Việc công nhận đô thị loại 1 cho Đà Nẵng là sự khẳng định một cách đúng đắn vai trò, vị trí của Đà Nẵng đối với sự phát triển của đất nước và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Thành phố bên sông Hàn ngày càng khẳng định vị thế của mình. Ảnh: NGỌC HÂN |
Tạo nền tảng ban đầu cho phát triển
Một ngày cuối tháng 5-2003, tại Hà Nội, đoàn lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng, đứng đầu là Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh đã có buổi làm việc với Hội đồng thẩm định đô thị loại 1 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Quân làm Chủ tịch. Một điều phấn khởi là vào thời điểm đó, so với quy định của Chính phủ về tiêu chí đô thị loại 1, Đà Nẵng rõ ràng có những thuận lợi nhất định, nên chính quyền thành phố có đủ tự tin khi đứng trước những yêu cầu khắt khe của Hội đồng thẩm định. Sau 5 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng khẳng định được vị thế đô thị trung tâm cấp quốc gia và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời đạt được những kết quả nổi bật từ chính nội lực của mình. Tổng thu ngân sách cuối năm 2002 đạt hơn 2.700 tỷ đồng, vượt gấp 5 lần tiêu chí 500 tỷ đồng mà Chính phủ đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt được 587 USD; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt hơn 82%... Các tiêu chí khác theo Nghị định 72-2001/NĐ-CP ngày 5-10-2001 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị như: cơ sở hạ tầng được xây dựng nhiều mặt đồng bộ và hoàn chỉnh; quy mô dân số từ 50 vạn người trở lên; mật độ dân số bình quân từ 12.000 người/km2 trở lên... Đà Nẵng đều đạt và vượt. Chính vì vậy, Hội đồng thẩm định quyết định cho số điểm đạt gần 80 điểm, so với 78,5 điểm đề nghị của Đà Nẵng và vượt gần 10 điểm so với chuẩn đô thị loại 1.
Thế nên, chỉ gần 2 tháng sau, ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1.
Việc công nhận đô thị loại 1 cho Đà Nẵng là sự khẳng định một cách đúng đắn vai trò, vị trí của Đà Nẵng đối với sự phát triển của đất nước và của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời khẳng định những thành quả đạt được qua 5 năm phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương; đặc biệt là nhìn nhận đúng đắn hướng phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng trong tương lai, khi đất nước chuyển mình, hội nhập thế giới trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để khẳng định được mình trong vị thế đô thị loại 1, sau bộn bề công việc của một thời gian sắp xếp do chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố bắt tay vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, mà quan trọng là thực hiện những chính sách đột phá để xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện chủ trương phát triển quỹ đất; hình thành hướng phát triển kinh tế theo cơ cấu “Công nghiệp-Dịch vụ-Nông nghiệp”.
Nhờ đó, năm 2002, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện trong đó ngân sách thành phố quản lý là 1.133 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố ước đạt 2.400 tỷ đồng; trong đó, vốn do địa phương quản lý 2.000 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ để có trên 100 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng... Đặc biệt, trong năm đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 2.564 tỷ đồng, vượt 21,7% dự toán đầu năm; tổng chi ngân sách 1.485 tỷ đồng, vượt 59,4% dự toán đầu năm, trong đó chi đầu tư phát triển 954,4 tỷ đồng, vượt 99,7%; tổng nguồn vốn huy động 5.100 tỷ đồng, tăng 20,5%; tổng dư nợ 7.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ... Đó là những cơ sở để thấy rõ sự phát triển đi lên một cách mạnh mẽ cho các năm tiếp theo trên tinh thần xây dựng và phát triển đô thị loại 1, được Chính phủ công nhận từ giữa năm 2003. Đồng thời, một động lực lớn, vừa là định hướng vừa là nguồn động viên cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn, chính là việc ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW với những nội dung quan trọng, có tính quyết định đối với sự phát triển nhanh, bền vững của Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành tựu mới từ đột phá chiến lược
Cũng chỉ mới 2 tháng trước khi có buổi làm việc với Hội đồng thẩm định đô thị loại 1 của Chính phủ, trong dịp kỷ niệm 28 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, con đường ven biển Liên Chiểu-Thuận Phước, đặt tên của nhà lãnh tụ Nguyễn Tất Thành được khánh thành. Con đường ven biển dài hơn 12km với mặt cắt ngang 45m, tổng kinh phí đầu tư gần 500 tỷ đồng không chỉ một lần nữa khẳng định chủ trương tạo khâu đột phá trong phát triển đô thị bằng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, mà mở ra cơ hội mới cho việc “mở rộng bờ biển, kéo dài bờ sông”, tạo nên không gian đô thị gấp 3 lần 10 năm sau đó. Hàng loạt công trình, dự án lớn về hạ tầng đô thị ra đời và hoàn thiện những năm sau, nhất là những tuyến đường lớn, những cây cầu bắc qua sông Hàn, những khu đô thị mới được mở rộng về hướng Đông Nam, Tây, Tây Bắc... hòa chung với những khu dân cư ngày càng khang trang đã tạo nên một vóc dáng đô thị hiện đại. Trong 10 năm, theo ước tính, Đà Nẵng đã đầu tư vốn xây dựng cơ bản đạt trên 45 nghìn tỷ đồng; trong đó tiền thu từ chuyển quyền sử dụng đất hơn 27 nghìn tỷ đồng...
