.
Thế giới phẳng

Nhìn về tương lai

.

Sẽ không có một mô hình phát triển đô thị nào trên thế giới để Đà Nẵng áp dụng hoàn toàn trên con đường đi tới, nhưng Đà Nẵng sẽ phải rút tỉa cái hay của một số đô thị có đặc điểm ít nhiều tương đồng để vận dụng cho tương lai của mình.

Trong những dịp được đến Stockholm (Thụy Điển), Yokohama (Nhật Bản) và đảo quốc Singapore, những đô thị lớn trên thế giới mà khi đi qua, chứng kiến những câu chuyện phát triển độc đáo khiến chúng tôi cứ vấn vương câu hỏi: bao giờ Đà Nẵng sẽ làm được như thế này?

Yokohama cũng có bờ sông giống địa thế sông Hàn của Đà Nẵng.    Ảnh: N.T.U
Yokohama cũng có bờ sông giống địa thế sông Hàn của Đà Nẵng. Ảnh: N.T.U

Câu chuyện nụ cười

Với Stockholm, ngay từ khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Arlanda, thủ đô Thụy Điển gây ấn tượng mạnh trong chúng tôi bằng những nụ cười. Hai bên đường dẫn từ máy bay ra khỏi sân bay, tuyệt nhiên không thấy những bảng quảng cáo san sát nhau như vẫn thường thấy ở các sân bay trên thế giới, thay vào đó là nối tiếp nhau những bức ảnh chụp chân dung từ nhà vua, thủ tướng, bộ trưởng đến diễn viên, ca sĩ, vận động viên thể thao, rồi các nhà khoa học, nhà văn, họa sĩ Thụy Điển nổi tiếng thế giới. Tất cả họ đều tươi tắn cùng nói câu “Chào mừng các bạn đến quê hương chúng tôi” hoặc “Cảm ơn bạn đến thăm quê hương chúng tôi”. Stockholm chào đón khách niềm nở như thế, cho nên cũng dễ hiểu vì sao thành phố này đón 9 triệu khách du lịch mỗi năm, bằng dân số của cả Thụy Điển.

Đà Nẵng - thành phố của nụ cười. Được không? Thời gian qua Đà Nẵng đã có những hành động cải thiện đáng kể để tạo ra hình ảnh một vùng đất thân thiện với du khách và với cư dân của chính mình. Người Stockholm cao lớn, đẹp đẽ và luôn cười thân thiện với người đối diện có phần nhờ đời sống của người Bắc Âu cao bậc nhất thế giới. Thực tế cho thấy chính quyền không thể bắt bộ máy nhân viên cũng như người dân cười khi đời sống của họ còn khốn khó, mà nếu nâng càng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của dân chúng thì chỉ số hạnh phúc của dân sẽ càng cao lên và nụ cười từ đó mà ra. Mới đây, kết quả một cuộc thăm dò xã hội cho thấy đa số người Đà Nẵng hài lòng với cuộc sống của họ, hài lòng với bộ máy công quyền. Điều này chứng tỏ phần lớn người dân đã được hưởng lợi từ sự đi lên của thành phố thời gian qua.

Cảng biển giao thương

Thành phố Yokohama sầm uất, rộng 437 km2, hơn 3,7 triệu dân, cảng biển Yokohama ngày nay lớn nhất Nhật Bản, nhưng vào giữa thế kỷ XIX thì nơi đây là một làng chài nhỏ bé. Vào năm 1905, khi rời Việt Nam qua Nhật vận động cho phong trào Đông Du đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học để mong về đánh đuổi thực dân Pháp, Yokohama (người Việt lúc đó gọi là Hoàng Tân) là nơi đầu tiên chí sĩ Phan Bội Châu đặt chân đến. Thời ấy, những hình ảnh tư liệu cho thấy Yohohama còn nhỏ. Nhưng chỉ vài chục năm sau, Yokohama đã phát triển nhanh chóng nhờ tập trung đẩy mạnh giao thương với bên ngoài và phát triển mạnh cảng biển.

