(ĐNĐT) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn hàng chục khu nhà tập thể thuộc sở hữu Nhà nước (gọi tắt là nhà tập thể) xuống cấp nghiêm trọng, đang hằng ngày đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây. Mặc dù chính quyền thành phố đã có chủ trương di dời, giải tỏa, song vấn đề này đang còn gặp nhiều vướng mắc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, trên toàn thành phố có 22 nhà tập thể cũ với khoảng 200 hộ dân sinh sống, tập trung chủ yếu ở 2 quận Hải Châu và Thanh Khê. Theo kết quả kiểm định được Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng thuê một đơn vị độc lập khảo sát (cách đây hơn 2 năm) cho thấy, hầu hết chất lượng các khu nhà tập thể này đều thấp hơn mức trung bình (50%) và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, cần phải cải tạo ngay. Tuy nhiên, đến nay, mới có 4 khu tập thể gồm: số 13 và 38 Nguyễn Chí Thanh, số 59 Lê Duẩn và số 14 Trần Quý Cáp được thu hồi và 4 khu khác đã được tạm sửa chữa.
Nhà tập thể số 37 Yên Bái (80 Hùng Vương cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay. |
Dân sống trong lo lắng
Tìm đến bất kỳ một khu nhà tập thể cũ nào trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nằm ở các tuyến đường nội thị như: Hùng Vương, Yên Bái, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Trần Phú… chúng ta không khó để có thể bắt gặp những hình ảnh nhếch nhác, tình trạng hư hỏng và xuống cấp ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt, đa phần các khu nhà tập thể cũ này đều có chung một điểm là khá chật chội, môi trường sống tối tăm, ẩm thấp.
Bà Lê Thị Tươi (ở nhà 69/104 khu tập thể 69 Trần Phú) cho biết, gia đình bà gồm 5 nhân khẩu, đã sinh sống trong căn hộ 12m2 này 37 năm nay. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng xuống cấp ngày càng nặng hơn khi nhiều lớp bê tông bị bong tróc, tường xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nước thấm qua trần chảy xuống nhà… “Không chỉ riêng gia đình tôi mà các hộ ở khu tập thể này đều sống trong cảnh nơm nớp lo lắng vì sự nguy hiểm luôn rình rập”, bà Tươi nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu tập thể này hiện có 10 hộ sinh sống, song tất cả phải chung nhau 1 nhà vệ sinh, 1 nhà tắm. Tuy nhiên, hiện các công trình này theo thời gian đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Khu vực trụ bê tông phía hành lang tầng 1 có nhiều vết vỡ, nứt kéo dài. Khu vực giáp tường với trần của hầu hết các phòng đều bị nứt, bêtông bong ra, trơ cốt thép bên trong đã hoen rỉ, bờ tường meo mốc.
Bà Tươi lo lắng vì vị trí vết nứt chạy ngang dầm bê tông và những mảng bê tông bị bong ngay trên đầu đang hằng ngày đe dọa sự an toàn của mọi người trong gia đình. |
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở hầu hết các khu nhà tập thể cũ khác khi chúng tôi khảo sát. Dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” một lượt khắp các dãy phòng, ông Đoàn Văn Hạnh, trú số 37 Yên Bái (số 80 Hùng Vương cũ), cho biết khu nhà này có 7 hộ với 26 nhân khẩu sinh sống. Tình trạng xuống cấp xảy ra từ hàng chục năm nay và tất cả các phòng đều bị nước thấm dột, nhất là vào mỗi mùa mưa. Do đó, không chỉ bên trong các phòng mà trần bê tông bên trên lối hành lang, các hộ cũng phải che nilon để nước không chảy xuống nền. Tại các vị trí cầu thang bộ lên xuống các tầng cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều đoạn bê tông bị bong tróc, trơ ra cốt thép đã hoen rỉ bên trong. Nhiều hộ có 2-3 gia đình cùng sinh sống trong điều kiện chật chội, nhà cửa xuống cấp; nhưng cũng có hộ lo sợ nguy cơ mất an toàn nên chẳng dám ở.
Chưa kể, phía ban công và trên sân thượng tòa nhà này đã bị một số cây xanh đâm rễ mọc xuyên qua các vách tường và luồn cả xuống sàn tầng gây nứt tường kéo dài, nứt bêtông, thấm nước xuống hầu hết các phòng. Nhiều mảng tường vôi, bê tông bong tróc vẫn đang có nguy cơ rơi xuống đầu người dân bất cứ khi nào.
Do dân đòi hỏi cao (?!)