Bên cạnh đó, những công trình phục vụ cho phát triển dịch vụ, công nghiệp 10 năm qua đã đưa Đà Nẵng thành trung tâm thực sự của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo nên sức hấp dẫn và lan tỏa cho sự phát triển của vùng duyên hải miền Trung và cả nước. Có được sự phát triển đó, chính là nhờ thành phố đã sớm xây dựng quy hoạch và tiến hành triển khai theo đúng quy hoạch; cả về xây dựng không gian đô thị cũng như định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhờ đó, bên cạnh công nghiệp phát triển ngày càng theo hướng hàm lượng giá trị gia tăng cao như công nghệ cao, công nghệ thông tin, tự động; hình thành nên 6 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp; thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước; thì việc về đích trước hạn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “Công nghiệp-Dịch vụ-Nông nghiệp” sang “Dịch vụ-Công nghiệp-Nông nghiệp” trước năm 2010 cũng thể hiện xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Dịch vụ đã hình thành theo hướng chuyên sâu, lấy du lịch làm mũi nhọn nhờ khai thác hiệu quả các yếu tố thuận lợi của thiên nhiên, như biển, núi, sông và sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng và đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng. Nhờ đó, doanh thu thuần túy của ngành du lịch ước tăng 23,5% mỗi năm, thu hút đầu tư với 60 dự án có tổng vốn trên 4 tỷ USD.
Bên cạnh chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, với mức chi cho đầu tư phát triển hằng năm khá cao, thì một khâu đột phá chiến lược đã sớm được thành phố nhìn nhận đúng đắn và đầu tư hợp lý, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển đô thị trong giai đoạn mới, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu như Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố xác định xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế là khâu đột phá, thì đến Đại hội XIX, Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu chiến lược, khâu đột phá chính là công tác cán bộ. Vì thế, Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy lấy năm 2006 là “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính” làm nền tảng cho hàng loạt chính sách mới về cán bộ như quy hoạch, đào tạo, thu hút, bồi dưỡng... cán bộ ra đời. Nhiều chủ trương, chính sách sáng tạo như đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; mỗi Thành ủy viên tiến cử và giúp đỡ từ 1-2 cán bộ trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố; thành lập hệ thống trường phổ thông chất lượng cao, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo nguồn cán bộ chức danh chủ chốt cấp xã, phường; xây dựng các tiêu chí đánh giá cán bộ một cách cụ thể... được hình thành cùng với việc đầu tư, thúc đẩy hệ thống giáo dục-đào tạo phát triển mạnh mẽ, đưa Đà Nẵng là trung tâm đào tạo của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Qua đó, thành phố đã đào tạo 25 tiến sĩ, 743 thạc sĩ từ đội ngũ cán bộ; cử 492 học viên đào tạo từ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có 19 tiến sĩ và 81 thạc sĩ với 176 người đã về nhận công tác; tiếp nhận và bố trí công tác cho 834 người theo diện thu hút nhân tài; trong đó có 12 tiến sĩ, 125 thạc sĩ; 45 cán bộ trẻ được giới thiệu nguồn chức danh cán bộ chủ chốt sở, ngành, quận, huyện; 134 học viên tốt nghiệp Đề án đào tạo chức danh bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã được phân công công tác với 42 người giữ các chức vụ chủ chốt ở địa phương... Bên cạnh đó, đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển của thành phố ngày càng được nâng cao nhờ hệ thống giáo dục - đào tạo của thành phố ngày càng được hoàn thiện. Nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề đóng trên địa bàn đã khẳng định được thương hiệu, uy tín đào tạo của mình; góp phần quan trọng vào xây dựng nguồn nhân lực không chỉ riêng cho thành phố mà cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên, từng bước khẳng định vai trò động lực của Đà Nẵng trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Xây dựng thành phố an bình, đáng sống
Cùng với phát triển kinh tế, giữ vững tăng trưởng, một vấn đề quan trọng trong xây dựng đô thị loại 1 của Đà Nẵng chính là xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; trong đó tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh. Từ đó, toàn hệ thống chính trị xây dựng và triển khai nhiều chính sách mới, có tính sáng tạo và đột phá trong quản lý đô thị, xây dựng đô thị theo hướng văn minh, bảo đảm an sinh xã hội để hướng tới xây dựng một thành phố thực sự an bình, đáng sống.