Yokohama có bờ sông vị trí rất giống bờ tây sông Hàn của Đà Nẵng. Đứng ở bờ sông và cũng là công viên này, hướng mặt ra biển thấy một cảng biển nhộn nhịp tàu bè, nhìn về sau lưng là những cao ốc vươn cao san sát bờ sông. Nhìn Yokohama bây giờ (số hàng hóa cảng Yokohama xếp dỡ được từ 138 triệu tấn năm 2006 đã tăng lên 274 triệu tấn năm 2012), có thể thấy từ việc tận dụng lợi thế cảng biển và giao thương ban đầu, “làng chài” năm xưa bây giờ đã phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ khác. Trong khi đó, cũng có lợi thế cảng biển song kinh tế Đà Nẵng thời gian qua vẫn chưa mạnh về công nghiệp và ngoại thương, thu nhập chính của Đà Nẵng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào đất đai là một yếu tố chưa hài hòa trong cơ cấu kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách phải sớm tính toán lại.

Khu vực vịnh Marina - điểm đến của du khách khi đến Singapore.         Ảnh: N.T.U
Khu vực vịnh Marina - điểm đến của du khách khi đến Singapore. Ảnh: N.T.U

Đáng sống từ chiếc xe buýt

Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng mô hình “thành phố đáng sống”, từ “5 không” đến “đáng sống” là sự chuyển đổi rõ rệt hướng đến sự phát triển hiện đại, văn minh. Tính văn minh, đáng sống ở đây nặng về yếu tố đời sống hơn là cơ sở hạ tầng. Khi chúng tôi ở Stockholm, đi khắp thủ đô cũng không thấy những tòa nhà cao chót vót mà chỉ thấy những tòa nhà cao vừa phải nhưng thiết kế đẹp. Stockholm không rộng (nội thành rộng 188km2), cũng không đông (chưa đến 1 triệu dân), nhưng thành phố được mệnh danh là “Venice phương Bắc” này xứng đáng là thủ phủ của cả vùng Scandinavia, là một trong những thành phố sạch nhất thế giới và cũng là một xứ sở văn minh hàng đầu. Sự văn minh ở đây được đo qua nhiều chỉ số hạnh phúc khác chứ không chỉ là đời sống vật chất hiện đại, đầy đủ và tinh tế của Bắc Âu.

Lấy ví dụ về xe buýt, Stockholm không rộng như Đà Nẵng (nội thành rộng 241km2), song từ lâu đã có hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt và xe buýt trở thành phương tiện đi lại phổ biến của người dân. Xe buýt ở Stockholm dùng thẻ hay mua vé đều tự động, xe có bảng điện tử thông báo bằng chữ và giọng nói bến sắp đến, khách chuẩn bị xuống bến nào tự bấm nút báo hiệu cho tài xế, xe đến bến thì cả hai toa xe nghiêng qua một bên sát lề đường để khách lên xuống dễ dàng, trên xe dành riêng một không gian đủ rộng ở giữa cho những người có đẩy xe em bé. Ở bến xe buýt có bảng điện tử thông báo bằng chữ xe sắp đến, chính xác từng phút, với người khiếm thị thì có thể bấm nút để nghe giọng nói thông báo. Văn minh, đáng sống ở Stockholm là cuộc sống người dân được chăm chút, từ nhu cầu nhỏ nhất của người dân được đáp ứng tỉ mỉ cho đến vô số những chính sách xã hội mở để người dân hài lòng ở lại với thành phố của mình và cuốn hút thêm nhiều công dân mới hội tụ về đây.

Cách nghĩ khác về bảo tàng

Chúng tôi đến Stockholm vào cuối tháng 3, khi mùa đông băng giá còn kéo dài những ngày cuối cùng. Khắp nơi là một màu trắng xóa của băng tuyết, nhưng cái lạnh đông đá không hề cản bước chân du khách tìm đến các bảo tàng - điểm đến đầu tiên được du khách chọn lựa khi thăm thành phố có hơn 100 bảo tàng này. Hệ thống bảo tàng ở đây mở cửa từ 10 giờ đến 22 giờ, nổi tiếng nhất ở Stockholm là Bảo tàng Nobel (nơi lưu giữ lịch sử giải Nobel và những người đoạt giải Nobel), Bảo tàng Vasa (trưng bày con tàu khổng lồ được trục vớt vào năm 1961 sau 33 năm nằm sâu dưới đáy biển), Bảo tàng Nordic (tái hiện lịch sử đời sống Bắc Âu)…., và mới mở cửa nhất song đã thu hút đông khách thăm là Bảo tàng ban nhạc lừng danh ABBA.

