.

Trường Sa, những trải nghiệm không quên

.

Mỗi khi ai đó nói “đi Trường Sa”, nhiều người từng đến chắc hẳn sẽ thổn thức. Với những người làm báo, được đặt chân tới Trường Sa - phần đất máu thịt thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc là một điều khát khao, vinh dự, đôi chút tự hào. Trải lòng những người làm báo từng đặt chân đến Trường Sa nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6.

Nhà báo Lê Quang Á, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng: Trách nhiệm với quân dân trên đảo

Nhà báo Lê Quang Á chuyển tin từ đảo An Bang về tòa soạn Báo Đà Nẵng.
Nhà báo Lê Quang Á chuyển tin từ đảo An Bang về tòa soạn Báo Đà Nẵng.

Bất cứ người dân nào, trong đó có những người làm báo đều mong muốn đặt chân tới Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Bản thân tôi luôn cảm thấy rất tự hào vì đã có trải nghiệm với Trường Sa vào giữa năm 2012 với đoàn cán bộ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ra thăm. Có vô vàn những câu chuyện lớn nhỏ đọng lại trong ký ức, không chỉ thời điểm này mà còn mãi về sau. Bản thân tôi rất mong muốn bằng nghề nghiệp của mình có thể giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện, đúng đắn nhất để góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Ra đảo, cảm nhận một điều chung nhất, bao trùm nhất, tạo nên sức mạnh to lớn đó chính là sự đoàn kết, trách nhiệm và tình cảm máu thịt giữa những người lính đảo, quân dân trên đảo với đất liền. Trong tim mỗi chúng tôi, Trường Sa luôn trong ký ức, trong niềm tự hào và giữ tình yêu trọn vẹn với Tổ quốc.

Nhà báo Quốc Phồn (DRT Đà Nẵng): Thấy mình trưởng thành hơn

Nhà báo Quốc Phồn tác nghiệp tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhà báo Quốc Phồn tác nghiệp tại đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.

6 năm trước, tôi được vinh dự đặt chân tới Trường Sa. Thời điểm đó, mỗi năm có 2 đợt để các nhà báo ra Trường Sa tác nghiệp, chuyển tải các hoạt động cả nước hướng về Trường Sa, Trường Sa với cả nước nên chuyến đi đó càng thêm ý nghĩa. Được đến các đảo, tận mắt chứng kiến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, canh giữ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, nhiều hiểm nguy giữa muôn trùng biển khơi mới thấy được giá trị lịch sử về địa lý mà cha ông ta từ nhiều năm trước đã dũng cảm hy sinh xương máu để bảo vệ, gìn giữ đến ngày hôm nay.

Ra Trường Sa, thấy được nỗi vất vả và cả sự kiên cường, dũng khí của những người lính đảo ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương tôi lại càng thêm yêu quý và trân trọng sự hy sinh thầm lặng của những người lính Hải quân. Những thước phim, phóng sự được chúng tôi dày công thực hiện, phát trên sóng truyền hình về cuộc sống, lao động, chiến đấu, luôn kiên định và vượt lên gian khó của các chiến sĩ Hải quân giúp cho người dân đất liền càng thêm tin yêu, dồn nhiều tình cảm trân trọng đặc biệt cho Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Nhiều người cho rằng: “Cuộc đời ý nghĩa hơn khi đặt chân đến Trường Sa”, điều đó quả không sai. Tôi được nếm trải những khó khăn trong cuộc đời tác nghiệp trên biển. Điều đó làm cho mình thấy trưởng thành hơn, để càng vững tin vào cuộc sống, vào nghiệp làm báo.

Nhà báo Nhân Mùi (Báo Cựu Chiến binh): Còn sức vẫn muốn đi Trường Sa

Ở tuổi ngoài 60, tôi đã có hơn 25 năm cầm bút. Những chuyến đi xa đến địa đầu đất nước bao giờ cũng rất đáng nhớ. Nhưng chắc hẳn, ai đã từng đến Trường Sa đều mang về những kỷ niệm trọn đời. Với tôi, cùng sinh hoạt, cùng ăn một bữa cơm “rau Trường Sa”, “cá Trường Sa” với những người lính kiên cường từ mọi miền đất nước làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió là khoảnh khắc rất đỗi xúc động. Nơi mà những năm gần đây, sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đang đặt lên trên vai mỗi người dân Việt Nam mà trước hết là những người lính bảo vệ đảo. Nửa cuối hành trình đến với Trường Sa, có lúc cảm thấy đuối sức vì tuổi tác nhưng khoảnh khắc đó nhanh chóng tan biến hết vì vẻ đẹp hồn nhiên, tình cảm nồng ấm của những người dân và chiến sĩ nơi đảo xa dành cho. Chắc chắn, tôi cũng sẽ không ngần ngại để được đến với Trường Sa thân yêu thêm một lần nữa.