Giám đốc Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng Nguyễn Công Lang thừa nhận, các khu tập thể trên địa bàn thành phố hiện đã xuống cấp, hư hỏng nặng và nguy hiểm luôn đe dọa hằng ngày tới cuộc sống của những hộ sinh sống ở đây. Vừa qua, công ty đã họp với các hộ ở các nhà: số 3 và số 5 Nguyễn Thái Học; số 18, 25 và 30 Hùng Vương; số 69 Trần Phú; số 22, 44 Lý Thái Tổ để thông báo chủ trương của UBND thành phố về việc di dời, giải tỏa và bố trí chung cư cho các hộ dân.
Trong số này, riêng khu tập thể 18 Hùng Vương hồi cuối tháng 5 vừa qua, các hộ dân đã thống nhất theo chủ trương của UBND thành phố và cũng đã cung cấp hồ sơ liên quan cho Công ty Quản lý Nhà gửi lên UBND thành phố, để có kế hoạch sắp xếp, bố trí thuê chung cư theo đúng quy định. Dự kiến, các hộ tại đây sẽ di dời tới nơi ở ổn định trong trước mùa mưa năm nay. Còn các khu tập thể còn lại hiện chưa thực hiện được do rất nhiều hộ dân ở các khu tập thể này chưa chịu di dời vì họ cho rằng còn nhiều chế độ chưa thỏa đáng.
Ông Bùi Văn Bốn, Trưởng phòng Quản lý Nhà, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, cho hay, trong cuộc họp, đa số các hộ dân sinh sống trong các khu tập thể xuống cấp đều muốn mỗi hộ phải được bố trí một lô đất tái định cư tại quận trung tâm là quận Hải Châu chứ không muốn vào các khu chung cư. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến việc di dời, giải tỏa gặp khó khăn. Theo phương án này, để đáp ứng yêu cầu của dân thì phải có hàng trăm lô đất, trong khi đó, theo ông Bốn, tại các quận nội thành, nhất là quận Hải Châu, không thể tìm đâu ra quỹ đất nhiều như vậy để bố trí theo yêu cầu của các hộ này.
Từ bên dưới, có thể nhìn lên bầu trời thông qua lỗ thủng trên sàn ban công khu nhà tập thể số 18 Hùng Vương. Ảnh: Trọng Huy |
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, tâm lý chung của các hộ dân là do họ đã quen ở nhà tập thể hàng chục năm nay, lại sống ở khu trung tâm thành phố nên thuận lợi cho việc làm ăn của gia đình cũng như chuyện học hành, khám chữa bệnh… cho con cái. Giờ phải chuyển đi nơi ở mới xa hơn, các dịch vụ công sẽ không thuận tiện bằng nơi cũ, trong khi, họ vẫn sẽ tiếp tục phải chịu cảnh ở nhà thuê.
Hộ ông Trương Văn Sỹ gồm 3 nhân khẩu, hiện sống tại căn phòng khoảng 20m2 ở khu tập thể 22 Lý Thái Tổ (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đã hơn 20 năm nay. Ông cho biết vừa qua, phía Công ty Quản lý Nhà có xuống gặp gỡ và thông báo với ông về việc khu nhà đã xuống cấp và phải di dời đi nơi khác nhưng ông chưa đồng ý.
“Tôi không buôn bán gì, nhưng ở đây thuận tiện vì nằm ở khu trung tâm thành phố, lại gần bệnh viện, trường học… Giờ nghe nói chuyển chỗ khác nhưng cũng vẫn là thuê chung cư mà lại ở xa. Với lại, nếu thành phố thu hồi để xây dựng công trình phúc lợi xã hội thì chúng tôi đồng ý ngay. Nhưng nếu có di dời, chúng tôi vẫn mong muốn thành phố cấp hoặc bán cho chúng tôi một lô đất hoặc một căn nhà cấp 4, kể cả ở quận Sơn Trà cũng được, nhưng phải thuộc quyền sở hữu của chúng tôi”, ông Sỹ bày tỏ.
Còn tại khu nhà tập thể ở số 5 Nguyễn Thái Học, có diện tích gần 60m2, hiện là nơi sinh sống của hộ bà Nguyễn Thị Điệp (81 tuổi) cùng với 10 người con, cháu. Gia đình sống bằng nghề cơ khí gia truyền từ nhiều thế hệ. Bà Điệp cho biết, qua hai lần phải di chuyển theo yêu cầu của thành phố, gia đình bà được bố trí thuê tại căn nhà này từ năm 1991 tới nay. Công việc làm ăn của các con bà ở đây có nhiều thuận lợi nên nếu giờ lại phải di dời lần nữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống cũng như công việc mưu sinh của cả gia đình.
