.
10 năm Đà Nẵng đô thị loại 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Tạo cơ hội cho người tài phát triển

.

Xác định giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) là một trong những đòn bẫy quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu tiên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến sau ĐH. Trong vòng 10 năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sự nghiệp GD-ĐT của Đà Nẵng đã có những bước tiến vững mạnh toàn diện, tạo nhiều dấu ấn so với các địa phương khác trên phạm vi cả nước.

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay. 					                Ảnh: NGỌC HỢI
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: NGỌC HỢI

Xác định giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) là một trong những đòn bẫy quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu tiên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ cấp phổ thông đến sau ĐH. Trong vòng 10 năm sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sự nghiệp GD-ĐT của Đà Nẵng đã có những bước tiến vững mạnh toàn diện, tạo nhiều dấu ấn so với các địa phương khác trên phạm vi cả nước.

Bảo đảm tốt quy mô trường, lớp

Ngay sau khi chia tách đơn vị hành chính vào năm 1997, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều đề án, như: Đề án quy hoạch mạng lưới trường phổ thông giai đoạn 1998-2010; Đề án quy hoạch mạng lưới trường TCCN giai đoạn 2001-2010 và Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2010, nhằm phát triển mạnh GD-ĐT.

Kể từ ngày các đề án triển khai thực hiện, điều kiện cơ sở vật chất, diện mạo các trường học được thay đổi từng ngày theo hướng hiện đại, tầng hóa. Trung bình mỗi phường, xã có từ 1 - 2 trường mầm non, 1 - 2 trường tiểu học. Mỗi quận, huyện có 1 - 2 trường THCS, THPT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, bảo đảm tốt điều kiện học tập cho học sinh. Đến nay, 100% trường tiểu học có tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Toàn ngành đã có 121/319 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 38%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các đơn vị, trường học ngày càng phát triển, với 100% nhà giáo, cán bộ quản lý mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp trình độ đào tạo đạt chuẩn; trong đó có trên 70% nhà giáo, cán bộ quản lý có trình độ đào tạo trên chuẩn.

Cùng với đó, chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông ngày càng chuyển biến mạnh mẽ. Là trường vùng ven, đóng ở địa bàn xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, chất lượng dạy và học Trường THPT Phạm Phú Thứ đạt nhiều thành tích tốt. Ông Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng cho hay, bằng sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục của trường không ngừng nâng lên. Chẳng hạn, ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, trường có 430 học sinh dự thi, nhưng có 45% trúng tuyển ĐH, CĐ.  

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, toàn thành phố có 24.452 thí sinh đăng ký dự thi vào 139 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Kết quả, có 2.628 thí sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1, đạt tỷ lệ 24,60% (năm 2011: 2.607 học sinh, tỷ lệ 24,06%); 1.605 thí sinh đỗ CĐ nguyện vọng 1, tỷ lệ 15,03% (năm 2011: 1.858 học sinh, tỷ lệ 17,15%). Ngoài ra, từ năm 1997 đến nay, thành phố có 724 học sinh đoạt giải quốc gia, 21 giải quốc tế và khu vực châu Á.  

Nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên”

Song song với công tác đào tạo đại trà, năm học 2003-2004, UBND thành phố đã đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành trường THPT chất lượng cao, làm “cái nôi” đào tạo nhân tài. Và kể từ đó đến nay, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn giành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Hàng loạt tên tuổi học sinh nhà trường như: Phạm Xuân Hòa, Đỗ Quốc Khánh, Bùi Đức Thắng, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Quốc Toán, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Nguyễn Đình Tùng, Đinh Hưng Tư, Nguyễn Kiều Hiếu, Phạm Việt Cường, Trần Tấn Hoàng Bảo… đã được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến, với sự ngưỡng mộ, nể phục về tài năng, trí tuệ.  

Không dừng lại ở đó, UBND thành phố đã ban hành nhiều đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua việc tuyển chọn học sinh xuất sắc bậc THPT đi đào tạo ĐH trong nước và nước ngoài; đào tạo sau ĐH ở nước ngoài để tuyển chọn nguồn nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Tính đến hết năm 2012, đã có tổng cộng 472 lượt người tham gia đề án với 376 học viên bậc ĐH (186 học trong nước, 190 học ở nước ngoài) và 96 học viên bậc sau ĐH (77 thạc sĩ và 19 tiến sĩ ). Số học viên hoàn thành chương trình đào tạo là 255 (180 học viên bậc ĐH, 75 lượt học viên bậc sau ĐH). Hầu hết các học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo theo các đề án đều đáp ứng tốt công việc chuyên môn tại các sở, ban, ngành của thành phố.

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách táo bạo, đúng đắn trong công tác chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Trên cơ sở sự quan tâm, đầu tư của thành phố, ngành GD-ĐT sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để gặt hái nhiều thành tích dạy và học, đào tạo các thế hệ học sinh không chỉ có năng lực, trình độ mà còn có đạo đức, lối sống tốt, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp.      

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.