.

"Tôi muốn cả thế giới biết rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"

.

(ĐNĐT) - Ngày mai (19-6), UBND thành phố Đà Nẵng sẽ trao tặng Bằng khen cho anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ vì đã dày công sưu tầm những bản đồ lịch sử quý giá góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phóng viên ĐNĐT đã có cuộc trao đổi ngắn với anh Trần Thắng vào chiều 18-6 để hiểu thêm về những tâm huyết của người Việt kiều này trong việc thu thập các tư liệu quý nói trên.

* Điều gì thôi thúc anh sưu tầm những bộ bản đồ về Hoàng Sa hết sức giá trị như vậy? Công việc này hẳn khiến anh tốn khá nhiều công sức, tiền của và thời gian?

- Gần đây, những thông tin về bản đồ Trung Quốc từ thời xưa đều không bao gồm vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã gây xôn xao dư luận về chứng cớ quốc tế khẳng định hai quần đảo này không thuộc về Trung Quốc. Tôi tìm hiểu trên mạng thấy có một số người rao bán một vài tấm bản đồ của phương Tây về lãnh thổ Trung Quốc nên đã liên hệ mua lại. Sau này, càng tìm càng phát hiện nhiều hơn nên tôi nảy sinh ý định sưu tầm những tập bản đồ này. Lúc đầu, tôi tìm được 3 cuốn atlas rất có giá trị, khẳng định pháp lý chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, gồm một cuốn ở Anh, hai cuốn còn lại ở Ba Lan và New York (Mỹ). Sau đó, tôi tiếp tục phát hiện thêm nhiều tư liệu khác cũng thể hiện điều này. Từ đó, có sự thôi thúc khiến tôi thấy mình phải sưu tầm thêm nhiều tài liệu khác nhằm chứng minh lãnh thổ của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.

Ông Trần Thắng đã tặng Đà Nẵng 150 bản đồ và tư liệu, trong đó có 110 bản đồ gốc xuất bản từ năm 1626-1980 và 40 bản đồ tái bản. Các bản đồ này chia 3 nhóm: 80 bản đồ ghi nhận cực Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, hoàn toàn không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, có chú thích tên tuổi các địa danh liên quan đến lãnh thổ trên đất liền Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á, Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

(Sơn Trung)

Lúc đầu, tôi không biết mua bao nhiêu, cứ có tiền là mua, khi hết tiền thì hỏi bạn bè. Sau này, Đà Nẵng xuất 3.000 USD ra mua cuốn bản đồ năm 1933, bạn bè tôi góp 5.000-6.000 USD, còn lại là tiền dành dụm của tôi. Với một người làm công việc nghiên cứu như tôi, đó là số tiền lớn, nhưng tôi nghĩ mình nhận được nhiều hơn, khó khăn 1, 2 tháng mà đóng góp được vào việc chung của đất nước thì đó là điều nên làm.

* Trong số những tư liệu anh sưu tầm, theo anh, tư liệu nào có giá trị đặc biệt, thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa?

- Đó là hai cuốn atlas “Trung Hoa dân quốc dư đồ”, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản lần đầu vào năm 1919  và 1933 ở Nam Kinh. Tôi thấy đây là cuốn atlas rất có giá trị khi bản thân nó mang tính khoa học, tính pháp lý và bởi cuốn này không hề thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc.

Cuốn nữa là bản đồ về “Năng lượng và dầu khí của Trung Quốc” do Bộ Nội vụ Mỹ nghiên cứu. Vào năm 1980, khi Trung Quốc đã phát triển công nghiệp, họ rất cần năng lượng. Tuy nhiên, một bản đồ chính thống của Trung Quốc về tài nguyên năng lượng, đặc biệt là về dầu khí và than, cũng không hề có Hoàng Sa, Trường Sa như họ đòi hỏi chủ quyền bằng “đường lưỡi bò” hết sức phi lý hiện nay.

Ông Trần Thắng bên cuốn Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Ông Trần Thắng bên cuốn Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ - (Postal Atlas of China) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng.

* Để phát huy giá trị của các bản đồ này, theo anh cần phải làm gì?

- Để thế giới biết rằng, lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, tôi nghĩ, cần mang những tài liệu này quảng bá rộng rãi ở 100 thư viện của các trường đại học hàng đầu tại Mỹ để mọi người trong và ngoài nước hiểu rõ về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tôi cũng mong muốn làm sao để người nước ngoài và mọi người dân Việt Nam sinh sống khắp nơi trên thế giới biết và hiểu hơn về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, xem các bản đồ lịch sử này là bản quyền pháp lý để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

* Anh nghĩ gì khi thành quả của mình đã tạo nên tiếng vang lớn và góp phần không nhỏ vào việc khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa?

