(ĐNĐT) - Trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, phát biểu tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước hôm 30-5, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đã nêu lên nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
ĐB Huỳnh Nghĩa nhận định, Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội về tình hình KT-XH của quốc gia đã nêu khá rõ nét những mặt tích cực và hạn chế, tồn tại, những nhiệm vụ và giải pháp đang đặt ra cần phải giải quyết trong năm 2013. ĐB nhận định, so với năm 2012 thì diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô đang có sự chuyển biến tích cực hơn. Trong điều hành, Chính phủ đã chủ động và nỗ lực thực hiện các mục tiêu tổng quát về KT-XH năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, ban hành kịp thời Nghị quyết số 01 và 02 ngay từ đầu năm, tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường.
Tuy nhiên, từ thực tế tình hình KT-XH, qua tiếp xúc cử tri và phản ánh của doanh nghiệp, ĐB cho rằng nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, thị trường trong nước bị thu hẹp, số lượng doanh nghiệp trong nước, kể cả khu vực Nhà nước lẫn tư nhân, gặp nhiều khó khăn về cả vốn lẫn thị trường do tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh. Số doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản vẫn ở mức cao. Do đó, ĐB đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong báo cáo thẩm tra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Hiện nay, các vấn đề bức xúc của xã hội chưa được tập trung giải quyết. Đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người lao động, người làm công ăn lương, công nhân thất nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Việc kiểm soát nhập khẩu kém hiệu quả, hàng tiêu dùng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra liên tục đã tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, gây nên tâm lý bất an trong xã hội. Do đó, ĐB cho rằng với tình hình này, cần ưu tiên mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, kích thích tổng cầu, tăng thu ngân sách, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại Hội trường |
Theo ĐB, chính sách tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng để phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát trong thời gian qua đạt được kết quả tích cực, tình hình nợ xấu được cải thiện một phần. Tuy nhiên nhìn chung, dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp hiện nay cũng không mặn mà với chính sách tín dụng này. ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, bảo đảm những tháng còn lại năm 2013 dư nợ tín dụng tăng trên 12% (trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 2%); hạ lãi suất cho vay trung hạn để hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu.
ĐB cho rằng, vấn đề tái lập và củng cố lòng tin vào việc thực hiện các chính sách đã ban hành có ý nghĩa quyết định. ĐB bày tỏ sự ủng hộ chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và điều chỉnh thuế giá trị gia tăng như Chính phủ đang trình Quốc hội là cần thiết; nhưng đề nghị trong ngắn hạn cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa để kích thích tổng cầu. Cụ thể là sử dụng ngân sách bằng việc tăng phát hành trái phiếu Chính phủ để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, đồng thời cần ưu tiên ứng vốn để tiếp tục hoàn thành các công trình xây dựng dở dang bằng vốn ngân sách.
ĐB nhận định, các biện pháp theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ đề ra chưa có tác động đáng kể đối với thị trường. Về xử lý gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước công bố cho vay để mua nhà ở xã hội, ĐB đề nghị cần phải thận trọng và có giải pháp tối ưu để bảo đảm thanh toán, hoàn trả lại số tiền này cho Nhà nước.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, theo ĐB thì đề án này đã được Chính phủ phê duyệt nhưng triển khai quá chậm, dù biết rằng doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với tình hình thị trường hiện nay và thu ngân sách, nhưng càng kéo dài thì “sức khỏe” của doanh nghiệp yếu kém càng thoi thóp, rất khó thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. ĐB đề nghị Chính phủ cần tập trung làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp Nhà nước song song với việc tái cấu trúc; mạnh dạn thoái vốn ở những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ, để tập trung nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực cần thiết.
Về những vấn đề bức xúc của xã hội, ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết thấu đáo, không để dồn nén sẽ dẫn đến hậu quả xấu, ảnh hưởng sự phát triển KT-XH, tạo tâm lý bất an, niềm tin của nhân dân bị giảm sút. Đề nghị Chính phủ phối kết hợp nhiều chủ trương, chính sách nhằm hướng tới công bằng xã hội và tiến bộ xã hội. Sớm khắc phục và hạn chế khuyết tật của kinh tế thị trường, phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện cho những người bị thiệt thòi có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện công bằng trong phân phối và thu nhập. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các chương trình phát triển KT-XH ở từng vùng, miền phù hợp, lồng ghép giải quyết các vấn đề xã hội như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, để tạo môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại gắn với quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển đối với các nước láng giềng và các nước trong khu vực. Chính phủ cần ưu tiên, tạo điều kiện cụ thể hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, yên tâm làm ăn sinh sống.
PHẠM HỮU HOA