Chương trình “5 không” được khởi xướng từ những năm đầu của thế kỷ 21 tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng qua từng giai đoạn. Đó là việc xóa hộ đói để nâng lên thành không có hộ đặc biệt nghèo; xóa người mù chữ để tiến tới “không có học sinh bỏ học” (2 mục tiêu hoàn thành trước hạn và chuyển đổi mục tiêu đến năm 2015); triển khai mạnh mẽ các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa để khống chế tối đa tội phạm giết người để cướp của; tình trạng lang thang ăn xin, nhất là sự biến tướng của tệ nạn này; tập trung cai nghiện và tổ chức quản lý sau cai nghiện một cách hiệu quả để thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”. Chuẩn nghèo của thành phố luôn được nâng cao so với chuẩn quốc gia để tập trung nguồn lực và giải pháp thực hiện một cách mạnh mẽ, qua đó giúp hơn 67 nghìn hộ nghèo, gần 1.900 hộ đặc biệt nghèo thoát nghèo bền vững với tổng nguồn lực huy động hơn 2.300 tỷ đồng; từ đó góp phần xây dựng đời sống nhân dân đô thị một cách bền vững hơn.
Trong quá trình đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình “thành phố 5 không”, đến năm 2005, thành phố quyết định triển khai chương trình “thành phố 3 có” với các mục tiêu “có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Nhờ có giải pháp quyết liệt và cách làm mới như “Chợ việc làm”, từ năm 2006 đến nay, số người tìm việc làm tăng từ 5 nghìn người lên 17 nghìn người (năm 2012); đặc biệt là tập trung giải quyết việc làm cho người dân vùng giải tỏa, chuyển đổi ngành nghề trong quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 5,17% (năm 2003) xuống còn khoảng 4,3% vào năm 2013. Cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh mẽ theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với tỷ lệ lao động dịch vụ tăng từ 42,1% năm 2003 lên hơn 58% vào năm 2013. Nhà ở của cư dân đô thị được giải quyết căn cơ, không chỉ từ việc hình thành hơn 300 khu dân cư từ việc di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị ảnh hưởng đến gần 100 nghìn hộ dân, mà cả từ việc đẩy nhanh thực hiện chương trình “7 nghìn căn hộ chung cư” theo đề án có nhà ở vượt chỉ tiêu với việc đưa hơn 8.300 căn hộ chung cư vào sử dụng với tổng diện tích hơn 460 nghìn m2... Cùng với diện mạo đô thị ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, thì đời sống thị dân ngày càng được nâng cao từ trình độ dân trí đến xây dựng lối sống ứng xử văn hóa để hình thành nếp sống văn minh.
Điều quan trọng là các chương trình an sinh xã hội, xây dựng thành phố an bình, đáng sống của Đảng bộ, chính quyền thành phố đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, sự thực hiện một cách có trách nhiệm của đông đảo nhân dân. Từ đó, đã hình thành nên đồng thuận xã hội một cách mạnh mẽ, huy động được các nguồn lực vật chất và tinh thần vào sự phát triển chung, đưa Đà Nẵng thực sự xứng đáng với tầm vóc đô thị loại 1.
NGUYỄN THÀNH