Cũng mong muốn như trên, ông Đoàn Văn Hạnh (khu tập thể 80 Hùng Vương cũ) cho hay, tất cả các hộ dân ở đây đều nhất trí di dời, giải tỏa một cách nhanh chóng và được bố trí một nơi ở mới để yên tâm sinh sống. Song ông Hạnh bày tỏ, thành phố cần căn cứ tùy theo hoàn cảnh từng hộ gia đình để bố trí chung cư hoặc lô đất ở cho phù hợp, tạo cơ hội việc làm cho các hộ ở đây sau khi dời đi nơi khác.
Hướng xử lý
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến giải tỏa, di dời các hộ tại các khu tập thể xuống cấp trên địa bàn thành phố, sau khi xem xét báo cáo của Sở Xây dựng về vấn đề này, ngày 10-3-2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 7133/UBND-QLĐTh đồng ý về nguyên tắc thu hồi toàn bộ 22 khu nhà tập thể đã xuống cấp trên địa bàn thành phố theo đề nghị của Sở Xây dựng để đưa vào sử dụng theo quy hoạch.
UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp cùng Công ty Quản lý Nhà làm việc cụ thể với các hộ dân tại 22 khu nhà tập thể này và đề xuất cụ thể phương án tái định cư, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Trường hợp các hộ tại các khu tập thể này không đồng ý sau khi có chủ trương của UBND thành phố, giao UBND quận Hải Châu tiến hành xử lý hành chính, buộc các hộ giao trả cho Nhà nước quản lý để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người sử dụng.
Mới đây, ngày 21-3, trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch số 2182KH-UBND nhằm tổng kiểm tra toàn bộ nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Trên cơ sở kiểm tra nhằm phát hiện những sai trái, bất hợp lý, không hợp pháp trong việc quản lý sử dụng nhà đất của Nhà nước. Từ đó, đề xuất UBND thành phố xem xét thu hồi nhà sử dụng dôi thừa, không đúng mục đích, công năng; xử lý các hộ không ký hợp đồng thuê, các hộ ở tạm chờ bố trí đất tái định cư, chiếm ở trái phép, chuyển nhượng lại cho người khác tại các căn hộ ở khu tập thể, chung cư...
Theo ông Bùi Văn Bốn, hiện Sở đã giao Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng làm việc với Trung tâm kiểm định chất lượng để đánh giá cụ thể hiện trạng xuống cấp của các khu nhà tập thể, báo cáo với UBND thành phố. Đồng thời, Sở cũng đang có đề xuất trình lên UBND thành phố 2 phương án sửa chữa tạm thời tại các khu nhà tập thể này. Một là sẽ di dời dân, sau đó Sở Xây dựng sẽ tiến hành sửa chữa rồi đưa người dân về ở lại. Phương án hai là để người dân tự sửa chữa. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí của thành phố hiện nay rất khó khăn và tiền thuê nhà quá thấp, không đủ chi cho Công ty Quản lý nhà, nên chưa thể tiến hành.
Hiện tại, chỉ riêng khu tập thể số 38 Nguyễn Chí Thanh với diện tích thu hồi hơn 800m2 đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng sử dụng để đầu tư xây khu chung cư mới với 106 căn hộ, thay cho khu tập thể 15 căn hộ đã xuống cấp. Còn lại các khu tập thể nguy hiểm khác vẫn còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Như vậy, có thể thấy rằng, chủ trương của UBND thành phố về việc thu hồi các khu nhà tập thể đã xuống cấp nhằm đảm bảo tính mạng cũng như tài sản cho người dân là việc làm hoàn toàn đúng đắn. Hơn nữa, theo ý kiến của các cơ quan chức năng, những khu nhà tập thể này vốn thuộc sở hữu Nhà nước, khi cần thu hồi vì lợi ích chung, thiết nghĩ người dân nên đồng tình ủng hộ và chấp nhận về các khu chung cư mới như: khu chung cư phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà); khu chung cư Phong Bắc (quận Cẩm Lệ)... Do vậy, để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng người dân, thành phố đề nghị các hộ đồng thuận với chủ trương bố trí chung cư nhà ở xã hội của thành phố.
Vấn đề quan trọng nữa là phía các cơ quan chức năng cần bàn bạc kỹ lưỡng, đưa ra các phương án di dời, bố trí tái định cư với từng hộ dân một cách cụ thể, hợp lý để làm sao đảm bảo tối đa lợi ích của người dân. Khi người dân và chính quyền có chung sự đồng thuận và quyết tâm cao thì mọi vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bài và ảnh: Đắc Mạnh