Cuộc hành trình về phương Nam của đoàn văn nghệ sĩ Đà Nẵng không có điểm dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh), nhưng bức ảnh “Em bé Napalm” của Nick Út ra đời tại nơi này hơn 40 năm trước, từng gây chấn động thế giới và có sức sống mãnh liệt cho đến ngày nay, đã khiến tôi quyết định rời đoàn tại thành phố Tây Ninh, để theo tuyến quốc lộ 22 về hướng Củ Chi, tìm đến nhà “Em bé Napalm”.
Bức ảnh “Em bé Napalm” của Nick Út. (Ảnh tư liệu) |
Hành trình thú vị
Không thăm quê hương “Em bé Napalm” sao được, bởi bức ảnh ấy là một trong những chân dung cô đọng nhất về cuộc chiến tranh tàn bạo của Mỹ tại Việt Nam, làm thức tỉnh, lay động bao trái tim người yêu hòa bình trên thế giới. Bức ảnh ấy được đăng trên hàng nghìn tờ báo và được nhắc đi nhắc lại vài chục năm sau mỗi khi người ta lần dở lại lịch sử, xem xét và rút ra bài học từ cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
Trên chuyến xe đò từ thành phố Hồ Chí Minh xuôi về Tây Ninh, tôi luôn mường tượng về ngôi làng của “Em bé Napalm” thuở thiếu thời, chắc bây giờ có nhiều đặc biệt lắm. Nhưng không. Khác với sự nổi tiếng của bức ảnh, quê hương “Em bé Napalm” vẫn vốn bình dị như những ngôi làng khác nằm ngay thị trấn Trảng Bàng. Đến đây, hỏi về nhân vật chính trong bức ảnh của Nick Út thì rất ít người biết, nhưng hỏi về gia đình của chị Phan Thị Kim Phúc (ở lúc nhỏ) thì không khó khăn lắm để tìm ra, mặc dù chị đã định cư ở Canada từ lâu.
Nhà ở của “Em bé Napalm” lúc nhỏ bây chừ là quán bánh canh Thanh Tùng, một trong những quán bánh canh nổi tiếng ở ngã tư Trảng Bàng. Xuống xe đò, bác xe ôm đưa tôi đến ngôi nhà này lúc tờ mờ sáng, đúng lúc có người ra mở cửa. Tôi tự giới thiệu về mình và muốn gặp chủ ngôi nhà này. Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được chủ nhà dành cho tôi hơn 10 phút; bởi hôm tôi đến, bà đang ốm, quán đóng cửa; bà mở cửa vì đã đến giờ bà phải đi bốc thuốc. Nhưng vì biết tôi đến từ rất xa nên bà đành phải tiếp tôi. Bà rất chân tình, cởi mở khi nói về gia đình “Em bé Napalm”. Bà tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Râm (1957), là chị dâu của “Em bé Napalm” Kim Phúc. Bà nhìn lên tường, nơi treo bức ảnh của Nick Út và giới thiệu mình là vợ của anh Phan Thành Tâm (nhân vật phía trước trong bức ảnh “Em bé Napalm”) đã mất cách đây gần 7 năm. Bà Râm cho biết, gia đình Kim Phúc có 8 anh, chị em (3 gái, 5 trai), chồng bà là người thứ 6 trong gia đình. Nhân vật phía sau anh Tâm và bên tay phải phía sau chị Kim Phúc là anh Tám Phước, em ruột chị Kim Phúc. Hai người phía sau bên tay trái chị Kim Phúc là hai người em con bà dì của Kim Phúc. Năm 1972, Nick Út chụp “Em bé Napalm” lúc đó Kim Phúc mới 9 tuổi.
Bà Râm nhớ lại, lúc đó Trảng Bàng là thủ phủ của Tây Ninh, đồn bốt lính Mỹ đóng dày đặc. Khi nghe tiếng máy bay ném bom vào làng mình, các anh em nhà Kim Phúc chạy về hướng Củ Chi hy vọng có nơi ẩn núp, nhưng vừa mới rời khỏi nhà không xa thì đã bị trúng bom Napalm.
Tôi tò mò muốn đến ngay tại nơi Nick Út chụp “Em bé Napalm”, nhưng vì sức khỏe, bà Râm không đưa tôi đi được. Bà tận tình hướng dẫn tôi tự tìm đến. Rời gia đình bà Râm, tôi đi bộ khoảng hơn 1 km, xuống cầu Trưởng Chừa. Nơi đây, trong bức hình của Nick Út chụp là một con đường nhựa thấp, hai bên là cánh đồng với nhiều cỏ dại mọc um tùm. Bây giờ, so với bức ảnh ngày trước, nơi đây đã thay đổi rất nhiều, tuyến đường đã được nâng cao hơn trước, có tên gọi quốc lộ 22; hai bên đường nhà cửa mọc san sát, xa xa là cánh đồng lúa nặng trĩu hạt đang đợi đến ngày thu hoạch.
Tác giả bài viết ngay tại vị trí “Em bé Napalm”chạy hơn 40 năm về trước. |
Câu chuyện về Nick Út
Chỉ với một bức hình, phóng viên Nick Út đã đi vào lịch sử với sức mạnh “làm thay đổi cách nhìn về thế giới”. Không những thế, bức hình còn làm thay đổi hoàn toàn số phận những người liên quan, để 40 năm sau, người trong cuộc vẫn không thôi ám ảnh lẫn tự hào... Tháng 9-2012, hãng Leica mời Nick Út sang Đức nhận giải Hall of the Fame, giải thưởng không thường xuyên do hãng đặt ra nhằm vinh danh những nhiếp ảnh gia nổi tiếng còn sống.
Chiếc máy ảnh Leica M2 của Nick Út chụp “Em bé Napalm” được trưng bày tại Viện Bảo tàng Khoa học London (Anh) 10 năm, nay Viện Bảo tàng Báo chí Washington D.C (Mỹ) đang trưng bày. Nhiều bảo tàng muốn mua luôn, nhưng Nick Út muốn sau thời gian cho mượn, sẽ mang sang Việt Nam để triển lãm. Hiện tại, chiếc máy ảnh được ghi dòng chữ “Đây là chiếc máy ảnh đã làm thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới” và đã được mua bảo hiểm 100.000 USD (gần 2,1 tỷ đồng). Hiện các bảo tàng thông báo chiếc Leica đã có hơn 1 triệu người xem tại London và ở Mỹ.
“Em bé Napalm” - Phan Thị Kim Phúc hiện là đại sứ thiện chí của UNESCO. Bà còn là người sáng lập ra Quỹ Kim, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Canada để giúp đỡ những trẻ em nạn nhân chiến tranh. Ngày 23-9-2006, bà được tổ chức YWCA (Mỹ) tôn vinh là 1 trong 6 phụ nữ có những đóng góp tích cực thiết thực nổi bật trong cộng đồng và trao tặng giải thưởng Thành tựu nổi bật hằng năm để ghi nhận các việc làm vì cộng đồng của bà, một nạn nhân của chiến tranh và một người mẹ đặc biệt của những nạn nhân chiến tranh nhỏ tuổi khác.
ĐẶNG VĂN NỞ