Cái hay của các bảo tàng ở Stockholm không chỉ là việc ứng dụng công nghệ hiện đại để làm lịch sử trở nên sống động với du khách, mà còn khơi gợi du khách tư duy về tương lai trên quá khứ huy hoàng. Đây là gợi mở rất có ý nghĩa với cách làm bảo tàng ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng đã khá có tiếng với du khách song chỉ mới dừng lại ở việc trưng bày quá khứ với công nghệ cũ, Bảo tàng Đà Nẵng gần đây có gia tăng các hoạt động về chủ quyền biển đảo đang rất thời sự trong công chúng song vẫn chưa là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Với bề dày lịch sử chính trị và văn hóa của Đà Nẵng, việc mở ra thêm các bảo tàng mới, với cách hoạt động mới, chắc chắn sẽ kéo thêm du khách khắp nơi về với thành phố.

Sẽ là không tưởng nếu Đà Nẵng tham vọng trở thành một thành phố hàng đầu thế giới như Singapore, Yokohama hay Stockholm, bởi chỉ tính riêng về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở các đô thị đó cao chót vót, từ 50.000 đến hơn 60.000 USD/người/năm. Nhưng nếu Đà Nẵng hướng về phát triển một đô thị văn minh, đáng sống thì khả năng hiện thực sẽ đến sớm, với việc phải bắt tay vào làm những việc rất nhỏ có thể làm được từ bây giờ, như những nụ cười chào đón khách, những chiếc xe buýt văn minh…
Một góc Đà Nẵng. Ảnh: Hà Quốc Tấn
Một góc Đà Nẵng. Ảnh: Hà Quốc Tấn

Tiệc pháo hoa và ánh sáng

Thời gian gần đây, nhiều nhà hoạch định chính sách Đà Nẵng có ý muốn phát triển thành phố theo mô hình Singapore. Đảo quốc nhỏ này (toàn đảo rộng 692km2) có rất nhiều lý do để trở thành thành phố xếp hàng đầu thế giới về tất cả các mặt. Nếu muốn như Singapore, con đường còn rất dài, song có thể bắt đầu bây giờ từ nền hành chính công và lễ hội pháo hoa - ánh sáng.

Đến với Singapore, một điểm đến thú vị nhất mà bất cứ du khách nào cũng ghé thăm là khu vực vịnh Marina, nơi có tượng sư tử phun nước đã quen thuộc với thế giới, nơi có địa thế giống đôi bờ sông Hàn của Đà Nẵng. Xung quanh vịnh này xếp dày những công trình xây dựng đặc sắc nhất của đảo quốc sư tử: những cao ốc chọc trời, nhà hát “trái sầu riêng” Esplanade, vòng xoay chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Singapore Flyer, khách sạn Marina Bay Sands có bể bơi chơi vơi giữa không trung… Đây là nơi vào dịp quốc khánh mỗi năm (ngày 9-8), Singapore tổ chức lễ hội pháo hoa đã có tiếng tăm lẫy lừng khắp thế giới. Và cũng tại nơi này, mỗi đêm về, cả khu vực này lung linh ánh sáng, thu hút vô vàn khách thập phương kéo đến xem màn nhạc nước và ánh sáng có quy mô lớn và đẹp nhất Đông Nam Á, “chiêu đãi” du khách mỗi đêm 2 suất miễn phí.

Đứng chiêm ngưỡng màn nhạc nước và ánh sáng ở vịnh Marina, chúng tôi cứ nghĩ về Đà Nẵng với lễ hội pháo hoa đã dần dần khẳng định được thương hiệu và lễ hội ánh sáng đã được thành phố chủ trương, và cứ mong sao đôi bờ sông Hàn sẽ sớm lung linh và hoành tráng như ở vịnh Marina này.

NGUYỄN TRƯỜNG UY

;
.
.
.
.
.