Sáng nay (3-6), Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận tiếp tục diễn ra hết ngày mai 4-6 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Đồng ý không đổi tên nước
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng nay, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý giữ tên nước như hiện hành. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí giữ nguyên tên nước, vì đã sử dụng ổn định suốt mấy chục năm qua, đã được ghi trong Hiến pháp. Thay đổi trong bối cảnh hiện nay sẽ phát huy những hệ lụy cũng như tốn kém không cần thiết. Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) cùng quan điểm khi cho rằng, “đổi tên nước hay không còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ở Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến nhân dân thì chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Khi phỏng vấn họ, họ cũng chỉ muốn trở về tên nước ngày đầu độc lập, ngoài ra không có ý nguyện nào khác”, đại biểu Trần Văn Tư cho biết. Tên nước của chúng ta hiện nay là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 37 năm qua, tên nước vẫn bảo đảm theo đường hướng của Đảng, bảo đảm chế độ dân chủ của nhân dân. Đó là chưa kể, nếu đổi tên nước trong bối cảnh hiện nay thì cái không được nhiều hơn cái được, gây xáo trộn không cần thiết.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng cũng nhận định, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, đòi hỏi phải tiết kiệm, việc thay đổi tên nước dẫn đến những thay đổi như quốc huy, quốc hiệu gây tốn kém, chưa kể thời điểm hiện nay được đại biểu đánh giá là không thuận lợi, dễ dẫn đến những hệ quả không có lợi.
Trong khi đó, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ cho rằng, tên nước là vấn đề thiêng liêng, liên quan tới nhiều vấn đề, từ chế độ chính trị, kinh tế - xã hội cho tới định hướng cách mạng, phương hướng phát triển của đất nước, dân tộc. Nó còn liên quan tới bản chất, phương thức hoạt động của Nhà nước, tư tưởng, tâm lý của người dân và nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế.
Ông Kỳ nói, ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước là không phù hợp. Tên gọi Việt Nam DCCH phù hợp với giai đoạn cách mạng trước 1976. Thể chế DCCH vận động trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên CNXH. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm làm tròn nhiệm vụ lịch sử và phát triển triển theo logic bởi thế chế mới là CNXH.
Đại biểu này khẳng định, quốc hiệu hiện nay phù hợp với nền chính trị hiện tại và mục tiêu định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Việc giữ tên nước sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và đảm bảo ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội.
Trước đó, theo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội thứ 5, có 81 ý kiến tại 19 tổ tán thành với tên nước như dự thảo. Chỉ có 3 ý kiến ở 3 tổ đề nghị đổi tên nước thành “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. 3 ý kiến này cũng đề nghị đưa 2 phương án về tên nước như trong bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các đại biểu Quốc hội quyết định. Ngoài ra, có 1 ý kiến đề nghị nghiên cứu để có một tên nước đi vào lòng bạn bè trên thế giới.
Giữ Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ Điều 4 như trong dự thảo sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu), đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) tán thành giữ Điều 4 như dự thảo để khẳng định tính tất yếu khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ), đại biểu Ya Duck (Lâm Đồng), đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận... đều đồng ý giữ Điều 4. Đại biểu Ya Duck cho rằng Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lòng dân. Còn theo đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), thực tiễn lịch sử đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội, với các nhiệm vụ lịch sử. “Tuy nhiên, cần chỉnh lý, sửa đổi theo hướng Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đề nghị thêm từ duy nhất”, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ nói.
Theo SGGP/Vietnamnet