ra khá nhiều, nên nguy cơ đuối nước luôn rình rập. Trong những ngày đầu tháng 6 này, ở khu vực sông Cầu Trắng và các con suối ở chân núi Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), ngày nào cũng có hàng chục em nhỏ nô đùa, tắm sông giữa trưa. Chị Bảy - người dân sống trong khu vực này - cho biết: “Thấy các em đùa nghịch nguy hiểm, nhiều lần tôi đã nhắc nhở nhưng các em vẫn không nghe, cứ mải miết chơi đùa”.
Tăng cường cảnh giác, phòng ngừa
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bởi lẽ, nhiều em không được trang bị kỹ năng bơi lội, thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình và xã hội.
Chị H. (trú thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có con học tại Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, cứ đến mùa hè là hai vợ chồng chị lo ngay ngáy vì không biết quản lý con cái thế nào. Cả ngày hai vợ chồng lo làm ăn, nên chỉ biết nhắc nhở con không đi câu cá, tắm sông, tắm ao để phòng tránh đuối nước mà thôi. “Nếu các cháu nhỏ được nhà trường tổ chức cho học bơi để có kỹ năng phòng ngừa đuối nước thì phụ huynh không lo sợ”, chị H. nói.
Theo một lãnh đạo Trường tiểu học Hòa Bắc, hiện nay nhà trường chưa có bể bơi, nên không thể tổ chức việc dạy bơi. Trong khi đó, trên địa bàn xã có nhiều sông, suối, ao hồ nên rất nguy hiểm. Và để phòng ngừa tai nạn đuối nước có thể xảy ra, nhà trường nhắc nhở phụ huynh học sinh quan tâm, hạn chế cho các em tắm sông, suối.
Những năm qua, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trường ĐH Y tế Công cộng Hà Nội tổ chức giảng dạy chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh tiểu học (đây là Dự án an toàn Đà Nẵng do Tổ chức TASC Hoa Kỳ tài trợ). Từ khi triển khai chương trình đến nay, hằng năm ngành GD-ĐT tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học, cũng như bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giảng dạy về bơi lội, phòng chống tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho hay, trong dịp hè năm học 2012-2013, các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục dạy bơi cho hơn 6.300 học sinh tiểu học tại 11 bể bơi, trang bị kỹ năng bơi lội cho các em nhỏ, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn đuối nước có thể xảy ra đối với các em.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH