Ngày 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).
Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), các đại biểu (ĐB) cho rằng, dự án luật lần này đã khắc phục được khá nhiều hạn chế của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xác định rõ hơn các hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt các hành vi gây lãng phí, các cơ chế phát hiện điều tra thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chi. Song, các ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phạm Văn Hổ (Phú Yên), Thân Đức Nam (Đà Nẵng)... cho rằng một số điều khoản trong dự thảo luật còn chung chung, chồng chéo, tính khả thi chưa sát với thực tế.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng), phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm hành vi tiết kiệm và chống lãng phí nhưng phạm vi áp dụng quá rộng. Vì vậy, dự án luật này tác động đến nhiều đạo luật khác như Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công, Luật Tài nguyên khoáng sản, Luật Tiết kiệm năng lượng... nhưng trong dự thảo luật này không có những biện pháp, chế tài bổ sung cho các luật hiện hành nên đã hạn chế tác dụng thực tế.
ĐB Thân Đức Nam cho rằng, nội dung chính của dự thảo luật được quy định từ Điều 12 đến Điều 59 nhưng hầu hết các điều, khoản này chỉ mang tính bổ sung cho các điều luật khác liên quan, không đưa ra biện pháp, chế tài cụ thể nào, thậm chí chỉ quy định chung chung. Chẳng hạn, tại kỳ họp này, Quốc hội đưa ra thảo luận quyết toán ngân sách 2011 có nhiều địa phương, nhiều ngành vi phạm hàng nghìn tỷ đồng nhưng không được xuất toán. Vì vậy, để bảo đảm kỷ cương, ĐB Thân Đức Nam đề nghị cần bổ sung điều, khoản quy định về biện pháp chế tài xuất toán đối với những ngành, địa phương vi phạm quy định; đồng thời cần quy định trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu.
ĐB Thân Đức Nam nhận định: Ngoài việc lãng phí tiền bạc, tài nguyên thì việc lãng phí thời gian cũng không kém nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc. Ví dụ, trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình có thể thi công 3 ca để rút ngắn thời gian, mang lại hiệu quả nhưng trong quy chế đấu thầu không xem đây là điều kiện quan trọng, do quá chú trọng đến yếu tố giá cả nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thời gian thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí. Trong lĩnh vực hành chính Nhà nước, tình trạng quan liêu về thủ tục khiến nhiều dự án gác lại, kéo dài thời gian, đây là hình thức khá phổ biến nhưng chưa được quan tâm. Lĩnh vực năng lượng có mức tiêu hao năng lượng cao hơn nhiều so với các nước khu vực, làm sản phẩm kém cạnh tranh. Vấn đề này liên quan đến sự lạc hậu công nghệ, bao cấp giá điện... Vì vậy, để tiết kiệm được năng lượng cần có chính sách khuyến khích đối với công nghệ, điều chỉnh giá điện hợp lý.
ĐB Thân Đức Nam còn cho rằng, về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng của tổ chức, cá nhân quy định tại các Điều 57, 58, 59 còn quá chung chung, mang tính chất kêu gọi mà thiếu biện pháp cụ thể, không phù hợp với tính chất một đạo luật. ĐB đề nghị xem xét lại phạm vi điều chỉnh của luật nên chăng chỉ tập trung vào lĩnh vực sử dụng ngân sách Nhà nước, dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước, mua sắm công, khắc phục những tình trạng lãng phí mà dư luận rất bức xúc hiện nay.
Nhận diện muôn mặt của sự lãng phí, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nhận định tiền bạc của Nhà nước đang lãng phí từng phút, từng giây. “Cơ quan Nhà nước phải khắc phục tình trạng cha chung không ai khóc,” đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Thi đua khen thưởng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần thay đổi tư duy, không nhất thiết cứ Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về khen thưởng thì tất cả dồn hết về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. ĐB đề nghị, phần khen thưởng Nhà nước về huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước nên giao thẩm quyền cho Chủ tịch nước; về phần thi đua, nếu là những danh hiệu thi đua trong phạm vi toàn quốc thì vẫn phải thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước. Còn lại việc khen thưởng nên phân theo nhánh quyền lực: hành chính thì thẩm quyền khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ; lập pháp thì thẩm quyền khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch Quốc hội; cơ quan tư pháp thì thẩm quyền khen thưởng của người đứng đầu ngành Tòa án, Kiểm sát; đối với Đảng, đoàn thể cũng theo hướng khen thưởng theo Điều lệ và quy định của Đảng, đoàn thể. Qua đó cho thấy tính hợp lý của lĩnh vực này trong việc tổ chức, phân công quyền lực và vẫn bảo đảm đặc thù trong hệ thống chính trị của nước ta. Cơ quan nào quản lý cán bộ, công chức có hình thức khen và tặng thưởng thì cơ quan đó được khen thưởng. Mặt khác, khen thưởng liên quan đến ngân sách, cụ thể là thực hiện việc phân bổ ngân sách hằng năm của từng cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng “trên khen, dưới thưởng”, đồng thời qua đó quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo, phân tán, khen thưởng tràn lan.
PHẠM HỮU HOA