Nhà báo Xuân Ánh (DRT Đà Nẵng): Cảm xúc để có những tác phẩm hay

Cũng như nhiều nhà báo khác, tôi vinh dự được hai lần tháp tùng đoàn đại biểu thành phố ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa (năm 2010 và 2012). Có đến Trường Sa, chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của quân và dân trên các đảo, mới thấy được tinh thần chiến đấu, lao động kiên cường, dũng cảm, chứa đựng sự hy sinh thầm lặng của quân và dân nơi đây. Nhiều trường hợp bố, mẹ mất, vợ sinh con đầu lòng, nhưng vì nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ đành gác lại việc riêng tư, ngày đêm bám trụ với đảo, cùng đồng đội bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Có người ví rằng, cứ nhìn thấy màu xanh bạt ngàn của các loài cây phong ba, bàng vuông nơi đầu sóng ngọn gió này, sẽ thấy ngay sức sống mãnh liệt của Trường Sa hôm nay.

Chính con người, cảnh vật, cảm xúc đó sẽ góp phần tạo ra những tác phẩm báo chí chân thực, sống động. Mặc dù phải tác nghiệp một mình trong cả 2 chuyến đi, song có lẽ, chính những tình cảm đoàn kết, gắn bó của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, để có những hình ảnh đẹp, đầy cảm động, thể hiện được tình quân dân giữa đất liền với biển, đảo…

Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam.
Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam.

Nhà báo Việt Dũng (Báo Đà Nẵng): Bài học lớn về tác nghiệp

Từ tàu, nếu bước xuống xuồng cập đảo không cẩn thận có thể bị kẹp chân toét máu do sóng chồm, nguy hiểm hơn sẽ rơi xuống biển. Muốn quay phim hay chụp những khoảnh khắc đẹp, phóng viên phải đu người qua boong tàu để lấy góc máy chuẩn. Ra đảo, nếu không biết tranh thủ từng phút để tốc ký, quay phim, chụp hình, phỏng vấn, định hình đề tài… thì chắc chắn sẽ không có những bài viết sinh động khi đến với Trường Sa. Do phụ thuộc vào thủy triều, nhiều điểm đảo chúng tôi đến vào những thời điểm đồng hồ sinh học của cơ thể đang “ngủ nghỉ”. 4 giờ sáng, tàu báo thức; 4 giờ 30 phút ăn sáng; 5 giờ lên đảo; 6 giờ trở về tàu. Có lúc 12 giờ trưa, lên đến nhà giàn DK.

Tôi còn nhớ, để viết bài “Trồng rau xanh ở Trường Sa”, tôi nhờ một chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát dẫn qua một rạn san hô nổi khoảng 15 mét vuông, được trải bằng lớp bê-tông cho bằng phẳng. Khi đến nơi, cũng là lúc các chiến sĩ đã làm xong nhiệm vụ chăm sóc các khay rau muống hột được ươm hai tuần trước. Biết mình bỏ lỡ chụp cảnh chăm sóc rau, tôi vội lấy trong túi xách chai nước lọc mang theo. Uống nhanh một ngụm, tôi đưa cho người chiến sĩ uống. Còn một ít nước, tôi nhờ chiến sĩ dùng tay rưới đều lên khay rau. Hình ảnh đó được tôi bấm 2 tấm ảnh sử dụng cho bài viết sau này. Đó là những kỷ niệm trong suốt chuyến đi Trường Sa của tôi trong tháng 4-2007. Tôi mang về những viên đá từ Trường Sa để ghi dấu một kỷ niệm đẹp về một hải trình đáng nhớ nhất.

DIỆU MINH ghi

;
.
.
.
.
.