Tài liệu quý này đã thực sự vượt khỏi mong đợi của bản thân tôi. Lúc đầu, tôi sưu tầm chỉ với ý nghĩ đơn giản là sưu tầm chứ không nghĩ sẽ tạo hiệu quả lớn như bây giờ. Một tờ báo ở Mỹ cũng có bài viết đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa… đã tạo tiếng vang rất lớn. Bởi lâu nay, các bài báo chủ yếu viết về sự xung đột, chứ không nói cụ thể về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Sau khi bài viết này được xuất bản thì rất nhiều người biết rõ và cụ thể hơn về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên. Đây là một cách khẳng định chủ quyền rất hiệu quả.

* Thời gian gần đây, có nhiều thông tin về việc tàu Trung Quốc cản trở, dùng vũ lực đe dọa tàu cá và ngư dân Việt Nam khi đánh bắt ngoài khơi thuộc chủ quyền Việt Nam. Anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Tôi không bằng lòng với việc gần đây phía Trung Quốc dùng vũ lực để de dọa ngư dân Việt Nam trên biển. Bởi trên vùng biển tranh chấp thì cả hai phía đều có quyền đánh bắt như nhau. Tại sao tàu Nhật, Mỹ đánh cá ngoài đại dương thì không sao, nhưng tàu của ngư dân Việt Nam thì bị đe dọa? Đó là vì tàu Việt Nam là tàu gỗ, tàu nhỏ nên họ dùng thế của nước lớn áp đảo nước nhỏ. Điều này là không đúng vì khi dùng vũ lực là họ đã đi ngược lại vấn đề nhân đạo.

* Với cương vị là Chủ tịch Viện Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, anh quan tâm thế nào đến việc phát triển văn hóa Việt Nam cho cộng đồng người Việt ở đây?

- Từ khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia làm rất nhiều chương trình về phổ biến văn hóa Việt Nam. Sau này ra trường, tôi muốn tiếp tục phát huy những chương trình như vậy với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa, sống ở Mỹ, những chương trình như vậy đem lại niềm vui cho tôi và kiều bào Việt.

Ở Mỹ, tôi thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam như âm nhạc truyền thống, thời trang, chiếu phim, triển lãm tranh ảnh mang dấu ấn Việt Nam… Và ở Việt Nam, chúng tôi tổ chức các hội thảo giáo dục Mỹ, đưa sinh viên Việt kiều về dạy tiếng Anh, tư vấn du học Mỹ, giới thiệu, ký kết hợp tác giữa các trường ĐH ở Việt Nam và Mỹ. Trong 10 năm làm việc, chúng tôi đã tổ chức được hơn 50 buổi hội thảo giáo dục Mỹ, giúp đỡ được từ 7.000-8.000 sinh viên, hỗ trợ được khoảng 15% du học sinh. Mỹ cũng là quốc gia đa văn hóa, đa dân tộc nên chúng tôi cũng rất muốn đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập vào sự đa dạng ấy.

* Xin cảm ơn anh!

Anh Trần Thắng sinh năm 1970 tại tỉnh Quảng Ngãi. Vốn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên ngành cơ khí. Năm 1991, anh cùng gia đình định cư tại Connecticut, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp ĐH Connecticut, anh Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành Quản lý nhà máy. Anh hiện là Chủ tịch Viện Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (viết tắt là IVCE, có địa chỉ trang thông tin là http://www.ivce.org) và đang làm việc cho Công ty sản xuất động cơ máy bay Prat & Whitney.

Sau khi báo chí trong nước và quốc tế loan tin từ cuộc trưng bày Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ 1904 của Nhà Thanh chỉ rõ cương giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, anh Trần Thắng đã ngay lập tức tìm tòi ở khắp nơi để tìm kiếm nguồn tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý này để đóng góp cho Tổ quốc. Trong thời gian ngắn, anh đã sưu tầm được 3 atlats bản đồ và gần 150 bản đồ riêng lẻ, có giá trị về lịch sử và pháp lý. Sau đó, anh quyết định tặng số tư liệu này cho UBND huyện Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng). Toàn bộ số hiện vật này đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Đắc Mạnh - Quỳnh Trang (Thực hiện).

;
.
.
.
.
.